Dù chỉ là một trong 9 nhân chứng được yêu cầu ra điều trần công khai trong tuần này nhưng Đại sứ Mỹ tại EU Gordon Sondland đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện tiến trình điều tra luận tội tổng thống do Hạ viện, dưới sự kiểm soát của đảng Dân chủ khởi xướng.

{keywords}
Đại sứ Sondland (trái) khẳng định đã làm việc với luật sư Giuliani (giữa) về Ukraina theo chỉ đạo của Tổng thống TRump. Ảnh: Vox

Trước ống kính máy quay và hàng triệu khán giả xem truyền hình trực tiếp hôm 20/11, ông Sondland khai với các nhà điều tra thuộc cả hai đảng tại Ủy ban Tình báo Hạ viện rằng, ông cùng Bộ trưởng Năng lượng Rick Perry và cựu đặc phái viên Kurt Volker buộc phải phối hợp với Rudy Giuliani, luật sư riêng của ông Trump về chính sách Ukraina theo chỉ đạo của tổng thống.

Nhà ngoại giao này thừa nhận tồn tại chuyện "có đi, có lại" trong quan hệ giữa chính quyền Trump với Ukraina. Trong đó, Washington đã trực tiếp gắn chuyến công du Nhà Trắng của Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky với việc Kiev phải xúc tiến các cuộc điều tra có lợi cho ông chủ Nhà Trắng về mặt chính trị, bao gồm điều tra cha con cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, đối thủ hàng đầu của ông Trump trong cuộc đua tái cử năm 2020 cũng như nghi vấn các đối tượng người Ukraina, thay vì Nga, đã can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Theo Đại sứ Sondland, Tổng thống Ukraina Zelensky "đã bị ép phải tuyên bố mở các cuộc điều tra" dù "trên thực tế ông ấy không cần phải làm như vậy". Ông Sondland tin việc Washington về sau trì hoãn các khoản viện trợ quân sự trị giá gần 400 triệu USD cho Ukraina cũng nhằm gia tăng áp lực với Kiev, dẫu ông chưa bao giờ nghe tổng thống đề cập thẳng đến điều này trong các cuộc trao đổi trực tiếp.

Những lời khai của nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ tại EU đã đập tan luận điệu phản bác lâu nay của cả Nhà Trắng và phe Cộng hòa rằng, các nhân chứng chỉ "nghe nói" và được cung cấp thông tin gián tiếp về chính sách Ukraina của ông Trump, chứ chưa có ai trực tiếp thảo luận với tổng thống về các vấn đề liên quan. Chúng cũng xác thực điểm mấu chốt trong đơn tố giác tổng thống của một quan chức thuộc cộng đồng tình báo Mỹ, căn cứ chính để Hạ viện quyết định mở cuộc điều tra luận tội ông Trump: tổng thống có thể đã lạm dụng quyền lực, dùng thế lực nước ngoài để giúp hạ bệ đối thủ chính trị nhằm làm lợi cho mình.

Hơn thế nữa, ông Sondland khẳng định, mọi quan chức cấp cao tại Nhà Trắng, từ quyền Chánh văn phòng Mick Mulvaney, Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Phó Tổng thống Mike Pence và cựu Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton khi còn đương chức đều "nằm trong vòng xoáy", tức là biết rõ chuyện mặc cả của Tổng thống Trump đối với Kiev. Điều này ám chỉ các nhân vật chóp bu trong chính quyền cũng như những trợ lý thân cận tổng thống đều dính líu đến bê bối Ukraina. Nó cũng phủ nhận các nghi ngờ rằng luật sư Giuliani đang thực thi một chính sách ngoại giao bí mật hoặc ông Sondland và các quan chức khác đã có hành động "nổi loạn", nằm ngoài chính sách chính thức của Washington với Kiev.

Đáng chú ý, Đại sứ Sondland tiết lộ, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ngăn cản ông tìm lại các thư điện tử, lịch sử cuộc gọi cũng như nhiều tài liệu khác giúp ích cho các nỗ lực điều tra. Song, ông vẫn có thể thu thập và công khai các thư điện tử, tin nhắn mới nhằm làm bằng chứng cho các lời khai của mình.

Theo BBC, từ "bom tấn" đã được nhắc tới nhiều lần trong những ngày gần đây. Song, các hé lộ mới của Đại sứ Sondland đánh dấu sự thay đổi đáng kể so với nội dung lời khai ban đầu của ông trong các phiên điều trần kín và là quả bom gây địa chấn, tạo ra bước ngoặt then chốt trong cuộc điều tra luận tội của Hạ viện. 

Hiện có vẻ khó khăn hơn cho lãnh đạo Nhà Trắng khi nói ông "hầu như không biết" ông Sondland hoặc phủ nhận ông nhiều lần tương tác với nhà ngoại giao này. Tuy nhiên, trong các bình luận tại Nhà Trắng sau màn điều trần của ông Sondland, Tổng thống Trump vẫn nhất quyết "đó là người đàn ông tôi không biết rõ". Ông Trump chỉ nhắc đi nhắc lại lời khai có lợi của vị đại sứ này rằng, trong một cuộc điện đàm riêng giữa họ, ông đã nói "không muốn thứ gì từ Ukraina" và cũng không tồn tại "chuyện đổi chác" ở đây.

Vấn đề với Tổng thống Trump là, mặc dù cuộc điện đàm cụ thể trên có thể giúp ích cho phần bào chữa của ông, nhưng phần lớn các lời khai còn lại của ông Sondland lại vô cùng tai hại. Rốt cuộc, ông Sondland đã không chọn "trung thành mù quáng" với ông Trump để đối mặt với nguy cơ lĩnh hậu quả thảm khốc từng giáng xuống đầu những người thân cận tổng thống khác (cựu luật sư Michael Cohen và cựu chủ tịch chiến dịch vận động tranh cử Paul Manafort đều đang ngồi tù, trong khi chính trị gia Roger Stone tuần trước bị kết tội nói dối Quốc hội để bảo vệ ông Trump).

Những người ủng hộ tổng thống có thể cáo buộc ông Sondland đang bịa chuyện hoặc trí nhớ của ông có "vấn đề" nhưng vị đại sứ đã cung cấp các tài liệu củng cố lời khai của mình và lời khai của các nhân chứng khác cũng xác nhận chúng. Ví dụ, các quan chức khác đã làm chứng và ông Sondland thừa nhận việc ông đã có cuộc trò chuyện qua điện thoại với tổng thống vào ngày 26/7, trong đó hai bên đã thảo luận về "các cuộc điều tra".

Nhà Trắng, các đồng minh của ông Trump trong đảng Cộng hòa và truyền thông bảo thủ cũng vin vào đây để bênh vực tổng thống, đồng thời tố cáo phe Dân chủ đang "săn lùng các con ma". Họ chỉ ra rằng, các khoản viện trợ quân sự rốt cuộc vẫn tới tay Kiev dù chính quyền Zelensky chưa thông báo bất kỳ cuộc điều tra nào.

Song, CNN trích dẫn lời các nhà phân tích nhấn mạnh, việc Washington trì hoãn viện trợ quân sự mà không chính thức thông báo lí do cho Kiev trong lúc các trợ lý của ông Trump thúc giục giới chức Ukraina thực thi "các điều kiện" rõ ràng là hành vi gây sức ép. Hơn thế nữa, viện trợ quân sự chỉ bắt đầu được chuyển cho Ukraina vào ngày 11/9, khi công chúng đều biết Hạ viện đang rục rịch điều tra các tố cáo ông Trump của quan chức tình báo giấu tên.

Giới quan sát tin, cách biện minh thực sự duy nhất còn lại cho ông Trump hiện nay có thể là khẳng định tổng thống có quyền sử dụng tất cả các công cụ chính sách để đạt được những mục tiêu đối ngoại như ông muốn. Song, ông cần chứng minh những nỗ lực này nhằm phục vụ "các lợi ích quốc gia", thay vì "lợi ích cá nhân".

Lối phản biện rằng "sẽ có tác động chính trị đối với chính sách đối ngoại và không có vấn đề gì với điều này" từng được quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mulvaney đề cập đến lần đầu tiên trong một cuộc họp báo hồi tháng 10, nhưng nhanh chóng bị rút lại sau đó, nhiều khả năng vì tiềm ẩn rủi ro phản tác dụng.

Các lời khai của Đại sứ Sondland, một nhân chứng "đôi khi đãng trí", đang hủy hoại các nền tảng lập luận bảo vệ ông Trump. Phe Dân chủ có thể đang cân nhắc buộc những quan chức hàng đầu Nhà Trắng lâu nay vẫn từ chối hợp tác với các ủy ban điều tra của Hạ viện như Phó Tổng thống Pence, Ngoại trưởng Pompeo, Bộ trưởng Năng lượng Perry và cả luật sư riêng của tổng thống phải ra điều trần trước Quốc hội. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff cảnh báo, các quan chức đang từ chối cung cấp tài liệu và lời khai sẽ "tự chuốc họa vào thân". Theo ông, hành động cản trở điều tra của Hạ viện có thể được bổ sung vào cáo trạng luận tội.

Phe Dân chủ từng muốn tránh một cuộc chiến pháp lý dai dẳng, có thể khiến quá trình điều tra luận tội tổng thống kéo dài nhiều tháng, thử thách sự kiên nhẫn của công chúng và ảnh hưởng đến các vòng bỏ phiếu sơ bộ trong mùa tổng tuyển cử năm 2020. Song, các diễn biến mới có thể mang tới cho họ thêm lợi thế để thúc đẩy cuộc bỏ phiếu phê chuẩn luận tội Tổng thống Trump tại Hạ viện trước Giáng sinh năm nay.

{keywords}
 

Nếu Hạ viện bỏ phiếu thông qua các điều khoản luận tội ông Trump, Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ buộc phải tổ chức một phiên tòa. Trong kịch bản xấu nhất, nếu 2/3 các nghị sĩ tại Thượng viện bỏ phiếu tán thành kết án, ông Trump sẽ bị phế truất.

Khi tuyến phòng thủ bị xuyên thủng và nước đang ầm ầm kéo đến, câu hỏi đặt ra hiện giờ là liệu các thượng nghị sĩ Cộng hòa có một lần nữa tung ra chiếc phao cứu sinh cho Tổng thống Trump trước khi nhiệm kỳ lãnh đạo của ông bị nhấn chìm dưới các đợt sóng ập đến hay không.

Tuấn Anh