Chính quyền Trump đang sử dụng chiến dịch "sức ép tối đa" – cùng kiểu chiến thuật đã sử dụng với Bình Nhưỡng: Dồn đối phương vào chân tường rồi tìm cách đàm phán. Đáp trả một mối đe dọa bằng cách leo thang chính đe dọa của mình, sau đó đàm phán để xuống thang căng thẳng và tuyên bố chiến thắng.

{keywords}
Ảnh: Business Insider

Theo CNN, trong trường hợp Triều Tiên, chính tối hậu thư "lửa và cơn thịnh nộ" của Tổng thống Donald Trump đã đẩy căng thẳng lên cao. "Triều Tiên tốt nhất không có thêm đe dọa nào với Mỹ nữa. Họ sẽ bị đáp trả bằng lửa và cơn thịnh nộ mà thế giới chưa bao giờ chứng kiến…", ông chủ Nhà Trắng viết trên Twitter.

Đe dọa nhằm vào Iran giờ đây cũng xuất hiện theo cách thức tương tự trên Twitter: "Nếu Iran muốn chiến tranh thì đó sẽ là kết thúc chính thức đối với Iran. Đừng bao giờ dọa Mỹ nữa", ông Trump viết.

Van Jackson – cựu quan chức Bộ Quốc phòng thời Barack Obama và là tác giả của cuốn "Bên bờ vực: Trump, Kim, và mối đe dọa Chiến tranh Hạt nhân"  - nói với CNN rằng ông Donald Trump "đang đánh cược với các mối đe dọa lớn nhằm vào Triều Tiên, đến nay ông vẫn chưa phải trả giá, và ông nghĩ mình là một tay chơi bạc giỏi".

Van Jackson nhận định thêm, với cuộc khủng hoảng Triều Tiên, ông Trump đã tiến sát chưa từng có đến chiến tranh hạt nhân kể từ năm 1962 và những sai lầm liên tục đã suýt dẫn tới thảm họa năm 2017.

Khi xuất hiện trước máy quay, Tổng thống Trump dùng giọng điệu dịu bớt hơn trong cuộc phỏng vấn của Fox News phát sóng ngày 19/5. "Tôi chỉ không muốn họ có vũ khí hạt nhân, và họ không thể dọa chúng ta", ông Trump nói về Iran.

"Với mọi thứ đang diễn ra hiện nay, và tôi không phải người tin rằng – bạn biết đấy, tôi không phải người muốn lao vào chiến tranh, bởi chiến tranh gây tổn hại cho các nền kinh tế, và quan trọng nhất là chiến tranh giết chết con người".

Nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Khamenei luôn phủ nhận Iran đang chế bom, nói rằng đạo Hồi cấm vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Tổng thống Trump còn nhắc đến Triều Tiên như một chiến thắng ngoại giao. Ông nói rằng đã có những vụ thử hạt nhân, có những tên lửa được phóng đi và "chúng ta đã có một khoảng thời gian rất khó khăn, và sau đó chúng ta đã thích nghi. Chúng ta sẽ thấy những gì xảy ra ngay bây giờ". 

Vấn đề là hiện nay chiến lược Triều Tiên của ông Trump vẫn chưa rõ có mang lại kết quả hay không. Mọi dấu hiệu hiện nay cho thấy tình hình không mấy tốt đẹp.

Giáo sư Vipin Narang, chuyên gia về phổ biến vũ khí hạt nhân, nhận định chiến lược của Tổng thống dường như là gia tăng căng thẳng và sức ép lên Iran, để họ phải đàm phán lại về JCPOA (Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung, thường được gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran), mà ông tin là có nhiều lỗ hổng.

Ông Trump chính thức từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5/2018, khiến nước Cộng hòa Hồi giáo cùng các bên tham gia ký kết rất thất vọng.

"Thật nguy hiểm khi dùng chiến thuật tương tự với Iran dựa trên niềm tin sai lầm rằng nó đã hiệu quả với Triều Tiên, trong khi bằng chứng vẫn chưa rõ ràng, nếu không muốn nói là mâu thuẫn", giáo sư Narang nói thêm. 

Thanh Hảo