Càng ngày các phi công Mỹ ở Alaska càng thường xuyên bị đánh thức từ sáng sớm để thực hiện nhiệm vụ như thời Chiến tranh Lạnh: Xuất kích các chiến cơ tàng hình F-22 từ căn cứ của họ ở Anchorage để giám sát các máy bay ném bom Bear Tu-95 của Nga đang hướng về phía các bờ biển Mỹ.

{keywords}
Chiến cơ Mỹ chặn máy bay ném bom Nga tiến vào Vùng Nhận diện phòng không Alaska ngày 22/5/2019. (Ảnh: NORAD)

Chỉ riêng tuần trước, Nga đã hai lần hành động như vậy, và các chiến cơ F-22 của Mỹ đều vội vã cất cánh để giữ máy bay Nga ở ngoài không phận nước mình.

Trong những lần chạm trán đó, các máy bay F-22 và Bear thường quan sát nhau một cách cảnh giác trong ít phút, thậm chí vài giờ đồng hồ, trên bầu trời rồi mới "đường ai nấy bay". Mỗi bên đều tận dụng cơ hội để thu thập thông tin tình báo, sát hạch năng lực và phân tích thời gian phản ứng cho các cuộc xung đột tiềm ẩn trong tương lai.

Nga tái khởi động các chuyến bay tuần tra trên toàn cầu vào năm 2007. Mặc dù chỉ có 6-7 sứ mệnh như vậy mỗi năm, giảm từ con số hàng nghìn thời Chiến tranh Lạnh, nhưng vẫn là đang tăng dần, đặc biệt ở Bắc Cực.

Cả Mỹ và châu Âu đang chịu sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt từ Nga ở Bắc Cực. Các chuyến tuần tra của máy bay ném bom là một phần các nỗ lực của Moscow nhằm thể hiện cả năng lực hoạt động lẫn ý đồ chiến lược muốn cạnh tranh ở Bắc Cực, vốn được coi là khu vực lợi ích quốc gia cốt lõi vì có các nguồn tài nguyên và các tuyến đường biển.

Moscow mới đây đã thành lập/ nâng cấp 7 căn cứ quân sự trong khu vực, trang bị các cảng, sân bay, tàu chở dầu và tàu phá băng. Tất cả cho thấy Nga sẵn sàng khẳng định vị thế và sức mạnh của mình, đồng thời chứng tỏ là một đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ, đủ sức tấn công đất Mỹ và làm suy yếu các lợi ích của đối phương.

Hiện quan hệ giữa Mỹ và Nga đang căng thẳng, với cả hai bên đều bày tỏ lo ngại về các hoạt động của phía kia ở Ukraina, Syria, Triều Tiên và Venezuela, và cả ở Bắc Cực.

Thanh Hảo