Hàng nghìn người xếp hàng hai bên đường chào đón ông Trump ở thành phố Ahmedabad thuộc bang Gujarat, quê nhà của Thủ tướng Narendra Modi. Nhà lãnh đạo Mỹ sẽ khánh thành sân vận động cricket trước sự chứng kiến của hơn 100.000 người.

{keywords}
Ảnh: India TV News

Chuyến công du của ông Trump diễn ra giữa lúc kinh tế Ấn Độ đang bị kéo căng với tỷ lệ thất nghiệp cao. Thủ tướng Modi cũng đang đối mặt với nhiều chỉ trích cả ở trong và ngoài nước về vấn đề Kashmir và một đạo luật gây tranh cãi về quyền công dân đối với các nhóm thiểu số tôn giáo không phải đạo Hồi đến từ ba nước láng giềng.

"Đây sẽ là một cú huých chính trị và là một chiến thắng thông tin dành cho ông ấy", BBC dẫn lời Tanvi Madan, giám đốc Dự án Ấn Độ tại Viện Brookings ở Washington. "Ông ấy được xem thấy tận mắt đứng cạnh nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới, có thể nói như vậy".

Nhưng tiểu lục địa Ấn Độ không xuất hiện nhiều trong nghị trình "Nước Mỹ trước tiên" của ông Trump. Vậy có điều gì trong đó cho Tổng thống Trump, người được biết đến là không thích các chuyến công du kéo dài, và ông hy vọng sẽ đạt được điều gì ở Ấn Độ khi trong nước đang không có nhiều vấn đề cả nội địa lẫn nước ngoài?

Lấy lòng các cử tri người Mỹ gốc Ấn?

The BBC, chuyến công du của ông Trump được nhiều người xem là một hành trình thú vị tới một nước mà ông Trump được đánh giá sẽ không phải đối mặt với những vấn đề hóc búa nhưng lại dễ dàng ghi điểm chính trị.

Một phần mục tiêu là mang lại cho cử tri Mỹ một hình ảnh tốt đẹp khi họ nghĩ về Donald Trump. "Hình ảnh sẽ được chiến dịch Trump sử dụng để thể hiện Tổng thống đang được khắp thế giới chào đón", bà Madan bình luận. "Việc ông ấy làm cho nước Mỹ vĩ đại và tôn trọng, đặc biệt khi một số cuộc thăm dò ý kiến cho thấy sự tôn trọng dành cho Mỹ trên toàn cầu đang suy giảm".

Khối cử tri người Mỹ gốc Ấn có thể dành sự chú ý đặc biệt. Hiện ở Mỹ có khoảng 4,5 triệu người gốc Ấn đang sinh sống, nhưng dù con số này tương đối nhỏ, cộng đồng này đang là một lực lượng chính trị phát triển khá mạnh.

Những người có thể bỏ phiếu thường ủng hộ đảng Dân chủ. Năm 2016, chỉ 16% người Mỹ gốc Ấn bỏ phiếu cho ông Trump, theo cuộc Khảo sát người Mỹ gốc Á.

"Người Mỹ gốc Ấn không tin vào việc cắt giảm thuế và làm tinh gọn chính phủ. Họ ủng hộ chi tiêu phúc lợi xã hội", BBC dẫn lời Karthick Ramakrishnan, một giáo sư về chính sách công tại Đại học California, Riverside, người điều hành cuộc khảo sát.

Ông Trump cũng tìm cách giành được lá phiếu của người Mỹ gốc Ấn trước cuộc bỏ phiếu năm 2020. Hồi tháng 9 năm ngoái, ông xuất hiện cạnh Thủ tướng Modi tại một sự kiện lớn ở Houston, Texas và tuyên bố: "Bạn chưa từng có một người bạn nào là tổng thống tốt hơn Tổng thống Donald Trump".

Thỏa thuận thương mại

Một thỏa thuận thương mại với Ấn Độ sau nhiều tháng đàm phán được dự kiến sẽ là tâm điểm của chuyến thăm lần này - một chiến thắng chính trị lớn đối với ông Trump nếu ông có thể ký kết.

Thương mại song phương Mỹ - Ấn hiện đứng ở mức 160 tỷ USD. Nhưng hy vọng về một thỏa thuận mờ dần khi Washington bày tỏ quan ngại về các vấn đề như tăng thuế, kiểm soát giá cả và vị trí của Ấn Độ trong thương mại điện tử. Nhập cư lao động lành nghề và chế độ thị thực cũng là các lĩnh vực được quan tâm.

Ấn Độ muốn khôi phục các nhượng bộ thương mại theo một hệ thống thuế quan được gọi là GSP (Hệ thống Ưu đãi phổ cập), cung cấp các lợi ích bổ sung cho một số sản phẩm từ những nước ít phát triển nhất. Ông Trump đã "khai tử" các lợi ích GSP cho Ấn Độ năm 2019.

"Kể cả một thỏa thuận hạn chế cũng là một tín hiệu quan trọng cho ngành công nghiệp ở cả hai nước, đến mức Mỹ và Ấn độ đang rất nghiêm túc về phát triển thương mại, và họ có thể giải quyết các vấn đề", BBC dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Ấn Nisha Biswal. Tuy nhiên, quan chức này bày tỏ thêm rằng bà "không lạc quan trước những gì đã chứng kiến từ cả hai chính phủ".

Yếu tố Trung Quốc

Tổng thống Trump đã chứng tỏ rất cứng rắn với Trung Quốc, và nhiều vấn đề Mỹ quan tâm như Sáng kiến Vành đai - Con đường, sự tiếp cận Biển Đông... cũng được Ấn Độ chia sẻ.

"Tôi không nghĩ chuyến thăm này sẽ diễn ra mà không có sự hội tụ chiến lược giữa Ấn Độ và Mỹ về Trung Quốc, đặc biệt là lo lắng của họ về những hành động cũng như ý đồ của Trung Quốc trong khu vực", bà Madan nói thêm.

Một cuộc khủng hoảng Mỹ - Trung Quốc sẽ tác động xấu đến kinh tế Ấn Độ, nhưng quá nhiều gần gũi giữa hai cường quốc lại có thể đẩy Ấn Độ ra khỏi sự cân bằng.

Về phần mình, phía Mỹ đặt câu hỏi liệu nỗ lực của Ấn Độ về tự chủ chiến lược có là trở ngại cho một mối quan hệ chiến lược thực sự với Washington.

Các câu hỏi cũng xoay quanh liệu Ấn Độ có thể trở thành đối trọng với Trung Quốc ở châu Á hay sẽ bị hút sâu hơn vào chính trị trong nước và tiểu khu vực. Với việc căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Trump có thể sẽ tìm thấy một người bạn ở Ấn Độ của ông Modi, mà được xem là sẵn sàng chỉ trích Trung Quốc.

Quốc phòng

Thông tin báo chí cho rằng các hợp đồng quốc phòng trị giá nhiều tỷ đôla đang hiện diện trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ. Trong số này có thể bao gồm thương vụ máy bay trực thăng dành cho Hải quân. Trước hành trình, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn thương vụ tiềm năng bán Hệ thống vũ khí phòng không tích hợp (IADWS) cho Ấn Độ trị giá hơn 1,8 tỷ USD.

Vì đang cố gắng đa dạng hóa danh sách mua, Ấn Độ thừa nhận nước này thời gian gần đây chưa có thương vụ nào lớn từ Mỹ trong khi đã mua của người Nga và người Pháp.

"Ấn Độ và Mỹ đã trở nên rất thân thiết về các lý do chiến lược. Thậm chí trong những năm ông Trump cầm quyền, bạn đã chứng kiến nhiều cuộc đối thoại về quốc phòng và ngoại giao", bà Madan nói.

Và đối với ông Donald Trump, bất cứ cơ hội nào bán vũ khí của Mỹ đều là lợi thế ông tận dụng để thuyết phục cử tri, rằng ông đang thúc đẩy việc làm và các hoạt động "sản xuất ở Mỹ".

Thanh Hảo