Theo Reuters, các đồng minh châu Âu của Washington đã cố gắng duy trì thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran, có tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) kể từ khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận năm 2018. Trong khuôn khổ JCPOA, các lệnh cấm vận quốc tế chống Iran được dỡ bỏ để đổi lấy việc Tehran chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân.

{keywords}
 

Tuy nhiên, sau khi xé bỏ thỏa thuận, chính quyền Trump đã tái áp đặt các biện pháp trừng phạt, bóp nghẹt nền kinh tế Iran. Tehran đáp trả bằng cách dần dần từ bỏ việc tuân thủ nhiều giới hạn ấn định trong JCPOA. Trong tháng Một này, chính phủ Iran thông báo sẽ bỏ giới hạn về làm giàu uranium theo thỏa thuận đã ký với các cường quốc từ năm 2015.

Báo RT dẫn tuyên bố chung ngày 14/1 của Anh, Pháp và Đức cho hay: "Trước các hành động của Iran, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác là hôm nay lên tiếng về các quan ngại của mình rằng Iran đang không tuân thủ các cam kết theo JCPOA. Chúng tôi sẽ đưa vấn đề này lên Ủy ban chung theo Cơ chế giải quyết tranh chấp như đã nêu trong đoạn 36 của thỏa thuận JCPOA".

Tuyên bố chung của ba nước châu Âu khẳng định, họ không thực hiện chiến dịch gây áp lực với Iran mà chỉ muốn đưa quốc gia Hồi giáo trở lại tuân thủ đầy đủ các cam kết ấn định trong thỏa thuận hạt nhân quốc tế.

Các nhà ngoại giao châu Âu cho biết, Anh, Pháp và Đức sẽ thông báo cho Liên minh châu Âu (EU) về động thái mới nhất của họ cuối ngày 14/1. Theo cơ chế đã nêu trong JCPOA, EU sau đó sẽ thông báo cho các nước khác cũng ký kết thỏa thuận là Nga, Trung Quốc và cả Iran biết. Sau bước này, các bên sẽ có 15 ngày để giải quyết các bất đồng và hạn chót này có thể kéo dài nếu họ đạt sự đồng thuận.

Việc kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp, vốn chỉ thực hiện được khi một hoặc nhiều nước ký kết nghi ngờ có sự không tuân thủ thỏa thuận, rốt cuộc có thể dẫn tới việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cân nhắc có tái áp đặt các lệnh cấm vận Tehran hay không.

Tuần trước, văn phòng báo chí của Điện Elysee cho hay, London, Paris và Berlin vẫn tuân thủ JCPOA và kêu gọi Tehran hủy bỏ mọi hành động không tuân thủ thỏa thuận. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Boris Johnson mới đây lại bày tỏ rằng, giải pháp cho tương lai là nhất trí một thỏa thuận quốc tế mới theo đề xuất của Tổng thống Mỹ Trump.

Tuấn Anh