Anh Lucas Liu, một nhà nhập khẩu hoa quả ở Thượng Hải đang đứng giữa cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung. Giá nhập khẩu quả cherry đã tăng 1,5 lần, khiến anh này phải cắt giảm nhiều đơn hàng đặt mua từ Mỹ.

“Tôi mua ít hơn nhiều so với năm ngoái, nhưng tôi không ngừng mua hàng từ các nhà cung cấp của Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và vùng Trung Á sẽ nhanh chóng trở thành các nhà cung cấp thay thế”, anh Liu nói về việc duy trì mua bán trái cây từ Mỹ để giữ mối làm ăn với các đối tác lâu năm, trong khi anh vẫn đi tìm các nơi trồng trái cây khác.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã buộc các đại lý và nhà sản xuất ở Trung Quốc phải đa dạng hóa thị trường của họ, do hiện không có dấu hiệu của một biện pháp nhằm giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai nước đã kéo sang năm thứ 2.

{keywords}
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung kéo dài sang năm thứ 2

Chiến lược kinh doanh của anh Liu được hỗ trợ bởi chính sách “Vành đai con đường” của chính quyền Bắc Kinh, nhằm kết nối Trung Quốc với châu Âu và châu Phi thông qua việc đầu tư cơ sở hạ tầng xuyên lục địa. Theo đó, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ được hưởng lợi khi làm ăn với các quốc gia đối tác của dự án.

“Thuế quan rất cao và thị trường bất ổn vì thương chiến. Chúng tôi buộc phải tìm các nguồn cung cấp khác. Vùng Trung Á có giá nhân công rẻ và khí hậu tốt, đồng thời địa lý gần Trung Quốc, điều này có thể giúp tiết kiệm chi phí cho việc vận chuyển và bảo quản”, anh Liu nói.

Theo SCMP, nhận định của những người lạc quan cũng coi thỏa thuận thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ là một điều xa vời, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố việc áp thêm 10% thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Ngoài ra ông Trump còn nói phía Bắc Kinh “cực kỳ” muốn đạt được thỏa thuận bởi hành ngàn doanh nghiệp đang rời khỏi nước này. Trong khí phía Bắc Kinh cảnh báo sẽ trả đũa nếu các đe đọa thuế quan của ông Trump được tiến hành.

{keywords}
Bắc Kinh sẽ trả đũa nếu các mức áp thuế của ông Trump được tiến hành. Ảnh: SCMP

Ông Stephen Olson, một học giả thuộc Quỹ Hinrich, một tổ chức chuyên thúc đẩy thương mại toàn cầu bền vững, nhận định rằng Trung Quốc tuy không thể đấu lại với Mỹ trong việc đánh thuế quan, nhưng nước này vẫn có những biện pháp nhằm vào các lợi ích của doanh nghiệp Mỹ “theo nhiều cách gây tổn hại hơn thuế quan rất nhiều”.

Cụ thể, Trung Quốc có thể tăng các rào cản pháp lý nhằm làm khó cho các doanh nghiệp Mỹ, như quy trình kiểm tra hải quan lâu hơn, quá trình làm rõ thủ tục giấy tờ, kiểm tra mức độ an toàn khó khăn hơn và việc cấp phép sẽ mất nhiều thời gian hơn, cũng như sử dụng “danh sách các công ty không đáng tin cậy” nhằm giới hạn cơ hội làm ăn của các tập đoàn Mỹ tại nước này.

Thương chiến cũng khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh chậm lại. Chỉ số GDP nước này trong quý 2 chỉ đạt mức 6,2%, thấp nhất trong vòng 27 năm qua. Việc xuất hàng sang Mỹ cũng giảm 7,8 % trong tháng 6 vừa qua, chỉ 1 tháng sau khi Mỹ tăng thuế áp đặt lên hàng Trung Quốc từ 10% lên 25%, sau khi cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước hồi tháng 5 đổ vỡ. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ cũng có dấu hiệu chậm lại trong quý 2, nhưng chỉ số GDP của Mỹ vẫn đạt mức 2,1 %, cao hơn mức dự kiến 2% trước đó.

SCMP trích lời một quan chức giấu tên của Bắc Kinh cho biết, mức phát triển kinh tế hiện nay của Trung Quốc hiện vẫn ở mức chấp nhận được. “Đây cũng là cuộc thi xem liệu nền kinh tế nào có sức chịu đựng lâu hơn, Trung Quốc hay Mỹ”, vị quan chức giấu tên này cho biết.

{keywords}
Theo SCMP, thương chiến sẽ chỉ ra nền kinh tế nào có sức chịu đựng lâu hơn, TQ hay Mỹ

Ông Louis Kuijs, một chuyên gia thuộc Hãng tư vấn về kinh tế Oxford Economics, nhận định rằng, việc áp thuế 10% của ông Trump có thể làm chỉ số tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm 0,1% trong nửa cuối năm nay, và hơn 0,2% trong năm sau.

“Những biện pháp áp thuế của Mỹ sẽ càng tăng áp lực lên Trung Quốc, nhưng vẫn chưa đủ để làm Bắc Kinh tổn thương. Vẫn có chỗ cho việc nới lỏng chính sách có thể được bổ sung, điều này dường như có thể kiểm soát được theo quan điểm của các nhà hoạch định chính sách. Tất nhiên, nếu căng thẳng leo thang hơn nữa, cùng nhiều biện pháp ăn miếng trả miếng, thì tác động có thể sẽ nghiêm trọng hơn nhiều”, ông Kuijs nhận định.

Ông này cũng cho rằng, những lời đe dọa của ông Trump sẽ càng khiến thỏa thuận thương mại khó có thể đạt được. “Chúng tôi nghĩ rằng động thái này sẽ khiến Trung Quốc không muốn đạt thỏa thuận và nước này sẽ chuẩn bị cho một cuộc đấu kinh tế căng thẳng lâu dài với Mỹ”, ông nói thêm.

Tuấn Trần