Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un lâu nay vẫn được coi là nhà lãnh đạo tối cao của một đất nước bí ẩn thuộc hàng nhất thế giới, sở hữu trong tay ước tính tới 60 vũ khí hạt nhân và từng nã tên lửa về phía Nhật Bản cũng như đe dọa Hàn Quốc.

Điều đó khiến nhiều người tò mò về lí do tại sao Tổng thống Mỹ Trump có thể gặp thượng đỉnh, đối thoại và gửi những bức thư bày tỏ sự cảm mến cá nhân đến ông Kim, trong khi không ngồi vào bàn đàm phán với các quan chức cấp cao Iran để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện tại giữa Washington - Tehran.

{keywords}
Thời gian gần đây, Tổng thống Mỹ Trump luôn dành những lời có cánh khi nói về lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và mối quan hệ tốt đẹp giữa họ. Ảnh: Sputnik

Theo CNN, câu trả lời nằm ngay trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng. Khi chứng kiến Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế JCPOA đã ký năm 2015 với Iran và tái áp đặt các lệnh trừng phạt, gần đây nhất là trực tiếp chống thủ lĩnh tinh thần tối cao của quốc gia Hồi giáo, Tehran dường như không mặn mà với đàm phán.

Ngược lại, trong khi xúc tiến chiến dịch gia tăng sức ép tối đa với Tehran, Washington cũng không quan tâm tới việc đó, dù ông Trump từng vài lần tuyên bố sẵn sàng ngồi vào bàn thương lượng với Tổng thống Iran Hassan Rouhani vô điều kiện.

Từ đây nảy sinh các câu hỏi khác, rằng tại sao trong suy nghĩ của ông Trump, Triều Tiên có thể là đối tác "chấp nhận được" hơn Iran? Điều gì khiến Triều Tiên khác biệt đến vậy? Và tất cả báo hiệu gì về triển vọng đàm phán nghiêm túc giữa Mỹ và Iran?

Chiếc vé giúp lưu danh sử sách

Ông Trump có vẻ thích phát biểu rằng, trước khi ông theo đuổi việc đối thoại trực tiếp với ông Kim, Mỹ đang trên bờ vực chiến tranh với Triều Tiên. Theo lãnh đạo Nhà Trắng, nhờ nỗ lực gắn kết của ông mà Chủ tịch Triều Tiên đã ngưng các cuộc thử nghiệm tên lửa tầm xa và hạt nhân.

Thực tế, ông Trump đã đưa ông Kim vào "vùng an toàn", tránh xa những chỉ trích như ông từng chĩa vào Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Trump thường xuyên ca ngợi ông Kim, đề cập tới những lá thư tốt đẹp nhận được từ "người bạn tâm giao".

Dù kết quả hai hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa họ chưa như mong đợi và cuộc gặp "ngẫu hứng" lần ba ở khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách giữa Triều Tiên và Hàn Quốc chủ yếu chỉ mang tính biểu tượng, ông Trump vẫn muốn duy trì giấc mơ Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ đương nhiệm dường như tin rằng, Triều Tiên, không giống như Iran, sẽ mang tới thành công chưa từng có, đem lại tấm vé giúp ông được lưu danh trong sử sách và thậm chí nhiều khả năng được trao giải Nobel hòa bình. Trên hết, không giống mọi người tiền nhiệm, ông đã thành công khi chấp nhận mạo hiểm để đích thân thuyết phục ông Kim về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Iran, một câu chuyện cũ và phức tạp

Không giống như Triều Tiên nơi Tổng thống Trump thoải mái thể hiện cách tiếp cận ngoại giao độc nhất vô nhị của mình, Iran trong suy nghĩ của ông có vẻ là một câu chuyện cũ và phức tạp vì vô số nỗ lực vụng về của những kẻ khác.

Ông đã dành nhiều thời gian trong chiến dịch vận động tranh cử để lên án JCPOA là thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử loài người và dùng nó để công kích cựu Tổng thống Barack Obama. Ông cam kết sẽ "xé bỏ" thỏa thuận này hoặc ít nhất là tái đàm phán nó.

Theo giới phân tích, chỉ riêng việc đạt JCPOA do công của chính quyền Obama cũng đủ để ông Trump quay lưng với thỏa thuận như một nỗ lực khiến mọi người hiểu rằng, nước Mỹ hiện đã có vị tổng tư lệnh mới. Như với rất nhiều vấn đề khác, từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho đến khí hậu và nhập cư, ông Trump đã quay lưng với mọi thứ ông Obama từng chạm tới.

{keywords}
Với một số người, ông Trump đang ưu ái Triều Tiên hơn Iran. Ảnh: Tehran Times

Tóm lại, với ông Trump, Iran là vấn đề cũ, vấn đề của Obama. Và nếu không thể thoát khỏi thỏa thuận với quốc gia Hồi giáo ngay lập tức, ông Trump sẽ sớm làm việc đó. Ông cũng tiếp tục áp đặt một chiến dịch gây áp lực tối đa mới với Tehran.

Các hành vi của Iran ngoài thỏa thuận hạt nhân, đặc biệt là những nỗ lực gia tăng ảnh hưởng trong khu vực càng tạo cho Tổng thống Trump và các cố vấn diều hâu của ông cái cớ để thúc đẩy việc rút Mỹ khỏi JCPOA và gây áp lực với Tehran bất kỳ nơi nào có thể.

Các rắc rối trong chính trường Mỹ

Các chính sách về Triều Tiên của ông Trump đã vấp phải nhiều chỉ trích trong nước, từ cả những người phản đối ông kết thân với chính quyền Kim Jong Un lẫn những người coi cách tiếp cận của ông là "không có chiến lược rõ ràng" và đang bị lãnh đạo Triều Tiên "dắt mũi".

Xét theo một khía cạnh, những chỉ trích đối với chính sách Triều Tiên của Trump đã được giảm nhẹ phần nào vì thực tế rằng Triều Tiên, không giống Iran, được coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Mỹ do sở hữu kho vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa "khủng". Song, nếu Triều Tiên thực sự có tác động đến chính trường Mỹ, thì Iran phải tác động gấp 10 lần như vậy.

Thực tế, các vấn đề chính trị nội bộ Mỹ - sự chống đối trong phe Cộng hòa, những người bảo thủ, một số chính trị gia Dân chủ và những người ủng hộ Israel, là một trở ngại nghiêm trọng đối với bất kỳ chính quyền nào muốn chơi trò thỏa thuận với Iran.

Hơn thế nữa, không giống vấn đề Triều Tiên, nơi Nhật và Hàn Quốc đặc biệt quan tâm đến việc thỏa hiệp và nhượng bộ quá nhiều trước Bình Nhưỡng, trong trường hợp của Iran còn có yếu tố Israel với một vị thủ tướng nhất quyết làm mọi thứ để phá hủy JCPOA.

Nỗ lực của người Israel đã thất bại, nhưng với việc ông Trump lên nắm quyền, háo hức khôi phục quan hệ với cả Israel và Ảrập Xêút, nước Mỹ đã có một vị tổng thống làm hài lòng đám đông chống thỏa thuận hạt nhân với Tehran.

Việc ông Trump phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran được tin bắt nguồn từ mong muốn thống trị chính trường Mỹ và điều đó vẫn tiếp tục đến hiện nay. Trong một chính quyền "bình thường" hơn, việc đàm phán với cả Iran và Triều Tiên cũng sẽ được xem là một phần của chiến lược phi hạt nhân hóa tổng thể.

Dù thỏa thuận hạt nhân Iran có thể còn lỗ hổng, nhưng nó có thể vẫn được coi là công cụ có tính hữu ích cao để đối phó với thách thức của chương trình hạt nhân Triều Tiên mà Washington vẫn chưa có giải pháp toàn diện.

Điều trớ trêu của tình cảnh hiện nay là, bất chấp những hạn chế trong việc đối phó với Iran (rất nhiều trong số này do chính ông Trump áp đặt), tổng thống Mỹ dường như vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với Tehran. Người ta có cảm giác rằng, nếu phía Iran mở lời trước, ông Trump có thể đáp lại bất chấp quan điểm cứng rắn của các cố vấn diều hâu.

Hiện giới quan sát chỉ có thể hy vọng bản năng của ông Trump sẽ thắng thế, vì ngay tại thời điểm hiện tại không có sự tin tưởng, không có bất kỳ kênh liên lạc nào giữa Washington - Tehran và có nhiều lí do khiến người ta tin nguy cơ bùng phát xung đột đang lấn át khả năng xúc tiến dạng thức ngoại giao nào đó, giải pháp duy nhất có thể nghĩ đến để kiềm chế cơn cuồng nộ của cả hai bên.

Tuấn Anh