Ông AJI, nam, sinh năm 1989, quốc tịch Indonesia, sống và làm việc tại tỉnh Bình Dương có kết quả xét nghiệm dương tính nhẹ với nCoV sau khi gửi mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm hôm 30/6.

Điều đáng nói, từ ngày 11/3 tới nay, người đàn ông này chỉ chủ yếu sinh sống và đi lại từ khách sạn đến nơi làm việc, sức khỏe hoàn toàn bình thường

Sáng nay 2/7, Bộ Y tế cho biết kết quả xét nghiệm khẳng định của Viện Pasteur TPHCM cho thấy người này và tất cả trường hợp tiếp xúc gần đều âm tính nCoV. Sau những thông tin trên, nhiều thắc mắc được đặt ra, rằng tại sao kết quả xét nghiệm ban đầu từ dương tính nhẹ lại chuyển sang âm tính?

Giải thích về vấn đề này, bệnh viện FV (TP.HCM), đơn vị đầu tiên xét nghiệm cho trường hợp này cho biết, xét nghiệm PCR không phải là xét nghiệm để tìm thấy cả con virus sống mà chỉ có thể tìm các đoạn gene đặc hiệu của virus trong mẫu bệnh phẩm.

Bởi vậy, việc mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân có phản ứng PCR dương tính với các gene đặc hiệu của virus SARS-CoV-2 không thể khẳng định bệnh nhân đang mắc Covid- 19.

{keywords}
Xét nghiệm Covid-19 tại Bệnh viện FV (TP. Hồ Chí Minh)

Thứ hai, Covid-19 có thời gian ủ bệnh từ vài ngày cho tới 2 tuần. Trong hơn 3 tháng qua, nước ta không ghi nhận ca bệnh nào trong cộng đồng. Bệnh nhân người Indonesia ở Việt Nam từ đầu tháng 3, vì thế không thể là ca bệnh đang nhiễm.

Các nghiên cứu cho thấy, virus SARS CoV-2 sau khi chết sẽ đào thải ra các mảnh protein vỡ. Quá trình này có thể kéo dài nhiều tuần lễ, phụ thuộc vào cơ địa cũng như một số thuốc bệnh nhân có thể đã sử dụng.

Tại Việt Nam, hiện có hai chiến thuật xét nghiệm Covid-19 được Bộ Y tế phê duyệt, bao gồm sử dụng gene đích là gen N, một gen đặc hiệu của SARS CoV-2 và sử dụng gene mục tiêu E.

Bệnh nhân Indonesia nói trên ban đầu được áp dụng chiến thuật xét nghiệm đầu tiên. Kết quả dương tính nhẹ với Gene N và Gene RdRP cho phép kết luận mẫu bệnh phẩm dương tính với virus SARS CoV-2. 

Cũng trên bệnh nhân này, Viện Pasteur TP. HCM đã tiến hành lấy một mẫu bệnh phẩm khác để chạy xét nghiệm PCR theo chiến lược 2 với gene mục tiêu là gene E. Do không phát hiện thấy gene E mục tiêu, mẫu được kết luận là “âm tính” hay không phát hiện thấy gene E trên mẫu bệnh phẩm mới này.

Một điểm khác cần lưu ý, những xét nghiệm về huyết thanh học cho thấy, mẫu máu của bệnh nhân kể trên dương tính kháng thể lớp IgG (được hiểu là đã từng bị bệnh) và âm tính với kháng thể lớp IgM (dùng xác định đợt nhiễm trùng cấp).

Kết hợp với các mẫu xét nghiệm phát hiện gene N, Gene RdRp và không thấy gene E, có thể kết luận đây là một ca đã bị bệnh từ trước đó, nay không còn hoạt tính của virus. Hay nói cách khác là trường hợp Covid-19 đã khỏi bệnh.

Điều này cũng giải thích vì sao tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới có hiện tượng xét nghiệm PCR tái “dương tính” của các ca bệnh sau khi đã được chữa khỏi Covid -19.

Nguyễn Liên

Người nước ngoài nghi nhiễm tại TP. HCM âm tính nCoV

Người nước ngoài nghi nhiễm tại TP. HCM âm tính nCoV

Sáng 2/7, Bộ Y tế đã có báo cáo chi tiết về kết quả xét nghiệm của trường hợp người Indonesia nghi nhiễm Covid-19 ở TP.HCM.