Hiện tại, một số nước ở châu Âu, châu Á đã tạm ngưng sử dụng vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca để điều tra biến cố thuyên tắc huyết khối.

Tuy nhiên, khi xem xét các báo cáo của AstraZeneca, WHO không thấy có bằng chứng nào thể hiện các mũi tiêm vắc xin gây ra sự cố sức khỏe.

Người phát ngôn của WHO, Christian Lindmeier, trả lời Reuters: “Ngay khi có được hiểu biết đầy đủ, những phát hiện và bất kỳ thay đổi nào có thể xảy ra đối với các khuyến nghị hiện tại, WHO sẽ thông báo tới công chúng”.

“Cho đến hôm nay, không có bằng chứng nào cho thấy các sự cố là do vắc xin gây ra. Điều quan trọng là các chiến dịch tiêm chủng vẫn tiếp tục để chúng ta có thể cứu sống và ngăn chặn các ca bệnh nặng do virus gây ra”, ông Lindmeier nói thêm.

Bộ Y tế Việt Nam cũng đã có thông tin ban đầu về vấn đề này. Bộ cho biết, Ủy ban Đánh giá Nguy cơ Cảnh giác dược (PRAC) đã xem xét tất cả trường hợp biến cố thuyên tắc huyết khối và các tình trạng khác liên quan đến huyết khối được báo cáo sau khi tiêm vắc xin Covid-19 AstraZeneca.

Số lượng các trường hợp thuyên tắc huyết khối ở người được tiêm chủng không cao hơn số lượng được ghi nhận trong dân số nói chung. Cụ thể, đến ngày 10/3, đã có 30 trường hợp biến cố thuyên tắc huyết khối trong gần 5 triệu người được tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca trong khu vực Kinh tế chung châu Âu (EBA).

PRAC đưa ra quan điểm, lợi ích của vắc xin vượt trội so với nguy cơ và vắc xin có thể tiếp tục được sử dụng trong khi Cơ quan này tiến hành điều tra các trường hợp biến cố thuyên tắc huyết khối.

Trước đó, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy tác dụng phụ phổ biến nhất của vắc xin AstraZeneca là nhẹ hoặc vừa phải, cải thiện trong vòng vài ngày sau khi tiêm chủng.

Việc đánh giá các biến cố thuyên tắc huyết khối với vắc xin Covid-19 của AstraZeneca đang được thực hiện với thời hạn khẩn cấp, khi một số "tín hiệu bất thường" về tính an toàn được phát hiện. Đây là biến cố ngoại ý được ghi nhận chưa đầy đủ, do đó cần đánh giá thêm để kết luận.

Từ ngày 8/3 đến nay, Việt Nam đã tiêm phòng vắc xin Covid-19 của AstraZeneca cho 11.605 người tại 12 tỉnh. 

An Yên - Nguyễn Liên

Tỉ lệ sốc phản vệ sau tiêm vắc xin AstraZeneca của Việt Nam có cao hơn các nước?

Tỉ lệ sốc phản vệ sau tiêm vắc xin AstraZeneca của Việt Nam có cao hơn các nước?

GS Đặng Đức Anh cho biết, tỉ lệ phản ứng nặng sau tiêm vắc xin AstraZeneca tại Việt Nam vẫn trong giới hạn an toàn.