Trang Actualcomennt của Nga dẫn lời các chuyên gia chính trị phân tích các khía cạnh thách thức trong cuộc bầu cử tổng thống tới đây tại Ukraina.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Chủ tịch Quỹ Chính sách hiệu quả Gleb Pavlovski cho rằng, giờ đây thảo luận về chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống là vô nghĩa, vì hiện vẫn chưa thấy có dấu hiệu khủng hoảng xuống thang tại Ukraina.  

{keywords}
Những người nói tiếng Nga chiếm đóng tòa nhà chính phủ ở các thành phố miền đông Ukraina. Ảnh: RT

Tương lai của Ukraina không phụ thuộc vào quá trình vận động tranh cử, mà điều cốt yếu là khủng hoảng vẫn tiếp tục diễn ra sau khi Crưm tách ra khỏi đất nước này.

Vấn đề mà các phe nhóm chính trị của một bộ phận đáng kể tại Ukraina hiện đang chú tâm không phải là vận động tranh cử, mà là họ có nằm trong thành phần của Ukraina hiện nay hay không. Hiện nay họ chưa xác định được mình, chưa nhận được sự bảo đảm an ninh, do đó họ khó có thể trở thành chủ thể của quá trình tranh cử.  

Lần đầu tiên sau hai chục năm qua, miền đông và nam Ukraina không có thủ lĩnh của mình, họ phải đi bỏ phiếu không có người đại diện. Nếu như ba hoặc bốn thủ lĩnh phân chia nhau số cử tri, thì sẽ không một ứng cử viên nào có cơ hội để trở thành tổng thống.

Với khu vực miền đông, rõ ràng là với bất cứ tiến trình bầu cử nào, thì tổng thống vẫn là người xa lạ với họ. Trong bối cảnh hiện nay, một nguy cơ khác nổi lên với vùng này là tân tổng thống có tư tưởng thù địch sẽ trả thù cựu tổng thống Viktor Yanukovich.

Điều đó vô cùng nguy hiểm đối với kinh tế khu vực miền đông và cả đối với cộng đồng người nói tiếng Nga. Hiện cả nhà tài phiệt Petro A. Poroshenko, lẫn cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko đều không phải là những người thấu hiểu tình hình hiện nay ở Ukraina. Do vậy, bàn đến triển vọng tổng thống là quá sớm, vì nó tùy thuộc vào giải pháp chung cho khủng hoảng Ukraina.  

Tổng biên tập tạp chí “Nước Nga trong nền chính trị toàn cầu” Fedor Lukyanov cũng có chung nhận định rằng, dự báo về bầu cử ở Ukraina là hoàn toàn vô nghĩa. Không ai có thể dự báo điều gì sẽ diễn ra tại đây.

Đất nước này đang trong giai đoạn của những biến đổi căn bản, mà nó có thể xảy ra trước hoặc sau bầu cử. Các ứng cử viên, trong đó gồm cả Poroshenko và Tymoshenko, thực tế đều không có chương trình tranh cử.  

Nếu Petro Poroshenko thắng cử thì nguy cơ nổi lên là ông này sẽ hồi sinh lại kiểu nhóm tài phiệt như ở Ukraina từ giữa những năm 1990. Điều này cũng có nghĩa bất cứ điều gì cũng có thể lặp lại ở Ukraina, kể cả hiện tượng quảng trường Maidan, cho đến xung đột và đẫm máu.  

Trong trường hợp Yulia Tymoshenko thắng cử tình thế sẽ chỉ phức tạp thêm chút ít. Hiện giờ bà đưa ra quan điểm chống tài phiệt. Nhưng trên thực tế, Tymoshenko được sinh ra từ trong cái mô hình đó tồn tại ở Ukraina, do vậy hy vọng vào một sự đổi mới cấp tiến nào đó là viễn tưởng. Giới quan sát cho rằng, khó có khả năng Tymoshenko lẫn Poroshenko cứu vãn được tình thế ở Ukraina.  

Quan hệ Ukraina với Nga sẽ ảm đạm trong một thời gian dài do nhân tố Crưm. Không một chính trị gia Ukraina nào chấp nhận việc Crưm sáp nhập vào Nga. Một số người ở Ukraina cho rằng, với Tymoshenko sẽ là lựa chọn khả dĩ hơn trong quan hệ với Moscow, do bà ta đã có những cuộc tiếp xúc với Putin và đôi bên từng làm việc bình thường với nhau, còn những tuyên bố chống Nga và chống Putin vừa qua chẳng qua chỉ là những tuyên bố vận động bầu cử của ‘nữ hoàng tóc tết’.  

Nếu Poroshenko thắng cử, ông ta sẽ dựa vào đường lối chống Nga cả trong chính trị, lẫn kinh tế. Mặc dù ngành sản xuất của ông ta định hướng sang thị trường Nga, nhưng điều đó không có nghĩa là ông ta sẽ thân Nga.

Bầu cử sắp tới ở Ukraina chưa phải là kết thúc khủng hoảng ở nước này, mà đơn thuần chỉ là sự nối dài những bất ổn.

Nhà báo, nhà tư vấn chính trị Anatoli Vasserman lại có cách nhìn nhận khác một chút. Thứ nhất, ông cho rằng cuộc bầu cử tổng thống dự kiến vào ngày 25/5 rõ ràng là không hợp pháp.

Ngày 22/2, Quốc hội Ukraina tuyên bố Yanukovich bị phế truất trên một cơ sở chẳng có luật nào quy định. Quốc hội như trước đây vẫn phải trình mọi quyết định để tổng thống bị phế truất phê chuẩn - tức là quyết định của Quốc hội chẳng có ý nghĩa gì về mặt pháp lý.

Điều đó cũng có liên quan đến tất cả các cuộc bổ nhiệm và bầu người đứng đầu Quốc hội mới và bổ nhiệm quyền tổng thống. Về mặt pháp lý, cả việc ấn định ngày bầu cử cũng chẳng có ý nghĩa gì. Như vậy, cho dù ai thắng cử trong cuộc bầu cử này cũng không hề có bất cứ quyền hành gì, còn tổng thống hợp pháp cho đến cuối nhiệm kỳ của mình (đến 25/1/2015) vẫn là Victor Yanukovich.  

Thứ hai, những chiến binh của đảng “Khu vực cánh hữu” đang chiếm đóng Ủy ban trung ương, Cơ quan in ấn danh sách bầu cử. Phong trào cấp tiến còn cử các thành viên đến các khu vực bầu cử. Do đó, có thể chắc chắn rằng, bất kể ý nguyện của cử tri thế nào, ai được tuyên bố là tổng thống sẽ là người mà phong trào “Khu vực cánh hữu” cảm thấy cần cho họ. Nếu như cho đến thời điểm đó, “Khu vực cánh hữu” bị tiêu diệt, tổng thống sẽ được tuyên bố là người đã chiến thắng tổ chức này. 

Lê Thắng