Theo Bloomberg, trong khi đối đầu với Trung Quốc cả về thương mại và an ninh quốc gia, Mỹ đã tích lại nhiều sự bất bình chính đáng và cả nhiều loại “vũ khí” có thể sử dụng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa họ nên sử dụng tất cả những vũ khí mà họ có.

“Tên lửa hạt nhân” mà Mỹ nhắm vào Tập đoàn viễn thông Huawei là một ví dụ. Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt kê Huawei và gần 70 chi nhánh của họ vào một bản danh sách đen, có nghĩa tất cả các nhà cung cấp Mỹ muốn làm ăn với Huawei và những chi nhánh trên đều phải xin giấy phép từ chính phủ Mỹ.

Nhiều sản phẩm điện thoại di động lẫn thiết bị viễn thông của Huawei đều dựa vào các linh kiện điện tử từ Mỹ, trong đó có những linh kiện bán dẫn cao cấp. Nếu lệnh cấm này được giữ nguyên, điều này có thể khiến cho một trong những tập đoàn lớn nhất Trung Quốc, với biên chế hơn 180.000 nhân viên, không thể làm ăn được ở Mỹ.

{keywords}
Lệnh cấm của Mỹ nhằm vào Huawei khiến tập đoàn này thiệt hại nặng. Ảnh: tech4gamers

Điều này có thể là một sai lầm nghiêm trọng. Mỹ từ lâu đã coi Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia. Và có nhiều lý do hợp lý để tin rằng việc cho Huawei tham gia vào mạng lưới của Mỹ có thể khiến nước này sẽ luôn bị theo dõi. Vì thế, phía Washington đã làm đủ các bước đi cẩn trọng nhằm ngăn cản Huawei làm được việc này. Nhưng việc khiến cho công ty này không làm ăn được ở Mỹ vừa là một nỗ lực không cân xứng, lại còn thiếu đi cả sự khôn ngoan.

Trước hết, lệnh cấm này sẽ gây thiệt hại lớn. Những công ty không có lỗi như các công ty Mỹ cung cấp thiết bị cho Huawei, sẽ bị mất mối làm ăn, đồng thời phát sinh ra những chi phí mới. Trong khi đó, Trung Quốc lúc này sẽ dồn toàn bộ nỗ lực để đạt được mục tiêu phát triển các công nghệ tiến bộ.

Nếu coi đây là bước đi chiến lược trong việc đàm phán thì lại càng vô lý hơn. Những quan chức Mỹ luôn khẳng định việc cấm Huawei không có liên quan gì đến vấn đề đàm phán thương mại đang bế tắc giữa hai bên, nhưng rõ ràng Tổng thống Trump muốn dùng Huawei như một đòn bẩy trong việc đàm phán, giống như ông đã dùng Tập đoàn ZTE để đàm phán hồi năm ngoái.

Những việc làm của ông Trump có thể tạo nên một tiền lệ tồi tệ, thậm chí là phản tác dụng: Điều này sẽ làm trầm trọng hơn cho tình hình bế tắc hiện nay và khiến cho Trung Quốc chẳng còn động lực để đi đến bất kỳ thỏa thuận nào hết.

Tệ hơn, nó sẽ khiến cho quá trình đàm phán giữa Mỹ-Trung đi lệch hướng. Đàm phán thương mại không chỉ để tăng trưởng cho việc hợp tác thương mại, mà còn để đảm bảo cho quan hệ vững chắc giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Mặc dù các căng thẳng là không thể tránh khỏi, nhưng một mối quan hệ thương mại tốt đẹp sẽ giúp cho hai nước nhận thấy được những lợi ích có được từ việc hợp tác.

Ngược lại, việc nhằm vào Huawei chỉ làm cho người dân Trung Quốc nghĩ rằng Mỹ đang cố tình kiềm chế nền kinh tế Trung Quốc.

Nếu chỉ xét riêng thì quyết định này có thể gây ra thất bại. Để hiệu quả, việc nhằm vào Huawei cần nằm trong một chiến lược lớn với kết quả được định sẵn. Tuy nhiên, hiện khó có thể thấy điều đó. Liệu Mỹ có muốn đánh sập nền công nghiệp công nghệ Trung Quốc? Hay nước này muốn chỉ rõ cho Trung Quốc vị thế của mình? Liệu quyết định trên có giúp cho những nhà cung cấp từ các nước khác hưởng lợi, hay mở ra xung đột hoặc khép lại cuộc xung đột?

Bloomberg cho rằng, nếu không có một mục tiêu cụ thể, ông Trump có thể khiến các đồng minh của Mỹ cảm giác bị bỏ rơi, gây ra sự phẫn nộ đối với Trung Quốc và tăng thêm khả năng đối đầu. Tất cả những điều này sẽ đều không có một kết thúc rõ ràng.

Tuấn Trần