Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ đã hỗ trợ tối đa Hải Dương để khoanh vùng, dập dịch sớm nhất có thể, đảm bảo Tết an lành cho nhân dân.

Bộ Y tế điều động 1.200 nhân viên y tế, trong đó có cả học sinh, sinh viên trường Y cùng 60 giáo sư, chuyên gia xuống Hải Dương để thiết lập hệ thống điều trị. TP Chí Linh được phong tỏa, ngăn chặn lây nhiễm lan ra vùng khác, việc lấy mẫu được triển khai trên diện rộng.

Ông Long đánh giá, cơ sở điều trị của Hải Dương không đáp ứng yêu cầu nên Bộ đã chỉ đạo thành lập 3 bệnh viện dã chiến. Đó là Trung tâm y tế huyện Chí Linh chiều nay đã hoàn thành và tiếp nhận bệnh nhân. Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương được phân công phối hợp với các đơn vị hỗ trợ toàn diện vấn đề điều trị. Công suất có thể lên tới 250 giường bệnh.

Bệnh viện dã chiến thứ hai tại Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, được giao cho Bệnh viện Bạch Mai thiết lập với tốc độ kỷ lục, trong 24 giờ. Hiện Ban giám đốc, các giáo sư và chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai đã có mặt để tiếp nhận bệnh nhân.

{keywords}
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại cuộc họp.

Phòng cấp cứu và đơn nguyên cấp cứu tại bệnh viện này đạt chuẩn ngang tầm với Bệnh viện Bạch Mai để có thể điều trị bệnh nhân nặng.

Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, tất cả bệnh nhân sẽ được chữa tại chỗ, hạn chế di chuyển vì chủng virus tốc độ lây lan nhanh. Bộ Y tế chủ trì kết nối tất cả cơ sở y tế với các bệnh viện dã chiến tại Hải Dương, mỗi ngày có 2-3 cuộc họp.

Các bệnh viện này cũng được kết nối với Hội đồng chuyên môn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia nhằm đảm bảo công tác điều trị. “Tình hình dịch ở Hải Dương có thể xuất hiện thêm các ca bệnh, nhất là ở công ty POYUN. Tại đây phát hiện 127 ca dương tính và khả năng có thêm ở công nhân mắc bệnh. Đây có thể là tâm dịch của Hải Dương", ông Long cho biết.

Từ thực tế đó, lãnh đạo ngành y tế kiến nghị tất cả tỉnh thành thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng đặc biệt là Chỉ thị 05. Chỉ thị này rất mạnh, phong tỏa toàn bộ TP Chí Linh, cách ly 21 ngày thay vì 14 ngày như trước.

Trong thời gian tới, các trường hợp đều cách ly 21 ngày vì lo ngại virus đã biến chủng. Với Hải Dương, kiến nghị cách ly triệt để F1, giống như Đà Nẵng cách ly càng nhanh F1 thì càng kiểm soát nhanh dịch.

Bộ trưởng Y tế cho biết, ngày mai xét nghiệm lần 2 đối với công nhân công ty POYUN. Bộ muốn tăng tần suất xét nghiệm vì càng phát hiện ra trường hợp dương tính nhanh, càng giải phóng sớm khu vực.

Ông Long cũng đề nghị lập toàn bộ danh sách những người tiếp xúc với 2.340 công nhân công ty POYUN để tiến hành lấy mẫu. Trước đây, phát hiện dương tính mới truy vết, lấy mẫu, nhưng lần này chưa dương tính nhưng có nguy cơ bị bệnh nên làm mạnh hơn. 

Dù đã phong tỏa TP Chí Linh nhưng Bộ trưởng yêu cầu phải phong tỏa chặt chẽ hơn ở phường Cộng Hòa, Hoàng Tiến, Lê Lợi, Văn Đức, Bắc An, Sao Đỏ và kiến nghị lấy mẫu toàn bộ người dân.

Bộ trưởng cũng cho rằng cần lấy mẫu với diện rộng hơn nơi có bệnh nhân sinh sống và đề nghị tỉnh Hải Dương ngay ngày mai tăng công suất xét nghiệm. Hiện toàn bộ các mẫu từ Hải Dương phải chuyển về các bệnh viện của Hà Nội để xét nghiệm nên mất nhiều thời gian.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đã cho điều động 25 máy xét nghiệm về đến Hải Dương vào ngày mai, nâng công suất lên khoảng 50.000 mẫu mỗi ngày.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã điều động một nhóm chuyên gia của CDC Đà Nẵng ra hỗ trợ cùng Hải Dương thiết lập khu vực xét nghiệm. 

Với các địa phương khác, Bộ trưởng Y tế đánh giá, Quảng Ninh, Hải Phòng kích hoạt phòng chống dịch rất tốt còn Hà Nội có thể xuất hiện thêm một số ca rải rác. Bộ đã trao đổi và đề nghị mở rộng xét nghiệm ở một số khu vực. Tại sân bay Nội Bài phải xét nghiệm toàn bộ nhân viên.

Ông Long thông tin, hôm qua hội đồng chuyên môn đã cấp phép khẩn cấp cho vắc xin phòng Covid-19 của Anh, với cam kết bán cho Việt Nam 30 triệu liều. Bộ Y tế tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin khác ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nga… Bộ Y tế đề nghị Bộ Ngoại giao hỗ trợ, đặc biệt trong việc thử nghiệm các loại vắc xin này khi về Việt Nam.

Ông cho biết công ty ở Anh cam kết bán cho Việt Nam nhưng chia thành các quý khác nhau. Trong khi đó, châu Âu đang có xu hướng cấm xuất khẩu vắc xin cho các nước bên ngoài nếu khu vực bên trong còn thiếu.

Vắc xin do Việt Nam sáng chế đã thử nghiệm trong nước nhưng bắt buộc phải thử nghiệm ở các nước khác, đặc biệt những nơi có dịch để đánh giá được hiệu quả. Bộ Y tế dự kiến lựa chọn Ấn Độ, Indonesia để thực hiện việc này.

“Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á tự nghiên cứu vắc xin. Quan điểm của Bộ Y tế là thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng làm sao người dân có vắc xin sớm nhất. Trong quý 1, chúng tôi dự kiến sẽ có những liều vắc xin đầu tiên để tiêm cho các đối tượng theo đúng báo cáo của Bộ Y tế với Chính phủ”, Bộ trưởng Y tế khẳng định.

Trần Thường - Thu Hằng - Phạm Hải

Việt Nam hoàn thành 80% thử nghiệm vắc xin Nanocovax giai đoạn 1

Việt Nam hoàn thành 80% thử nghiệm vắc xin Nanocovax giai đoạn 1

Sáng 28/1, Việt Nam tiếp tục tiêm mũi 2 vắc xin Nanocovax cho 10 tình nguyện viên nhóm 2. Thử nghiệm giai đoạn 1 đã hoàn thành 80%.  

Cách cài đặt Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm Covid-19

Bộ TT&TT và Bộ Y tế vừa thống nhất triển khai trên phạm vi toàn quốc ứng dụng Bluezone để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ứng dụng này giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.

Link tải Bluezone trên Android Link tải Bluezone trên iOS

Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.