Tuy nhiên, Markey cũng cho rằng, chiến lược tinh vi và bền vững của Mỹ đối với Trung Quốc còn nằm ở việc tìm ra cách hợp tác tốt nhất trong các vấn đề chung, như hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và các hiểm họa mang tính toàn cầu, như biến đổi khí hậu.

Trong bài đăng trên trang tin The Hill, ông Markey tiết lộ rằng, trong khi nhà ngoại giao Dương Khiết Trì tập trung chỉ trích thái độ "trịch thượng" của Washington, thì các nhà ngoại giao khác của Trung Quốc và Mỹ đã tề tựu cùng các phái đoàn từ Pakistan và Nga tại Moscow. Vấn đề tập trung lần này của họ là Afghanistan, nơi mà ông Markey cho là tốt nhất và cấp thiết nhất để kiểm chứng triển vọng của quan hệ hợp tác Mỹ-Trung.

{keywords}
Phái đoàn Trung Quốc (trái) và phái đoàn Mỹ trong cuộc đối thoại đầu tiên ở Alaska. Ảnh: Reuters

Rõ ràng, hợp tác với Bắc Kinh không có nghĩa là Washington nên né tránh việc cạnh tranh. Về điểm này, Tổng thống Joe Biden và đội ngũ của ông đã có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước cuộc hội đàm tại Anchorage, Alaska.

Nội các của Tổng thống Biden và bản thân ông từng nêu bật quan điểm về việc cần phối hợp với các đồng minh, từ Nhật Bản đến NATO, và các đối tác, như Ấn Độ, để lập nên liên minh quan trọng nhằm đối phó, ngăn cản và nếu cần thiết, trừng phạt những động thái hung hăng, mang tính uy hiếp và trái luật của Trung Quốc.

Nhưng ngay cả khi mục tiêu cuối cùng, mang tính lâu dài trong chính sách của Mỹ là cạnh tranh với Trung Quốc theo những cách có thể tạo ra một sự thay đổi mang tính nền tảng đối với Bắc Kinh, thì không một nhà quan sát nào hy vọng điều đó sẽ sớm xảy ra. Thế giới hiện tại đang ngập tràn những vấn đề cấp bách, chỉ có thể được giải quyết bằng sự hợp tác quốc tế, và Trung Quốc thì quá mạnh, quá giàu và có ảnh hưởng quá lớn để có thể bị gạt bên lề.

Theo Markey, việc hợp tác giữa các đối thủ địa chính trị là hoàn toàn có thể, song không nhất thiết phải có một thái độ mang tính vị tha. Cái bắt tay với Trung Quốc cũng phải đi liền với một sự tiếp cận rõ ràng về những lợi ích Mỹ có thể đạt được thông qua đó.

Mỹ không nên kỳ vọng rằng, sự hợp tác sẽ làm thay đổi Trung Quốc, hoặc xoa dịu cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với các vấn đề khác. Tuy nhiên, Washington cũng đừng bỏ qua các cơ hội hợp tác chỉ vì lo sợ hình ảnh của họ có thể trở nên mềm yếu trong mắt người dân Mỹ hoặc quốc tế. Cùng giải quyết những vấn đề mà cả hai bên đều đánh giá cao bản chất và sự cấp bách của chúng không phải lúc nào cũng đòi hỏi những nhượng bộ lớn, mà đôi khi chỉ cần sự phối hợp ngoại giao và chia sẻ thông tin là đủ.

{keywords}
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (giữa) trong chuyến công du không báo trước đến Kabul, Afghanistan. Ảnh: Reuters

Afghanistan, bất chấp nội tình phức tạp của nó, lại đang tạo ra một cơ hội tuyệt vời cho sự hợp tác mang tính hạn hẹp như trên. Mỹ từng tuyên bố về một kế hoạch đẩy nhanh và tăng cường ngoại giao quốc tế nhằm tạo ra một khuôn khổ chính trị để ngăn chặn sự sụp đổ của chính quyền Afghanistan, và để giữ chân Taliban trên bàn đàm phán sau khi Mỹ rút quân.

Về phần mình, Bắc Kinh cũng theo đuổi 3 mục tiêu chính ở Afghanistan: tiêu diệt các nhóm khủng bố quốc tế; rút các lực lượng của Mỹ và NATO khỏi ngưỡng cửa phía tây Trung Quốc; và đảm bảo an toàn để có thể khai thác và vận chuyển các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của Afghanistan.

Dù Bắc Kinh cũng chỉ miễn cưỡng chấp nhận sự hiện diện của liên quân do Mỹ đứng đầu ở Afghanistan sau vụ khủng bố 11/9, thì sự rút lui của các lực lượng này trong thời gian tới lại có nguy cơ đẩy Afghanistan vao một cuộc nội chiến. Vì vậy, giống như Mỹ, giới lãnh đạo Trung Quốc hiện vẫn đánh giá cao nhu cầu cấp thiết về một giải pháp thương lượng.

Trong số 5 nước láng giềng của Afghanistan mà Mỹ mời tham gia đàm phán, chỉ có Ấn Độ có thể được xem như một đối tác vững chắc của Mỹ. Trong khi đó, Nga, Iran và Pakistan lại có mối quan hệ tốt hơn với Bắc Kinh. Vậy nên nhìn chung, tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Moscow, Tehran và Islamabad sẽ là điều cần thiết để tránh một sự gián đoạn lớn, những tốn kém không đáng có và giúp tăng cường sự ủng hộ đối với các phe phái ở Afghanistan.

Markey nhận định, cả Bắc Kinh và Washington đều sẽ hưởng lợi nếu phối hợp các nỗ lực ngoại giao của họ đối với Afghanistan. Bằng cách này, hai nước cũng sẽ thực hiện một bài kiểm tra quan trọng, mang tính tiền lệ về một sự hợp tác hạn hẹp núp bóng cạnh tranh, thứ có thể gây ảnh hưởng đối với cả Iran, biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch Covid-19 và những thách thức toàn cầu khác.

Việt Anh

Nga kêu gọi Trung Quốc bớt phụ thuộc vào đôla Mỹ

Nga kêu gọi Trung Quốc bớt phụ thuộc vào đôla Mỹ

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov muốn Trung Quốc "tránh xa" việc phụ thuộc vào USD trong thương mại quốc tế, nhằm làm suy yếu sức mạnh từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Bị một loạt nước trừng phạt, Trung Quốc lập tức đáp trả

Bị một loạt nước trừng phạt, Trung Quốc lập tức đáp trả

Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Anh và Canada phối hợp với nhau trừng phạt các quan chức Trung Quốc khiến Bắc Kinh lập tức hành động tương tự để trả đũa.