Không nói suông, lãnh đạo Nhà Trắng đương nhiệm đã ngay lập tức xúc tiến các hành động pháp lý nhằm cứu vãn cơ hội chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay. Ngoài việc đòi kiểm phiếu lại ở Wisconsin và một số bang chiến địa khác, chiến dịch tranh cử của ông Trump đã gửi hàng loạt đơn kiện nhằm ngăn chặn việc kiểm đếm các lá phiếu cử tri gửi qua thư và tham gia vào một vụ kiện ở Pennsylvania, vốn đã bị tòa án cấp cao bang này bác bỏ tới 2 lần.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: CNN

Các nhà phân tích tin, động thái phản ánh nỗi lo sợ của ông Trump và phe Cộng hòa rằng, phiếu bầu qua thư tại nhiều đơn vị bầu cử có thể mang đến lợi thế lớn cho ứng viên Dân chủ Joe Biden, đe dọa khả năng chiến thắng của đương kim tổng thống. Họ có thể đang cố vô hiệu hóa các lá phiếu tiềm ẩn nguy cơ gây hại ấy bằng cách thổi bùng cuộc chiến pháp lý, trong bối cảnh các kết quả kiểm phiếu đến thời điểm hiện tại cho thấy ông Biden đang vượt trước và sắp có trong tay đủ 270 phiếu đại cử tri cần thiết để thắng cử.

Nỗ lực khiếu kiện

Chia sẻ trên tạp chí Financial Times, Bernadette Meyler, giáo sư luật thuộc Đại học Stanford (Mỹ) cho biết, giới chuyên gia đánh giá hầu hết các hành động pháp lý trên dựa trên những cáo buộc vô căn cứ. Lí do vì đội ngũ của ông Trump không đưa ra được bằng chứng về sự gian lận lan tràn hay "những bất thường nghiêm trọng".

Tuy nhiên, giáo sư Meyler cho rằng, vẫn có ít nhất một nỗ lực khiếu kiện của đương kim tổng thống có thể được tòa án chấp nhận xem xét giải quyết.

Cụ thể, một số bang cho phép các ứng cử viên trong nhiều tình huống có thể yêu cầu kiểm phiếu lại. Tại Wisconsin, nơi nhiều báo đài lớn của Mỹ quả quyết chiến thắng đã thuộc về ông Biden, chiến dịch của ông Trump đã thông báo khiếu nại đòi ủy ban bầu cử kiểm phiếu lại. Bang chiến địa này cho phép điều đó miễn là tỉ lệ chênh lệch phiếu bầu giữa các ứng cử viên dưới 1%. Hiện tỉ lệ chênh lệch thực tế còn thấp hơn mức đó nhiều.

Chiến dịch của ông Trump cũng yêu cầu kiểm phiếu lại ở Michigan và Nevada. Ở Michigan, đội ngũ của tổng thống đã có thể kích hoạt quá trình bằng cáo buộc gian lận và không phải cung cấp bằng chứng hỗ trợ. Họ cũng đệ đơn kiện gần như giống hệt nhau ở nhiều bang, cáo buộc rằng chiến dịch tranh cử của ông Trump và chi nhánh đảng Cộng hòa ở địa phương đã bị tước đi cơ hội giám sát quá trình kiểm đếm phiếu vắng mặt và do đó quá trình kiểm phiếu cần bị dừng ngay lập tức.

Thất bại

Các tòa án ở hai trong số các bang xảy ra tranh chấp pháp lý là Nevada và Pennsylvania ngày 4/11 đã bác bỏ hoàn toàn các vụ kiện của phe ông Trump. Trong phán quyết về vụ việc, một thẩm phán ở Nevada khẳng định: “Không có bằng chứng cho thấy bất kỳ lá phiếu nào cần được kiểm đếm hợp pháp, đã hoặc sẽ không được kiểm đếm. Không có bằng chứng cho thấy bất kỳ lá phiếu không được tính là hợp pháp nào đã hoặc sẽ được kiểm đếm”.

Đương kim tổng thống cũng nhận thêm tin buồn khi Tòa Thượng thẩm ở quận Chatham, bang Georgia hôm 5/11 bác đơn kiện đòi bang này ngưng kiểm phiếu và giải trình về nghi vấn các phiếu gửi qua thư đến muộn sau 19h ngày tổng tuyển cử 3/11 bị trộn lẫn với những lá phiếu gửi đến đúng hạn. Thẩm phán James Bass nhấn mạnh, không có bằng chứng về bất kỳ sai phạm nào như vậy.

Cùng ngày, thẩm phán Cynthia Stephens ở Michigan cũng bác yêu cầu dừng kiểm phiếu cho đến khi đại diện của phe Cộng hòa được quyền tiếp cận quá trình kiểm đếm lá phiếu cử tri như thành viên đảng Dân chủ Jocelyn Benson. "Kiện bà Jocelyn Benson là sai người vì bà ấy không kiểm soát công việc hậu cần kiểm phiếu trong khu vực, ngay cả khi bà là trưởng ban bầu cử của bang", trích phán quyết của thẩm phán Stephens.

Niềm an ủi duy nhất trong ngày với ông Trump là một tòa án cấp thấp ở thành phố Philadelphia, Pennsylvania đã cho phép chiến dịch của ông cử đại diện giám sát kiểm phiếu bên trong Trung tâm hội nghị bang ở khoảng cách 1m82 thay vì hơn 6m như trước đó.

Theo giới quan sát, các diễn biến mới nhìn chung là đòn giáng mạnh đối với chiến dịch của ông Trump cũng như phe Cộng hòa khi họ tìm mọi cách duy trì thời hạn nghiêm ngặt về nhận phiếu bầu qua thư bất chấp thực tế rằng tác động của đại dịch Covid-19 cùng những khó khăn khác trong quá trình chuyển phát của Dịch vụ thư tín Mỹ (UPS), cơ quan liên bang đang nằm dưới sự quản lý của Louis DeJoy, người được ông Trump bổ nhiệm, đã khiến các lá phiếu như vậy đến trễ.

Khả năng can thiệp của Tòa án tối cao

Trong các phát biểu gần đây, Tổng thống Trump nhiều lần tuyên bố, kết quả bầu cử rốt cuộc sẽ được định đoạt tại Tòa án tối cao.

Giới phân tích cho rằng, ông Trump tin mình sẽ nhận được phán quyết có lợi nếu Tòa tối cao đứng ra phân xử các vụ kiện, khi các thẩm phán bảo thủ đang chiếm đa số 6/9 thành viên tại cơ quan này. Đây được xem là lí do chính khiến ông Trump đã tìm mọi cách đẩy nhanh việc phê duyệt thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tòa tối cao thay cho cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg trước bầu cử.

Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý tỏ ra nghi ngờ việc tòa cấp cao nhất sẽ làm trọng tài trong cuộc chiến pháp lý do ông Trump khởi xướng. Theo Steve Vladeck, giáo sư luật tại Đại học Texas (Mỹ), các toà án thượng thẩm cấp bang sẽ chịu trách nhiệm thụ lý các vụ kiện tụng bầu cử tại địa phương trước tiên.

Ông Vladeck chia sẻ với Reuters rằng, tòa tối cao nhiều khả năng sẽ từ chối mọi nỗ lực của tổng thống và đội ngũ của ông nhằm rút ngắn quy trình pháp lý thông thường này. Ngoài ra, đa số các vụ kiện bầu cử trong nhiều thập niên trở lại đây đều bị các tòa án cấp thấp ra phán quyết bác bỏ vì tỉ lệ xảy ra gian lận phiếu bầu cực thấp chỉ 0,0003 - 0,0025% và hầu như không ảnh hưởng tới kết quả bầu cử cuối cùng.

Hơn thế nữa, do mới nhậm chức, thẩm phán Barrett có thể từ chối can thiệp như hồi cuối tháng trước, khi Tòa án tối cao bác bỏ yêu cầu của đảng Cộng hòa về việc vô việc hóa sắc lệnh của Tòa thượng thẩm Pennsylvania nhằm kéo dài hạn chót nhận phiếu bầu qua thư tại bang này tới ngày 6/11.

Vì tất cả những lí do trên, giáo sư Vladeck và nhiều chuyên gia pháp lý khác đánh giá, ông Trump khó có khả năng giành chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý hiện tại. Song, những nỗ lực này rốt cuộc có thể làm chậm lại quá trình công bố kết quả bầu cử chính thức cũng như dấy lên những tin đồn và nghi ngờ về ông Biden nếu chính khách này thắng cử.

Nhiều ý kiến lo ngại, ông Trump sẽ không dễ dàng chấp nhận thất bại và nước Mỹ có thể rơi vào khủng hoảng chính trị hậu tổng tuyển cử nếu chính khách Cộng hòa này từ chối công nhận chiến thắng của đối thủ.

Xem thêm: Bầu cử tổng thống Mỹ 2020

Tuấn Anh

Điều gì xảy ra nếu ông Trump thua và không chịu thừa nhận?

Điều gì xảy ra nếu ông Trump thua và không chịu thừa nhận?

Kết quả bầu cử Tổng thống tranh cãi và nguy cơ bất ổn xã hội sẽ đặt quốc hội, toà án và quân đội Mỹ vào tình thế khó xử.

Con đường chông gai chờ đợi tân Tổng thống Mỹ

Con đường chông gai chờ đợi tân Tổng thống Mỹ

Bất kỳ vị tổng thống nào lên cũng sẽ có 2 thách thức lớn. Đó là xử lý bài toán giữa kiểm soát đại dịch và phát triển kinh tế xã hội. Thứ hai là làm sao khép lại sự phân hóa, tăng cường đoàn kết trong lòng nước Mỹ.