"Tôi nghĩ nếu chúng ta làm đúng, chúng ta sẽ có một năm 2022 mà Covid không còn chi phối cuộc sống của mọi người quá nhiều", tiến sĩ Tom Frieden, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) bày tỏ.

{keywords}
Một tấm áp phích cảm ơn các nhân viên y tế tuyến đầu chống đại dịch Covid-19 ở Dublin, Ireland. Ảnh: PA

Theo CNN, tiến sĩ Yvonne Maldonado, nhà dịch tễ học tại Trường Y Stanford cùng các chuyên gia tại các cơ quan liên bang Mỹ, đồng nghiệp và các lãnh đạo cơ quan y tế công địa phương đã dành những kỳ nghỉ để cố gắng mường tượng phần tiếp theo của đại dịch ra sao và khi nào virus không còn ảnh hưởng nhiều đến thế giới.

Bà Maldonado nói, các chuyên gia đều đồng thuận rằng không ai thực sự biết những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Đã có những mô hình bệnh tật và bài học rút ra từ các trận đại dịch trong quá khứ, nhưng cách mà biến thể Omicron với khả năng lây nhiễm cao xuất hiện đồng nghĩa mọi kết luận trở nên mơ hồ.

Omicron đã tạo ảnh hưởng lớn. Hơn 1/4 tổng số ca mắc Covid-19 kể từ đầu dịch ở Mỹ được ghi nhận trong tháng qua, giữa lúc biến thể Omicron lây lan nhanh chóng, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.

Tính tới ngày 20/1, các ca mắc đã giảm 10% so với tuần trước đó ở 14 bang, nhưng 26 bang khác lại chứng kiến số ca mắc tăng ít nhất 10%. Làn sóng dường như đã đạt đỉnh ở nhiều khu vực, nơi Omicron lần đầu tiên tấn công nước Mỹ như Boston và New York. Song, biến thể vẫn hoành hành ngoài tầm kiểm soát ở các vùng khác của đất nước.

Ví dụ tại bang Georgia, giới chức y tế ở thành phố Atlanta cho biết các bệnh viện vẫn quá tải. Với rất nhiều nhân viên ngã bệnh, lực lượng Vệ binh quốc gia đang được điều động lấp đầy những khoảng trống về chăm sóc sức khỏe ở các bang như Minnesota. Theo thống đốc bang Louisiana, số ca mắc, nhập viện và tử vong vì dịch "khủng khiếp chưa từng có".

Tín hiệu lạc quan

Tuy nhiên, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhìn thấy hy vọng ở những gì đã xảy ra ở Nam Phi. Các nhà khoa học tại quốc gia này phát hiện biến thể Omicron đầu tiên vào tháng 11/2021. Các ca mắc ở đây đã chạm đỉnh và sụt giảm nhanh chóng.

Điều tương tự cũng xảy ra ở Anh và các chuyên gia cho rằng nó sẽ xảy ra ở khắp mọi nơi.

"Tôi dự đoán trong ngắn hạn, khoảng 4 - 6 tuần tới, đến giữa tháng 2, tình hình vẫn sẽ tương đối khó khăn. Nhưng sau đó chúng ta sẽ bắt đầu chứng kiến mọi thứ tiến triển tích cực hơn", tiến sĩ John Swartzberg, giáo sư lâm sàng tại Trường Y tế công Berkeley, Đại học California nhận định.

Theo nhiều chuyên gia, nếu đợt tăng ca mắc đột biến này nhanh chóng chấm dứt, có thể sẽ tồn tại một "khoảng thời gian lắng dịu". Ông Swartzberg tin, từ tháng 3 - tháng 6 năm nay sẽ giống như năm ngoái, với số ca mắc liên tục giảm. Một phần nhận định lạc quan này bắt nguồn từ thực tế, miễn dịch trong dân cao hơn do số người hồi phục sau khi mắc bệnh cũng như số người được chủng ngừa và tiêm mũi vắc xin tăng cường gia tăng.

Khả năng xuất hiện biến thể mới

Các chuyên gia không loại trừ khả năng virus SARS-CoV-2 sẽ không biến mất mà trở lại với một biến thể mới. Biến thể tiếp theo có thể lây lan tương đương hoặc mạnh hơn Omicron. Nó có thể khiến người mắc bộc lộ các triệu chứng nghiêm trọng hơn hoặc ngược lại không có bất kỳ triệu chứng nào.

Theo nhà dịch tễ học George Rutherford thuộc Đại học California, virus có thể biến đổi dần dần, giống như những gì đã xảy ra với các biến thể Alpha và Beta; hoặc nó có thể tạo ra một bước nhảy vọt như với Delta và Omicron.

Chuyên gia Maldonado trích dẫn ví dụ về virus cúm H1N1, thủ phạm gây ra một trong những đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới vào năm 1918, lây nhiễm cho 1/3 dân số toàn cầu và cướp đi sinh mạng của 50 triệu người trong số đó. Dù đại dịch rốt cuộc đã chấm dứt, nhưng virus vẫn tồn tại đến tận ngày nay và trải qua nhiều đột biến. Bà Maldonado tin, virus SARS-CoV-2 cũng có thể làm điều tương tự.

Trong viễn cảnh tích cực nhất, Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu, tái đi tái lại theo mùa như bệnh cúm nhưng không còn gây đại dịch khủng khiếp như trước và thế giới cũng thích ứng với nó. Chuyên gia Maldonado cho rằng, khi đó, thế giới cần tập trung bảo vệ những người dễ phát bệnh nặng, đảm bảo họ được tiêm phòng và được tiếp cận các thuốc điều trị kháng thể đơn dòng hoặc kháng virus. Các hãng dược phẩm sẽ cần sản xuất vắc xin nhắm vào các biến thể nhất định để mọi người có thể chủng ngừa hàng năm.

Viễn cảnh không tồi cũng không tốt sẽ xảy ra khi thế giới không có đủ thuốc điều trị cho những người mắc bệnh hoặc khi các nhà sản xuất vắc xin không cho ra đời những sản phẩm chuyên biệt đủ nhanh.

Viễn cảnh tồi tệ nhất sẽ đến nếu một biến thể mới xuất hiện, có thể qua mặt tác dụng bảo vệ của các vắc xin cũng như thuốc điều trị. Song, chuyên gia Maldonado đánh giá khả năng này khó xảy ra.

Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ cảnh báo, dù vẫn hy vọng điều tích cực nhất nhưng tất cả cần chuẩn bị cho tình huống tiêu cực nhất.

Tự chọn cách thoát khỏi đại dịch

Theo tiến sĩ Panagis Galiatsatos, chuyên gia về bệnh phổi và chăm sóc bệnh nguy kịch tại Trường Y Johns Hopkins, Mỹ đã có các công cụ để hạn chế các biến thể mới và chấm dứt đại dịch nhanh chóng. Đó là các vắc xin, việc đeo khẩu trang và xét nghiệm.

Ông Galiatsatos đã thực hiện hàng trăm cuộc diễn thuyết mỗi năm để khuyến khích thêm nhiều người tiêm chủng. Ông tin, với sự trợ giúp của khoa học, tất cả những gì mọi người cần là thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa.

Cho đến nay, mới khoảng 1/4 dân số Mỹ tiêm đủ mũi vắc xin cơ bản và được tiêm mũi tăng cường, theo thống kê của CDC. Ông Galiatsatos và các chuyên gia đồng quan điểm cho rằng, càng nhiều người được chủng ngừa, số trường hợp mắc và phải nhập viện vì Covid-19 càng giảm. Ngược lại, khi số ca mắc càng tăng, nguy cơ xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm càng cao.

Tuấn Anh

>>> Đọc tin thế giới trên Vietnamnet

 

Covid-19 vẫn tồn tại, nhưng sẽ không còn là đại dịch

Covid-19 vẫn tồn tại, nhưng sẽ không còn là đại dịch

Theo tạp chí y khoa Lancet, thế giới dù đang trải qua một làn sóng Covid-19 mới do biến thể Omicron, nhưng tác động từ chúng sẽ không còn nghiêm trọng.

 

 

'Vết sẹo' Covid-19 khó mờ trong năm đầu cầm quyền của ông Biden

'Vết sẹo' Covid-19 khó mờ trong năm đầu cầm quyền của ông Biden

Tổng thống Mỹ cam kết sẽ tiếp tục chiến đấu chống virus SARS-CoV-2, trong khi gia đình nhiều nạn nhân Covid-19 cho biết họ vẫn đang vật lộn với nỗi buồn khôn nguôi.