Những căng thẳng gần đây giữa Mỹ-Iran bắt đầu khi một vụ tấn công xảy ra hôm 27/12/2019 đã khiến một nhà thầu dân sự Mỹ thiệt mạng tại Iraq. Washington cáo buộc nhóm Kata’ib Hezbollah (KH) thân với Iran đứng sau, và tiến hành không kích năm cơ sở của KH tại Iraq và Syria, khiến 25 thành viên KH thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Mỹ sau đó cho rằng Iran đứng sau vụ người biểu tình Iraq tấn công vào Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Baghdad trong những ngày cuối cùng của năm 2019.

Dù vụ không kích khiến Thiếu tướng quân đội Iran Qassem Soleimani bị thiệt mạng hôm 3/1 vừa qua là sự đáp trả trực tiếp của Mỹ nhằm vào Iran sau những vụ việc kể trên, hay là kết quả của những thông tin tình báo, thì đây chỉ là một phần của sự hiếu chiến đang dần leo thang giữa Washington-Tehran.

{keywords}
Người dân Iran tưởng niệm tướng Soleimani. Ảnh: AP

Chính sách ‘sức ép tối đa’ của chính quyền Trump được tung ra nhằm buộc Iran phải thay đổi ‘hành vi’, và điều này cũng khiến Tehran phải áp dụng chiến lược ‘chống trả tối đa’ để đối đầu với Washington. Nhưng SCMP nhận định, cả hai cách tiếp cận trên đều thất bại.

Vụ không kích khiến tướng Soleimani thiệt mạng đã khiến cuộc đối đầu Mỹ-Iran tiến tới một nấc thang mới. Bởi ông Soleimani là kiến trúc sư đề ra chiến lược cho Iran tại Trung Đông, đồng thời là quan chức thuộc chính quyền Tehran có ảnh hưởng nhất trong khu vực, và là một nhân vật quyền lực cực kỳ được mến mộ tại đất nước Trung Đông này. Iran chắc chắn sẽ trả đũa, và sự khiêu khích giữa hai bên có vẻ sẽ tiếp tục leo thang.

Vụ không kích đã đem lại kết quả gì?

Vụ không kích đã ‘giết chết’ thỏa thuận hạt nhân 2015, khi Iran hôm 5/1 tuyên bố “sẽ không tôn trọng bất cứ giới hạn nào được vạch ra trong thoả thuận về các hoạt động hạt nhân của nước này, dù là hạn chế về số lượng máy ly tâm làm giàu uranium tới năng lực làm giàu uranium, lượng uranium đã làm giàu được dự trữ cũng như các hoạt động phát triển và nghiên cứu…”.

Tuyên bố trên của Tehran đã chính thức ‘giết chết’ những triển vọng ngoại giao giữa Mỹ và Iran. Cả thế giới đang được chứng kiến sự căng thẳng tột điểm giữa ‘sức ép tối đa’ và ‘sự chống trả tối đa’, và đây là một bước trượt dài tới một cuộc xung đột vũ trang.

{keywords}
Hàng nghìn người đưa tang tướng Soleimani. Ảnh: AP

Về mặt chính trị trong nội bộ Iran, vụ không kích sẽ càng củng cố lập trường của những người theo đường lối cứng rắn. Bởi khi niềm tự hào dân tộc của Iran bị tổn thương, như lúc hàng chục nghìn người xuống đường để tiễn đưa ông Soleimani, cũng như các đòn trừng phạt kinh tế do Mỹ áp đặt lên nước này có thể sẽ giúp những người theo đường lối cứng rắn giành được sự ủng hộ trong cuộc bầu cử lập pháp dự kiến sẽ diễn ra trong tháng Hai tới.

Những điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Nếu xét về sự đáp trả về quân sự, Iran khó có thể đánh nước Mỹ một cách trực tiếp mà không chịu một sự tàn phá khủng khiếp bởi chiến tranh. Nhưng Tehran có thể tăng cường sức ảnh hưởng của mình lên những quốc gia Trung Đông chịu sự tàn phá bởi các cuộc xung đột trong nhiều thập kỷ qua như Iraq, Syria, Lebanon và Yemen.

Ngoài ra, Iran cũng có thể sử dụng biện pháp trả đũa bằng cách tấn công vào các đại sứ quán, cũng như nhân viên ngoại giao của Mỹ. Đã có nhiều báo cáo về các cuộc tấn công nhằm vào ‘Vùng Xanh’ ở thủ đô Baghdad, hay căn cứ không quân Balad nằm ở phía bắc thủ đô Iraq, vốn là nơi nhiều lính Mỹ đang đồn trú.

{keywords}
Căn cứ không quân Balad bị tấn công. Ảnh: AP

Tổng thống Donald Trump sau đó đã lên tiếng cảnh báo sẽ trả đũa Tehran bằng việc không kích vào 52 mục tiêu của Iran, nếu những lợi ích của Mỹ tại Trung Đông bị tổn hại.

Những đòn trả đũa khác như phát động các cuộc tấn công tàu chở dầu ở vùng Vịnh, bắt cóc công dân Mỹ tại Trung Đông, hay Iran đặt các sứ quán và cơ sở của Washington nằm ngoài ranh giới lãnh thổ các nước Iraq, Lebanon, Syria và Yemen vào tầm ngắm hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng những biện pháp này sẽ chỉ mang hiệu ứng sốc nhất thời, và sự đáp trả của Mỹ sẽ khốc liệt hơn.

Sự đáp trả về lâu dài

Áp lực từ vụ giết hại tướng Iran đã khiến Baghdad buộc phải cân bằng mối quan hệ giữa nước này với cả Washington và Tehran, khi hôm 5/1 Quốc hội Iraq đã thông qua nghị quyết yêu cầu Mỹ chấm dứt sự hiện diện quân sự tại nước này.

Iran dường như có ý định củng cố tầm ảnh hưởng của nước này lên Iraq, và làm suy yếu sự hiện diện và sức ảnh hưởng của nước Mỹ tại đây. Nếu thành công, thì đòn đáp trả chính trị của Iran sẽ có hiệu quả hơn nhiều so với bất kỳ giải pháp quân sự nào mà nước này có thể triển khai trên thực tế.

Iran cũng đã cho thấy khả năng của nước này khi đe dọa dòng chảy dầu trên toàn cầu thông qua các cuộc tấn công tàu chở dầu ở vùng Vịnh, nhưng liệu nước này sẽ tiến hành chiến lược này tới mức độ nào, trước khi các cuộc tấn công vào tàu chở dầu bắt đầu gây tổn hại cho lợi ích của chính Tehran?

Tương tự như vậy, Iran có thể tấn công trực tiếp vào những lợi ích của Mỹ tại Trung Đông và cả Israel, nhưng giải pháp này sẽ kéo theo hậu quả hết sức tàn khốc. Bởi vậy, SCMP trích lời chuyên gia Fanar Haddad thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận định, Iran sẽ cần phải có một sự đáp trả cẩn trọng về lâu dài, thay vì trực tiếp gây chiến với Mỹ.

Tuấn Trần