Thủ tướng Abe Shinzo hôm 28/8 đã tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe, nhưng chiến lược kích thích kinh tế của ông, được biết đến với tên gọi Abenomics, ít nhất vẫn có thể được duy trì nếu người kế nhiệm là Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga.

Theo CNBC, ông Suga từng khẳng định sẽ "duy trì và thúc đẩy" các chính sách Abenomics liên quan đến việc nới lỏng trên diện rộng các chính sách về tiền tệ, chi tiêu tài khóa cùng những cải cách cơ cấu khác.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, kể cả khi tân Thủ tướng Nhật là người phê phán chính sách của ông Abe, thì trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chính phủ mới cũng khó có cơ hội thực hiện những thay đổi chính sách mang tính triệt để.

{keywords}
Ông Abe Shinzo

Nền kinh tế khởi sắc trở lại

Từng là một nền kinh tế phát triển năng động, song Nhật Bản đã trải qua một giai đoạn suy thoái trầm trọng từ khoảng năm 1991 đến 2001, được biết đến với tên gọi “thập kỷ mất mát”. Chiến lược Abenomics đã giúp nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng nhanh chóng trở lại.

Dù vẫn chưa thể bắt kịp tốc độ tăng trưởng trước năm 1991, và quy mô nền kinh tế vẫn chưa thể đạt mục tiêu GDP 600 nghìn tỷ Yên mà chính phủ đề ra, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng Thủ tướng Abe đã giúp kinh tế Nhật Bản có vị thế vững vàng hơn ở thời điểm hiện tại.

Theo Josh Lipsky, Giám đốc chương trình kinh doanh và kinh tế toàn cầu của nhóm chuyên gia Atlantic Council, Abenomics đã tạo ra sự tăng trưởng và tránh đẩy kinh tế Nhật Bản vào viễn cảnh xấu nhất.

Giới phân tích cho rằng, khía cạnh thành công nhất của Abenomics là sự nới lỏng định lượng tiền tệ trên quy mô lớn của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Các biện pháp như mua tài sản và kiểm soát đường cong lợi suất, đã trở thành hình mẫu để các ngân hàng khác học hỏi.

Việc nới lỏng định lượng tiền tệ như vậy còn thúc đẩy tăng giá cổ phiếu và giảm giá đồng Yên – giúp lợi nhuận của các công ty phụ thuộc vào xuất khẩu của Nhật Bản được mở rộng.

Theo Shigeto Nagai, lãnh đạo bộ phận kinh tế Nhật Bản tại Oxford Economics, Abenomics đã phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ các công ty lớn bằng cách thúc đẩy thị trường chứng khoán và tạo cảm giác yên tâm rằng đồng Yên sẽ không thể tăng giá mạnh thêm được nữa.

Trong một bản ghi nhận vào tuần trước, ông Nagai cho rằng trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Abe, lợi nhuận của các công ty lớn tại Nhật Bản đã tăng đáng kể nhờ việc mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài.

Lạm phát khó kiềm chế

Tuy nhiên, ông Nagai cho hay, những lợi ích trên vẫn chưa đủ để tăng lương cho người lao động và thúc đẩy chi tiêu của các gia đình. Điều đó khiến mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 2% của BOJ khó đạt, dù nhiều chính sách của Abenomics đã chấm dứt tình trạng giảm phát.

Một số nhà kinh tế còn cảnh báo, cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 còn có thể khiến tình trạng lạm phát của Nhật Bản trở nên tồi tệ.

Chưa hết, dù Abenomics có bao gồm việc tăng chi tiêu của chính phủ để hỗ trợ tăng trưởng, chiến lược này cũng có mục đích đạt được thặng dư ngân sách và giảm nợ trong dài hạn. Giới phân tích nhận định điều này sẽ trở nên khó khăn hơn do những ảnh hưởng từ Covid-19.

Theo Tom Learmouth, nhà nghiên cứu kinh tế Nhật Bản tại Capital Economics, chính sách tài khóa của Nhật Bản trong năm nay sẽ không còn mang tính thắt lưng buộc bụng, khi chính phủ chi nhiều tiền hơn để hỗ trợ các công ty và hộ gia đình giữa mùa dịch. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ thâm hụt ngân sách.

Ngay cả trước thời điểm dịch Covid-19, nợ chính phủ của Nhật Bản đã ở mức cao nhất trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Một số nhà phân tích cảnh báo, số nợ trên có thể hạn chế bất kỳ khoản chi tiêu tài chính nào khác của chính phủ, và gây ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế của Nhật Bản.

Bài toán không dễ giải

Thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản sẽ phải giải quyết những thách thức về cấu trúc mà ông Abe phần nhiều chưa xử lý được.

Theo Learmouth, ông Abe đã rất thành công trong việc thúc đẩy cải cách quản trị doanh nghiệp, tăng tỷ lệ phụ nữ, người cao tuổi và người nước ngoài trong lực lượng lao động, nhưng những cải cách cơ cấu có tiềm năng nhất để nâng cao năng suất lao động vẫn chưa được thực hiện.

Nhà nghiên cứu của Capital Economics chỉ ra “bộ máy quan liêu” của Chính phủ Nhật Bản là nơi có khả năng xảy ra “những thay đổi rộng rãi nhất trong thời gian tới”, vì họ đã gây thất vọng đối với người dân và doanh nghiệp Nhật Bản khi phải chờ một thời gian dài mới nhận được sự hỗ trợ trong thời kỳ Covid-19.

Vì thế, theo Learmouth, người kế nhiệm Thủ tướng Abe sẽ gặp nhiều áp lực trong việc cải tổ các hệ thống quản lý phức tạp, và năng suất kém trong bộ máy lãnh đạo của Nhật Bản. Tuy nhiên, chỉ những cải tổ như vậy mới có khả năng thúc đẩy xu thế tăng trưởng của nước này theo hướng đi lên.

Việt Anh

Giấc mơ dang dở của Thủ tướng Abe Shinzo

Giấc mơ dang dở của Thủ tướng Abe Shinzo

Hôm 28/8, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo thông báo sẽ từ chức, khi ông đang xúc tiến một chương trình nghị sự đầy tham vọng nhằm chấn hưng nền kinh tế, thúc đẩy niềm tự hào dân tộc.

Kịch tính cuộc đua kế nhiệm Thủ tướng Abe Shinzo

Kịch tính cuộc đua kế nhiệm Thủ tướng Abe Shinzo

Truyền thông Nhật đưa tin, danh sách các ứng viên tiềm năng kế nhiệm ông Abe Shinzo làm thủ tướng hiện đã rút ngắn, chỉ còn tập trung vào một vài cái tên.