Năm nay là năm đẫm máu nhất đối với các phóng viên trên chiến trường kể từ khi các số liệu hàng năm được ghi lại từ cách đây 17 năm, theo một báo cáo thường niên của tổ chức Phóng viên Không biên giới.

Marie Colvin, một phóng viên kỳ cựu của báo The Sunday Time (Anh) bị giết ở Syria hồi tháng 2.

Báo cáo ra ngày 19/12 cho thấy, tổng cộng 88 nhà báo đã tử vong khi đưa tin giữa các cuộc chiến và các vụ đánh bom, hoặc bị giết hại bởi các chính phủ tham nhũng, các tổ chức tội phạm có liên quan đến buôn bán ma túy, và bởi các tay súng Hồi giáo.

Số cái chết này tăng 33% so với năm ngoái.

"Nguyên nhân số phóng viên bị giết hại trong năm 2012 ở mức kỷ lục chủ yếu là cuộc chiến ở Syria, hỗn loạn ở Somalia và bạo lực do Taliban gây ra ở Pakistan", trích lời Christophe Deloire - Tổng thư ký của Phóng viên Không Biên giới.

Ở những nước như Syria, nơi binh lính trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad đã chiến đấu chống lực lượng đối lập trong 21 tháng qua, các phóng viên chuyên nghiệp đã đối mặt với khó khăn và ngược đãi khi đưa tin. Các phóng viên nghiệp dư, dùng camera của điện thoại di động và đăng tin trên Twitter, đã tham gia kể lại câu chuyện đời sống ở những vùng xung đột.

Theo báo cáo, có tới 47 người được gọi là các nhà báo công dân bị giết hại trong năm 2012, so với 5 người trong năm 2011. Tính riêng ở Syria, ít nhất 17 phóng viên, 44 nhà báo công dân và 4 nhân viên hỗ trợ truyền thông đã phải bỏ mạng.

Sau Syria, Somalia là nơi nguy hiểm thứ hai đối với các nhà báo, với 18 người bị giết trong năm 2012. Tiếp đó là Pakistan, nơi đẫm máu nhất cho các phóng viên báo chí trong năm 2009 và 2011, với 10 người thiệt mạng.

Các tổ chức tội phạm, buôn bán ma túy và nạn tham nhũng chính phủ đã dẫn tới cái chết của 6 phóng viên ở Mexico và 5 ở Brazil, theo tổ chức Phóng viên Không biên giới.

Thanh Hảo (Theo CNN)