Thời điểm giao mùa, trời trở lạnh là thời điểm trẻ nhỏ dễ phát bệnh, nhất là các bệnh liên quan đến phổi, hô hấp và nhiễm khuẩn do vi khuẩn phế cầu gây ra.

Nguyên nhân gây bệnh

Viêm phổi là hiện tượng nhiễm khuẩn ở vùng nhu mô phổi, viêm ở các túi phế nang, ống phế nang, tiểu phế quản và viêm vào các tổ chức kẽ. Có nhiều tác nhân gây ra như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng và các nguyên nhân khác. Bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch bị suy yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh xâm nhập qua đường hô hấp vào cơ thể. Khi đó, bạch cầu sẽ tấn công tác nhân gây bệnh khiến cho mầm bệnh, bạch cầu và các protein miễn dịch tích tụ trong phế nang, khiến phế nang bị viêm và tích dịch dẫn đến khó thở. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn biến nặng, thậm chí tử vong.

Bệnh viêm phổi có thể mắc quanh năm nhưng giao mùa là thời điểm có nhiều người mắc nhất. Ví dụ như, tại các tỉnh miền Bắc, mùa cao điểm của viêm phổi là thời điểm chuyển giao từ mùa Xuân sang mùa Hè (tháng 3-4) và từ mùa Thu sang mùa Đông (tháng 9-10).

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), viêm phổi là bệnh lây nhiễm gây tử vong số 1 đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, mà nguyên nhân hàng đầu là do vi khuẩn phế cầu1. Tại Việt Nam, ước tính hàng năm có đến 2.9 triệu lượt mắc viêm phổi ở trẻ dưới 5 tuổi2. Đây không chỉ là mối đe doạ đối với sức khoẻ của trẻ mà còn là gánh nặng to lớn đối với gia đình, xã hội và ngành y tế.

{keywords}
Trẻ em là đối tượng dễ mắc các bệnh do vi khuẩn phế cầu gây ra

Vi khuẩn phế cầu là gì?

Phế cầu là loại vi khuẩn thuộc chi Streptococcus. Vi khuẩn này cư trú trong mũi họng nhưng không gây bệnh đối với người khỏe mạnh. Chúng chỉ gây bệnh khi hệ miễn dịch cơ thể suy yếu. Vi khuẩn này là tác nhân chính gây ra các bệnh gồm: viêm xoang cấp tính, viêm tai giữa, viêm kết mạc, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm tủy xương, viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, viêm phúc mạc, viêm màng ngoài tim, viêm mô tế bào, và áp xe não…

Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh vi khuẩn phế cầu, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi

Thông thường, vi khuẩn phế cầu cư trú tại vùng hầu họng. Với những người khỏe mạnh, sức đề kháng cơ thể rất tốt nên vi khuẩn không gây bệnh. Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi dễ mắc các bệnh do vi khuẩn phế cầu do sức đề kháng cơ thể còn yếu, vi khuẩn dễ tấn công và gây bệnh. Bệnh thường khó chẩn đoán bởi triệu chứng gần giống với chứng cảm lạnh thông thường.

Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc vi khuẩn phế cầu

Tùy theo vi khuẩn gây bệnh nơi nào mà có dấu hiệu khác nhau. Cụ thể hơn, vi khuẩn tấn công vào đâu thì mang triệu chứng của bệnh đó. Ví như vi khuẩn tấn công vào phổi thì triệu chứng của viêm phổi, gồm ho, sốt, khó thở; nếu vi khuẩn tấn công ở tai, thì tai có triệu chứng đau, chảy nước, chảy mủ tai; nếu vi khuẩn tấn công vào não, thì có triệu chứng của não, như sốt cao, co giật, hôn mê, nôn mửa. Nếu chúng tấn công vào máu, gây nhiễm trùng máu, sốt cao, rét run,…

Phòng tránh vi khuẩn phế cầu

Cách phòng tránh thường có 2 cách. Thứ nhất, phải nâng cao sức để kháng của cơ thể. Thứ hai, các bậc cha mẹ cần cho con đi tiêm ngừa theo hướng dẫn của bác sĩ ngay từ sớm để phòng các loại bệnh do vi khuẩn phế cầu gây ra.

Ngoài ra, cha mẹ cần giữ ấm cơ thể bé trong mùa mưa và mùa lạnh; cho bé bú mẹ trong 6 tháng đầu đời, giữ vệ sinh môi trường sinh hoạt và giữ vệ sinh cơ thể trẻ là một những cách có thể làm giảm được nguy cơ mắc các bệnh do vi khuẩn phế cầu gây nên.

Truy cập trang http://tiemngua.com/ để biết thêm thông tin về viêm phổi cũng như những căn bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ và phương pháp phòng chống.

*Chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng được thực hiện bởi Hội Y học Dự phòng Việt Nam và VPĐD GSK Pte Ltd tại TP Hồ Chí Minh.

Tài liệu tham khảo:

1 PNEUMONIA - THE FORGOTTEN KILLER OF CHILDREN, The United Nations Children’s Fund (UNICEF)/World Health Organization (WHO), 2006.

2 Epidemiology and etiology of childhood pneumonia. Bulletin of the World Health Organization 2008; 86:408–416.

Thu Hằng