“Mỹ sẽ áp mức thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc nhập vào đất nước chúng ta từ ngày 1/9… Trung Quốc đã đồng ý sẽ mua nông sản Mỹ với số lượng lớn, nhưng nước này đã không làm vậy”, Tổng thống Trump viết trên Twitter.

Tuyên bố trên của ông Trump đã phá vỡ “hiệp định đình chiến” mà hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung đã đạt được sau cuộc gặp thượng đỉnh bên lề hội nghị G20 tại Osaka hồi cuối tháng 6. Động thái này cũng đánh dấu sự leo thang lớn nhất của thương chiến trong hơn một năm qua.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Nhiều nhóm công nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu, bao gồm Phòng Thương mại Mỹ, Liên đoàn bán lẻ quốc gia, Hiệp hội các nhà lãnh đạo ngành bán lẻ (RILA) và Hiệp hội may mặc và giày dép Mỹ, đã lên án tuyên bố trên của ông Trump. Cụ thể thuế mới “đã đánh trực tiếp vào các sản phẩm tiêu dùng và chi tiêu của nhiều gia đình”.

“Những mức thuế quan sẽ là thuế đánh vào người tiêu dùng Mỹ. Và nếu những mức thuế này được áp dụng, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải gánh chịu những mức giá cao hơn đối với các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như quần áo, đồ chơi, đồ gia dụng và đồ điện tử. Các gia đình Mỹ không nên là con tốt thí trong cuộc chiến thương mại này”, thông cáo của RILA cho biết.

Ông Myron Brilliant, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ kiêm phụ trách các vấn đề quốc tế cho biết, việc tăng thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc “sẽ chỉ gây ra nỗi đau lớn hơn cho các doanh nghiệp, người nông dân, công nhân và người tiêu dùng Mỹ, và làm suy yếu mạnh mẽ nền kinh tế Mỹ”.

{keywords}
Áp thuế vào hàng TQ sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ. Ảnh: SCMP

Tuy nhiên khi trả lời phỏng vấn giới truyền thông sau thông báo tăng thuế, ông Trump đã khẳng định rằng, Trung Quốc đang gánh chịu áp lực nặng nề từ thương chiến. “Bắc Kinh sẽ phải trả những khoản thuế đó. Chúng ta thì không. Cho tới khi đạt được thỏa thuận, chúng ta sẽ đánh thuế họ”, ông Trump nói.

Bước ngoặt mới nhất của căng thẳng thương mại khiến Washington và Bắc Kinh khó có thể tìm ra được tiếng nói chung. Ông Trump liên tục cáo buộc Trung Quốc ngừng xuất khẩu thuốc giảm đau Fentanyl vào Mỹ, dẫn đến việc hơn 18.000 người nước này bị tử vong hồi năm 2016, theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ.

Tờ SCMP trích dẫn lời Giám đốc Công ty Tư vấn Rủi ro Chính trị Eurasia Group, ông Michael Hirson nhận định, sự đe dọa tăng thuế lần này là một canh bạc đầy rủi ro với ông Trump. Điều này báo hiệu rằng ông muốn đạt được một thỏa thuận trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, và sẵn sàng dùng mọi quân bài ông ấy có nhằm tạo áp lực lên Trung Quốc.

“Trường hợp lạc quan nhất hiện nay là ông Trump đang tin rằng, Bắc Kinh sẽ cố kín đáo trì hoãn hai vấn đề thuốc giảm đau Fentanyl và mua nông sản, và việc dọa áp thuế có nghĩa sẽ buộc Bắc Kinh làm theo điều Mỹ muốn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Bắc Kinh sẽ làm theo những gì mà ông Trump muốn. Đây sẽ là một sự xấu hổ vô cùng với Trung Quốc khi nước này phải xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ dưới áp lực của sự dọa nạt”, ông Hirson nói.

Tuấn Trần