Trước đây, Bắc Kinh nhập khẩu nhiều hàng nông sản từ Washington, nhưng hiện nay nước này đang mua lương thực từ nhiều quốc gia khác. Dĩ nhiên, Mỹ cũng đã nhìn thấy ngón đòn trả đũa này của Trung Quốc, khi Tổng thống Trump áp thuế lên hàng xuất khẩu của ‘quốc gia tỷ dân’.

Nhiều quan chức Mỹ cũng biết Trung Quốc sẽ tái cơ cấu những nguồn cung cấp nông sản của nước này. Bởi dù có thương chiến hay không, thì người dân nước này cũng vẫn cần ăn. Trung Quốc dựa nhiều vào việc nhập khẩu thực phẩm, nhất là khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát.

Với tình hình như vậy, Bắc Kinh buộc phải đa dạng hóa các nguồn cung cấp thực phẩm. Sẽ tốt hơn nếu an ninh lương thực Trung Quốc bớt dựa vào một nhà cung cấp là Mỹ. Và nông dân Mỹ sẽ khó giành lại thị phần của mình tại ‘quốc gia tỷ dân’, kể cả trong trường hợp thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung được ký kết.

Trong khi đó, tác động từ dịch tả lợn châu Phi đã gia tăng áp lực lên giá thịt lợn ở Trung Quốc. Và kết quả là Trung Quốc tìm đến các nhà cung cấp thịt khác có giá cả rẻ hơn để thay thế, chẳng hạn như New Zealand, quốc gia có hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc từ năm 2008. Trong khi quan hệ thương mại Mỹ-Trung gặp nhiều sóng gió, thì quan hệ thương mại giữa Trung Quôc-New Zealand tiếp tục vững chắc.

{keywords}
Trung Quốc ‘vùng vẫy’ tái cơ cấu nông nghiệp

Cụ thể hồi đầu tháng 11, Trung Quốc và New Zealand tuyên bố sẽ nâng tầm hiệp định tự do thương mại giữa hai nước. “Điều này sẽ đảm bảo hiệp định thương mại được nâng tầm của New Zealand sẽ là hiệp định tốt nhất Trung Quốc từng ký kết”, SCMP trích lời phát biểu hôm 4/11 của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern.

Người tiêu dùng Trung Quốc sẽ mua nhiều thịt bò, cừu từ New Zealand để thay thế cho thịt lợn. Bản báo cáo tổng quan về kinh doanh nông nghiệp do nhiều nhà phân tích thuộc Ngân hàng New Zealand cho biết, “giá trị xuất khẩu thịt cừu tăng lên đáng kể do nhu cầu từ những thị trường nước ngoài nhằm chống lại việc nguồn cung khan hiếm”, và dịch tả lợn khiến “nhu cầu về việc tìm nguồn protein thay thế trở nên mạnh hơn”.

Còn về thịt bò, bản báo cáo trên cũng cho biết lượng thịt bò xuất khẩu của New Zealand trong tháng 10/2019 đã tăng thêm 11%. Và Trung Quốc đã nhập hơn một nửa sản lượng thịt bò xuất khẩu của New Zealand trong những tháng gần đây.

Ở mảng thức ăn chăn nuôi, dù Trung Quốc áp thuế lên đậu nành Mỹ như một phần thương chiến, nhưng nước này vẫn cần sản phẩm đậu nành phục vụ cho ngành chăn nuôi của nước này, nhất là từ các nhà cung cấp như Argentina và Brazil.

{keywords}
Đậu nành Brazil và Argentina hưởng lợi từ thương chiến Mỹ-Trung

Hai quốc gia Nam Mỹ lâu nay đã xuất khẩu đậu nành sang Trung Quốc, từ trước khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung xảy ra. Chẳng hạn trong tháng 11/2019, Brazil đã xuất khẩu hơn 5,16 triệu tấn đậu nành, 94% trong số đó là xuất khẩu sang Trung Quốc.

Hôm 2/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế lên mặt hàng thép của Brazil và Argentina. “Brazil và Argentina đã mạnh tay phá giá đồng nội tệ của họ…, và điều này không tốt cho nông dân Mỹ”, ông Trump viết trên Twitter. Nhiều chuyên gia nhận định, động thái này của ông Trump nhằm cảnh cáo 2 quốc gia Nam Mỹ cần có ‘sự thận trọng’ trong việc cung cấp đậu nành cho Trung Quốc.

Chuyên gia Neal Kimberley thuộc SCMP cho biết, giải pháp cho thương chiến Mỹ-Trung không nhất thiết là phải đưa mọi việc trở lại như cũ. Bởi chiến tranh thương mại và tác động từ dịch tả lợn châu Phi sẽ buộc chính quyền Bắc Kinh phải suy nghĩ lại về việc tái cơ cấu nguồn cung cấp nông sản cho nước này.

Tuấn Trần