{keywords}
 Gendarmenmarkt, thủ đô Berlin vắng lặng vào ngày cuối tuần, bình thường, nơi này rất tấp nập (Ảnh Steve Trần)

Từ sự lãnh đạm của Liên minh châu Âu (EU) đối với những lời kêu gọi trợ giúp tuyệt vọng của Italia, cho đến việc Mỹ đột ngột hạn chế đi lại đối với các đồng minh châu Âu, không khó để nhận ra sự hợp tác liên quốc gia là thứ thiếu hụt trong cuộc chiến chống Covid-19.

Trường tôi có sinh viên từ hơn 130 quốc gia. Điều này có nghĩa là nhiều người trong chúng tôi sẽ phải đối mặt với những tương lai rất khác nhau, do sự ảnh hưởng của loại virus này đến chính chúng tôi và những người thân yêu ở quê nhà. Tuy nhiên, cũng nhờ điều đó, tôi phát hiện được nhiều quan điểm khác nhau về virus trong khi vẫn duy trì được tình bạn đoàn kết. Nếu sinh viên trường tôi có thể tham gia các cuộc trò chuyện trực tiếp về virus trong cộng đồng đa dạng của chúng tôi, thì tại sao các nhà lãnh đạo quốc tế không thể làm được như vậy?

Ở thời điểm này, chúng ta có thể thấy rõ những cá nhân vị kỷ chỉ quan tâm đến lợi ích của chính họ mà thôi, không chỉ là những vụ giành giật ở Costco, những đám đông mua sắm điên cuồng giấy vệ sinh ở Albert Heijn, mà còn ngay cả trong các ngôi nhà của sự quyền lực. Trên khắp thế giới phương Tây, tính khả tín của sự hợp tác đang bị quên lãng.

Hôm thứ Ba, Nghị viện châu Âu tại Brussels (Bỉ) gần như trống rỗng, chỉ có một số ít nghị sĩ châu Âu có mặt để tranh luận về sự bùng phát của Covid-19. Nghị viện chỉ dừng lại ở việc ca ngợi các nhân viên y tế chống dịch, nhấn mạnh sự cần thiết phải có thêm thiết bị y tế và kêu gọi thêm tài chính cho nghiên cứu chung. Khuyến nghị xa nhất mà một số nghị sĩ đạt được là cần có đánh giá rủi ro chung của châu Âu để áp dụng các biện pháp tương tự cho các khu vực có cùng mức rủi ro. Nó cho thấy một số nỗ lực, nhưng còn quá xa so với những gì thực tế đòi hỏi.

Những thông điệp tương tự ít nhiều được nhắc lại trong Ủy ban châu Âu (EC). Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nói rằng, “toàn bộ Liên minh châu Âu (EU) cần phải được đánh giá, phối hợp và thống nhất”. Đó vẫn là những lời hứa hẹn sáo rỗng. Nỗ lực của EC ngăn chặn các quốc gia thành viên áp đặt lệnh phong tỏa biên giới đến nay là vô ích. Đan Mạch, Ba Lan và Cộng hòa Séc đã tiến tới đóng cửa biên giới, trong khi Tây Ban Nha theo bước chân của Italia tiến hành phong tỏa toàn quốc. Đức, Pháp đột ngột cấm xuất khẩu vật tư y tế, động thái mà các quốc gia EU khác có thể sớm bắt chước, nếu Covid-19 tấn công chủ nghĩa dân túy châu Âu.

Không nơi nào rõ ràng hơn ở Italia, tâm dịch Covid-19 ở châu Âu, nơi chủ nghĩa dân túy hà khắc Matteo Salvini đang thống trị. EU đã 'nhường' công việc hỗ trợ Italia cho người Trung Quốc. Quốc gia châu Á đã nhanh chóng gửi vật tư y tế, và cả các chuyên gia tới Italia. Thực tế, trước khi dịch bệnh bùng phát, Italia vẫn thường đặt mình vào thế yếu trong quan hệ đối tác với châu Âu. Và hiện tại, Italia có thể lại nhận thấy mình rõ ràng đang ở bên thua cuộc một lần nữa vì không có mối quan hệ đối tác nào trong EU để có thể nhận được sự hỗ trợ chống Covid-19.

Phản ứng yếu ớt từ Brussels và khả năng suy thoái kinh tế nghiêm trọng có thể là điều chính xác mà những người theo chủ nghĩa dân túy như Salvini có thể sử dụng để thúc đẩy làn sóng phê phán và đòi hỏi sự thay đổi căn bản quan hệ trong EU (Eurosceptic) trong những năm tới. Chủ nghĩa dân túy đang gia tăng ở châu Âu và virus có thể là thách thức nghiêm trọng đối với quyền lực chính trị của Brussels, nếu người dân châu Âu cho rằng EU là một tổ chức không có khả năng xử lý bệnh dịch này.

Liên minh xuyên Đại Tây Dương cũng có vẻ khá nghiệt ngã. Thay vì đoàn kết làm việc, Tổng thống Mỹ Donald Trump “đột ngột” áp dụng lệnh cấm đi lại hoàn toàn đối với tất cả đồng minh châu Âu, một quyết định được thúc đẩy với niềm tin rằng châu Âu đã không làm đủ để ngăn chặn virus xâm nhập vào biên giới của họ. Lý do là phù hợp, vì các quốc gia châu Âu đã không thể hợp tác bằng bất kỳ giải pháp đa phương nào có thể có đối với bệnh dịch. Tuy nhiên, quyết định của ông Trump hoàn toàn đổ lỗi cho người châu Âu là kiểu phản ứng dân túy. Thay vì nắm bắt một cơ hội mạnh mẽ để lấp đầy khoảng trống lãnh đạo giữa các quốc gia phương Tây, ông Trump đã “cách ly” hoàn toàn nước Mỹ khỏi các đồng minh, điều có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong tương lai gần.

“Ba tuần nữa, chúng tôi có thể giống như những gì ở Italia hôm nay”, mẹ một người bạn đã nói với tôi như vậy qua điện thoại. Hầu hết người châu Âu đều biết rằng đất nước của họ chưa sẵn sàng cho sự xâm nhập của bệnh dịch ở quy mô chưa từng có như vậy, đặc biệt là khi từng quốc gia đều chỉ làm việc của mình. Những thách thức trên toàn EU và sự thiếu hợp tác chung giữa các quốc gia thành viên sẽ khiến công dân mất niềm tin vào các nhà lãnh đạo, và chính EU.

Sau ngày 9/11 và cuộc khủng hoảng tài chính 2008, đại dịch Covid-19 sẽ là lần thứ ba các quốc gia phương Tây đối mặt với thử nghiệm về khả năng hợp tác và liên kết giữa các quốc gia. Các nhà lãnh đạo sẽ cần phải làm việc cùng nhau để có thể mang lại kết quả thực tế vượt ra ngoài biên giới của họ. Nếu điều này không sớm đạt được, chúng ta có lẽ sẽ sớm chứng kiến những hỗn loạn về chính trị ở phương Tây sau khi bệnh dịch qua đi.

Thiều Quang