Quan hệ của Mỹ với Trung Quốc hiện ở mức tồi tệ nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ cách đây 4 thập niên. Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu bị xa lánh. Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân quan trọng nhất với Nga sắp hết hạn. Iran đang tích lũy nhiên liệu hạt nhân đã làm giàu, còn Triều Tiên không ngừng tăng cường kho vũ khí nguyên tử.

{keywords}
Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó là tình trạng nóng lên toàn cầu, các cuộc khủng hoảng người tị nạn cùng nạn đói đang hoành hành ở nhiều vùng nghèo nhất trên trái đất - tất cả đều đang trầm trọng hơn vì đại dịch Covid-19.

Tổng thống đắc cử Joe Biden còn thừa hưởng một loạt những thách thức mà Mỹ đang đối mặt ở các quốc gia không ưa chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của ông Donald Trump cùng tính cách khó đoán và không nhiệt tình của ông với hợp tác quốc tế.

Ngoài ra, chủ nhân mới của Nhà Trắng cũng có thể gặp nhiều khó khăn khi làm việc với những chính phủ mong muốn ông Trump tái cử - đặc biệt là Israel và Ảrập Xêút, hai nước có chung sự ác cảm của Tổng thống Mỹ thứ 45 đối với Iran.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, vị trí trước kia của ông Joe Biden với tư cách là người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và là Phó Tổng thống trong chính quyền Barack Obama đã giúp chính khách này quá quen với các vấn đề quốc tế có thể giúp ích cho ông.

"Tổng thống Trump đã hạ thấp giới hạn đến mức ông Biden sẽ không cần mất nhiều thời gian để thay đổi mạnh về nhận thức. Nói đến một vài điều mà ông Trump chưa từng đề cập, chẳng hạn chủ nghĩa đa phương, biến đổi khí hậu hay nhân quyền... nghe sẽ rất to tát và ấn tượng", Robert Malley - Giám đốc điều hành Nhóm Khủng hoảng quốc tế và là cựu cố vấn của Nhà Trắng thời Obama, bình luận.

Báo New York Times liệt kê những lĩnh vực chính sách đối ngoại cấp bách nhất mà chính quyền Biden sẽ phải đối mặt:

Quan hệ Mỹ-Trung

Trong mắt nhiều chuyên gia, không gì cấp bách hơn việc đảo chiều quỹ đạo đi xuống của mối quan hệ với Trung Quốc, một siêu cường kinh tế và đối thủ địa chính trị của Mỹ. Những người chỉ trích Tổng thống Trump chỉ ra rằng những tranh chấp về thương mại, về đặc khu Hong Kong, công nghệ... đã trở nên phức tạp hơn trong thời ông cầm quyền, và càng tồi tệ hơn vì những tuyên bố của Tổng thống rằng Trung Quốc đã lây nhiễm virus corona cho thế giới và cần phải chịu trách nhiệm.

"Trung Quốc là lõi phóng xạ trong các vấn đề chính sách đối ngoại của Mỹ", New York Times dẫn lời Orville Schell, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung của Hiệp hội Châu Á bình luận.

Tổng thống đắc cử Biden không nhất thiết phải tự giúp mình bằng cách khắc họa hình ảnh tiêu cực về Trung Quốc trong chiến dịch 2020. Ông và Chủ tịch Tập Cận Bình được đánh giá là đã phát triển tình bạn thân thiết trong những năm tháng của chính quyền Obama. Nhưng chủ nhân mới của Nhà Trắng có lẽ sẽ hành động một phần để chống lại những cáo buộc của người tiền nhiệm rằng ông sẽ khoan dung với Trung Quốc.

{keywords}
Hai ông Joe Biden và Tập Cận Bình gặp nhau ở Bắc Kinh năm 2013. Ảnh: Bloomberg

Thay đổi về Israel, Ảrập Xêút và Iran?

Ông Biden từng tuyên bố sẽ đảo ngược điều mà ông gọi là "thất bại nguy hiểm" trong chính sách Iran của ông Trump, đó là từ bỏ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và thắt chặt các biện pháp trừng phạt, khiến Iran bị thiệt hại lớn về kinh tế và làm cho Mỹ bị cô lập trong vấn đề này.

Ông Biden đã đề nghị tái tham gia thỏa thuận hạn chế năng lực hạt nhân của Iran này nếu nước Cộng hòa Hồi giáo tuân thủ các điều khoản và cam kết đàm phán thêm. Ông cũng cam kết hủy bỏ ngay lập tức lệnh cấm đi lại mà Tổng thống Trump ban hành gây ảnh hưởng đến Iran và một số quốc gia đông dân Hồi giáo khác.

Hiện chưa rõ liệu Tehran có chấp nhận cách tiếp cận của ông Biden hay không. Nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei từng tuyên bố Mỹ không đáng tin cậy bất kể ai là chủ nhân Nhà Trắng. Đồng thời, "Iran cũng đang khát khao một thỏa thuận", New York Times dẫn lời Cliff Kupchan, Chủ tịch nhóm Á - Âu chuyên tư vấn rủi ro chính trị.

Tuy nhiên, theo ông Kupchan, Tổng thống đắc cử Mỹ sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong bất kỳ cuộc đàm phán nào với Iran, nhằm gia tăng hạn chế đối với các hoạt động hạt nhân của nước này - những điểm yếu mà ông Trump từng phải viện đến để biện minh cho quyết định từ bỏ thỏa thuận hạt nhân 2015.

Chính sách Iran của ông Biden có thể sẽ làm mất lòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, vì nhà lãnh đạo Israel đã tận dụng cách tiếp cận đối đầu của ông Trump để tăng cường quan hệ với các nước Ảrập vùng Vịnh, đặc biệt là bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) và Bahrain. Cách ông Biden quản lý các mối quan hệ với Ảrập Xêút, quốc gia coi Iran là kẻ thù, cũng sẽ là một thử thách không nhỏ.

Thế nhưng, tổng thống tiếp theo của Mỹ cũng có lịch sử quan hệ thân tình với Thủ tướng Netanyahu, và ông từng tuyên bố sẽ không đảo ngược quyết định của người tiền nhiệm chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem.

Quan hệ với châu Âu

Ngược lại với ông Trump, ông Biden ủng hộ các mối quan hệ thân thiết hơn giữa Mỹ với giới chức Liên minh châu Âu và phản đối Brexit.

Ông có thể sẽ khó xử với Thủ tướng Anh Boris Johnson, người ủng hộ Tổng thống Trump và đã tính đến việc đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ trước khi Anh chính thức rời EU. Ông Biden có thể sẽ không vội hoàn thành một thỏa thuận như vậy.

Triều Tiên

Tổng thống Trump mô tả tình bạn của ông và ba cuộc gặp trực tiếp với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un là một thành công giúp ngăn chặn chiến tranh với quốc gia có vũ khí hạt nhân này. Tuy nhiên, giới chỉ trích cho rằng cách tiếp cận của ông Trump không thể thuyết phục được ông Kim từ bỏ kho vũ khí hạt nhân và tên lửa, thậm chí còn cho thêm Bình Nhưỡng thời gian để củng cố kho vũ khí này.

"Theo quan sát của ông Trump, chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã phát triển vượt bậc, năng lực tên lửa của nước này đã được mở rộng, và Bình Nhưỡng giờ đây có thể nhắm đến Mỹ bằng một ICBM (tên lửa đạn đạo liên lục địa)", Evans J.R. Revere - một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và là chuyên gia về Triều Tiên, nói. "Đó là một di sản mà ông Trump sẽ sớm truyền lại cho ông Biden, và nó sẽ là một gánh nặng to lớn".

Joe Biden từng chỉ trích cách tiếp cận Triều Tiên của Tổng thống Trump, khẳng định sẽ thúc đẩy phi hạt nhân hóa và "đứng về phía Hàn Quốc". Tuy nhiên, ông không nêu cụ thể sẽ xử lý vấn đề Triều Tiên thế nào.

Nga

Từ lâu ông Biden đã khẳng định sẽ theo đuổi lập trường cứng rắn hơn với Nga.

{keywords}
Ông Biden và ông Putin. Ảnh: AP

Khi còn làm Phó Tổng thống, ông thúc đẩy cấm vận nhằm vào Nga sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crưm ở miền đông Ukraina năm 2014. Và trên cương vị lãnh đạo Nhà Trắng, ông có thể sẽ tìm cách gia hạn cấm vận và ra thêm nhiều quyết định trừng phạt khác.

Tuy căng thẳng với Nga có thể gia tăng, cả hai ông Biden và Putin đều muốn đạt tiến bộ về kiểm soát vũ khí. Tổng thống đắc cử Mỹ sẽ tuyên thệ chỉ trong vài tuần nữa, trước khi Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới năm 2010 hết hạn. Ông cho biết muốn đàm phán gia hạn hiệp ước mà không cần điều kiện tiên quyết.

Thỏa thuận Paris và các cam kết quốc tế

Joe Biden tuyên bố, một trong những điều đầu tiên ông thực hiện trên cương vị tổng thống sẽ là tham gia lại Thỏa thuận khí hậu Paris nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Tổng thống Trump đã chính thức rút khỏi thỏa thuận này vào thứ Tư tuần trước (4/11). Bên cạnh đó, chính trị gia đảng Dân chủ khẳng định sẽ khôi phục tư cách thành viên của Mỹ trong Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - tổ chức mà ông Trump đã từ bỏ giữa cao trào đại dịch Covid-19 với lý do WHO là "tay sai" của Trung Quốc.

Nói rộng hơn, Tổng thống thứ 46 của Mỹ sẽ đảo ngược rất nhiều bước đi của người tiền nhiệm, giải tán các hạn chế nhập cư và ngừng xây dựng bức tường biên giới với Mexico, mở rộng nguồn lực cho người nhập cư và cung cấp một con đường trở thành công dân Mỹ cho những người đang sinh sống bất hợp pháp ở nước này.

Tuy vậy, nhiều chính sách của Tổng thống Trump nhận được sự ủng hộ lớn ở Mỹ, nên vẫn còn phải xem ông Biden có thể thay đổi chúng nhanh chóng và hiệu quả hay không.

Toàn cảnh Bầu cử tổng thống Mỹ 

Thanh Hảo 

Lý giải bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 qua 10 con số

Lý giải bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 qua 10 con số

Mười con số dưới đây sẽ giúp lý giải cuộc bầu cử lịch sử ở Mỹ được tiến hành ra sao giữa lúc đại dịch và suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra.

Những điều đặc biệt làm nên lịch sử của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020

Những điều đặc biệt làm nên lịch sử của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 chứng kiến cuộc chạy đua gay cấn giữa hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden, với chiến thắng thuộc về ứng viên đảng Dân chủ.