TP.HCM đang là tâm dịch “nóng” nhất ca nước, với 7.655 người mắc Covid-19, tính từ ngày 27/4 đến 6h ngày 7/7. 

UBND Đồng Nai quy định từ 0h ngày 5/7, tất cả người lao động đi - đến tỉnh này từ TP.HCM, Bình Dương bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 7 ngày từ ngày có kết quả xét nghiệm. Trong khi đó, một số tỉnh, thành khác yêu cầu thời hạn trong vòng 5 ngày, thậm chí 3 ngày.

Trước đó, ban quản lý chợ đầu mối Bình Điền cũng thông báo, các tiểu thương, người ra vào chợ phải có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 4 ngày. Vì vậy, từ ngày 4/7, ban quản lý chợ đầu mối Bình Điền kết hợp với các cơ sở Y tế quận 8 tổ chức lấy mẫu xét nghiệm nCoV cho khoảng 14.000 - 15.000 tiểu thương và người đến chợ.

{keywords}
Người dân chen chúc, xô đẩy nhau để lấy giấy đăng ký xét nghiệm nCoV ở chợ Bình Điền.

Sáng 5/7, có rất nhiều người tập trung ở điểm lấy mẫu ở khu nhà B của chợ. Họ chen chúc, xô đẩy, tranh giành để nhận tờ giấy đăng ký xét nghiệm, dù lực lượng tổ chức liên tục nhắc nhở, yêu cầu xếp hàng, thực hiện giãn cách.

Ngoài ra, những ngày qua, nhiều bệnh viện tại thành phố cũng có tình trạng người dân tập trung đông để làm test nhanh, hoặc chờ lấy giấy xét nghiệm âm tính.

Trao đổi với VietNamNet, một giám đốc Trung tâm Y tế TP.HCM cho rằng, quy định cung cấp giấy thông hành bằng giấy xét nghiệm nCoV ở một số tỉnh và một số nơi đối với người dân thành phố là không hợp lý. Việc này đòi hỏi người dân phải tranh thủ đi làm test nhanh, mong nhận được kết quả âm tính để có thể được đi làm và thông hành.

Trong khi hiện nay, dịch tại TP.HCM đang có có diễn biễn phức tạp, số ca F0 liên tục tăng, mầm bệnh ở khắp mọi nơi nên việc tập trung đông người sẽ vô tình tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan thêm.

{keywords}
Vị giám đốc Trung tâm Y tế TP.HCM khẳng định, giấy xét nghiệm âm tính chỉ có giá trị 2-3 ngày. Ảnh: T.A.

Vị giám đốc Trung tâm Y tế khẳng định, kết quả xét nghiệm nCoV âm tính chỉ có giá trị 2-3 ngày. “Một người vừa nhận xét nghiệm âm tính xong vẫn có thể nhiễm bệnh nếu không may tiếp xúc với F0. Kết quả xét nghiệm âm tính chỉ là tạm thời. Rất nhiều nơi trên thế giới, chỉ áp dụng kết quả xét nghiệm trong vòng 2 ngày”, vị giám đốc nói.

Về việc nhiều người dân tập trung đến các bệnh viện làm test nhanh, vị chuyên gia cho biết, một số bệnh viện tại TP.HCM có khuôn viên không đủ để đông người tập trung. Trong khi đó, thành phố đang thực hiện Chỉ thị 10, việc tập trung quá đông người cùng lúc sẽ ảnh hưởng đến công tác giãn cách, không đảm bảo yếu tố phòng chống dịch.

Tuy nhiên, giám đốc Trung tâm Y tế TP.HCM cho rằng, hiện nay vì nhu cầu đi lại và công việc, người dân phải đi lấy mẫu xét nghiệm. Việc làm này cũng giúp thành phố nhanh chóng tìm ra F0. Vì vậy, các bệnh viện cần tổ chức lấy mẫu xét nhiệm nhiều nơi, đảm bảo tốt khâu tổ chức, bố trí cho người dân xếp hàng, giãn cách để tránh xảy ra việc chen lấn, tập trung quá đông người một lúc. 

Ngoài ra, chuyên gia này cho rằng, việc test nhanh SARS-CoV-2 có thể được thực hiện bởi nhiều cơ sở y tế, bao gồm bệnh viện công lập, tư nhân và phòng khám đa khoa, chuyên khoa. Do đó, Sở Y tế TP.HCM và Bộ Y tế cần công khai danh sách các đơn vị được phép test nhanh và cung cấp giấy chứng nhận này, tránh tình trạng người dân đổ dồn về một địa điểm và làm giả giấy chứng nhận.

{keywords}
Nhiều người dân xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm nCoV ở TP.HCM. Ảnh: Thanh Tùng.

Tại cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tại TP.HCM mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho rằng, việc thành phố tổ chức lấy mẫu xét nghiệm nCoV và tiêm vắc xin Covid-19 ở một điểm có đông người là chưa thực hiện nghiêm Chỉ thị 10. “Tôi cho rằng, TP.HCM cần phải đảm bảo giãn cách trong việc tổ chức xét nghiệm. Khi lượng người đến điểm lấy mẫu đông rất ảnh hưởng đến việc giãn cách và không đảm bảo đúng quy tắc phòng tránh dịch”, thứ trưởng Sơn nói.

Thứ trưởng Sơn đề xuất, trong tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, mầm bệnh có ở nhiều nơi, thành phố cần tổ chức nhiểu điểm, tốt nhất là nên tổ chức điểm lấy mẫu ở đầu hẻm, đầu đường để đảm bảo giãn cách. 

Tú Anh

Không nên quy định 'giấy thông hành' Covid-19 có hiệu lực 3-7 ngày

Không nên quy định 'giấy thông hành' Covid-19 có hiệu lực 3-7 ngày

Yêu cầu xét nghiệm nhanh Covid-19 với người đến từ vùng dịch là cần thiết nhưng không nên quy định "giấy thông hành" có giá trị trong vòng 3-7 ngày.