Liên minh châu Âu

{keywords}
Mẫu chứng nhận Covid dạng giấy (trái) và dạng kỹ thuật số của các nước EU. Ảnh: schengenvisainfo.com 

Kể từ ngày 1/7, tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đồng loạt cho triển khai "Chứng nhận Covid", hay còn gọi nôm na là hộ chiếu vắc xin Covid-19, cho mọi công dân và thường trú nhân cũng như những nhóm du khách nhất định đến từ các nước thứ ba. Đây thực chất là một loại chứng nhận dạng giấy hoặc kỹ thuật số, có tích hợp một mã QR, cho thấy ai đó đã được tiêm phòng virus SARS-CoV-2 đầy đủ hoặc hồi phục sau khi nhiễm bệnh trong vòng 6 tháng hay có xét nghiệm âm tính trong vòng 48 - 72 giờ.

Theo báo New York Times, người được cấp chứng nhận Covid của EU sẽ không cần tuân thủ hầu hết hạn chế về đi lại hay phải cách ly hoặc xét nghiệm khi nhập cảnh trong phạm vi liên minh. Ngoài ra, mỗi nước trong khối sẽ có quy định cụ thể hoặc bổ sung thêm ưu đãi dành cho những người đang nắm giữ hộ chiếu vắc xin hợp lệ.

Ví dụ, tại Đức, ở hầu khắp cả nước, tại những khu vực có tỉ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 là 35 ca trên mỗi 100.000 dân, chỉ những người có trong tay giấy chứng nhận mới được vào dùng bữa trong không gian đóng kín của các nhà hàng; đến thăm người thân trong các bệnh viện, nhà dưỡng lão; tham dự các sự kiện, tiệc tùng hay các hoạt động thể thao trong nhà. Tuy nhiên, quy định này được áp dụng đối với mọi khu vực tại thủ đô Berlin, các bang Baden-Württemberg, Hạ Sachsen, Rhineland-Palatinate và Saarland.

Tại Pháp, để đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ 4, quốc hội ngày 26/7 đã thông qua luật yêu cầu mọi người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, kể cả các nhân viên y tế, nhân viên viện dưỡng lão, tình nguyện viên tiếp xúc với người cao tuổi, phải tiêm phòng vào thời điểm 15/9 hoặc đối mặt nguy cơ bị đình chỉ công tác.

Bên cạnh đó, chỉ những người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc có chứng nhận Covid mới được đi tàu hỏa, máy bay, vào các nhà hàng, quán bar và những nơi công cộng khác. Quy định này ban đầu chỉ áp dụng đối với những người trưởng thành, nhưng kể từ ngày 30/9 sẽ có hiệu lực với mọi cá nhân từ 12 tuổi trở lên.

{keywords}
Charleroi là một trong những câu lạc bộ bóng đá ở Bỉ triển khai phân chia khán đài dành cho những người đã tiêm phòng và chưa tiêm phòng Covid-19. Ảnh: CNBC

Trang Euro News đưa tin, tại Bỉ, các cư dân và du khách đã hoàn thành tiêm chủng trong vòng 2 tuần có thể đăng ký "vé an toàn Covid-19", giúp họ được miễn trừ đeo khẩu trang hoặc giãn cách xã hội khi tham dự các sự kiện ngoài trời quy tụ 1.500 người trở lên từ ngày 1/9. Một số câu lạc bộ bóng đá cũng chia khu vực khán đài trên sân vận động để phân tách các cổ động viên đã tiêm vắc xin và những người chưa chủng ngừa.

Tại Italia, ngoài những người sở hữu giấy chứng nhận Covid-19, bất kỳ ai đã tiêm ít nhất một liều vắc xin cũng sẽ được phép vào các nơi công cộng đóng kín cũng như những cuộc tụ họp đông người như bảo tàng, các bữa tiệc riêng tư và sự kiện thể thao.

{keywords}
Các du khách xuất trình chứng nhận Covid-19 kỹ thuật số trước khi vào tham quan Đấu trường La Mã cổ ở trung tâm Rome, Italia. Ảnh: Euro News

Hy Lạp yêu cầu khách ra vào các nhà hàng, quán bar phải có giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin, trong khi Hungary bắt buộc tiêm chủng đối với các nhân viên y tế.

Từ giữa tháng 7, Malta đã trở thành quốc gia đầu tiên thuộc EU cấm nhập cảnh với bất kỳ du khách nào từ 12 tuổi trở lên chưa chủng ngừa Covid-19 đầy đủ. Ngoại lệ duy nhất được áp dụng là trẻ chưa tiêm chủng trong độ tuổi từ 5 - 12, nếu các em có xét nghiệm âm tính và đi cùng bố/mẹ đã tiêm đủ liều vắc xin.

Vương quốc Anh

Nhà chức trách Vương quốc Anh thông báo, từ ngày 2/8, những người tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 đến từ Mỹ và châu Âu (các nước thành viên EU, các quốc gia thuộc Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu, các tiểu vương quốc như Andorra, Monaco và thành Vatican) không cần phải cách ly khi nhập cảnh vào xứ sở sương mù.

Từ tháng 6, nhà chức trách Anh đã ban hành quy định bắt buộc tiêm chủng đối với các nhân viên làm việc tại viện dưỡng lão, kể cả nhân sự không thuộc ngành y.

Mỹ

Mỹ chưa áp quy định bắt buộc tiêm phòng Covid-19 trên toàn quốc, nhưng chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã cho triển khai nhiều biện pháp "cây gậy và củ cà rốt" nhằm tăng tốc chiến dịch chủng ngừa quốc gia.

Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 29/7, ông Biden kêu gọi chính quyền các tiểu bang và địa phương hãy thưởng nóng 100 USD cho mỗi người dân đi tiêm phòng. Theo Đài CBS, số tiền này lấy từ quỹ ứng phó đại dịch, trị giá gần 1.900 tỷ USD được quốc hội thông qua vào tháng 3.

{keywords}
Tiêm vắc xin Covid-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: AP

Bên cạnh đó, tất cả các nhân viên làm việc cho chính quyền liên bang sẽ phải tiêm chủng hoặc phải đeo khẩu trang liên tục, thường xuyên làm xét nghiệm một hoặc hai lần trong tuần, duy trì giãn cách xã hội tại nơi làm việc và không được phép đi công tác. Lầu Năm Góc cũng tuyên bố có kế hoạch bắt buộc tiêm vắc xin đối với toàn bộ quân nhân chậm nhất là giữa tháng 9.

Việc chủng ngừa Covid-19 hiện là bắt buộc đối với các viên chức tại thành phố New York và từ giữa tháng 9 sẽ bắt buộc đối với mọi người ra vào các nhà hàng, phòng tập thể dục và trung tâm giải trí. Tương tự, từ tháng 10, các nhân viên làm việc tại các cơ sở y tế ở bang California sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận đã hoàn thành tiêm chủng. Ai từ chối sẽ phải xét nghiệm sàng lọc hàng tuần, giãn cách xã hội và tuân thủ các biện pháp giới hạn khác.

Malaysia

Chính phủ Malaysia ngày 8/8 đã công bố nhiều biện pháp nới lỏng đối với những người đã hoàn thành tiêm phòng Covid-19. Cụ thể, kể từ ngày 10/8, những công dân trở về từ nước ngoài nếu đã tiêm vắc xin đầy đủ có thể cách ly tại nhà, những cặp vợ chồng có thể đi lại giữa các bang để thăm nhau và các bậc phụ huynh có thể đi thăm con dưới 18 tuổi. Ngoài ra, những người đã hoàn thành tiêm chủng còn được phép cầu nguyện ở các địa điểm thờ tự tôn giáo, vào nhà hàng ăn uống, đi du lịch, tập thể dịch ngoài trời...

Theo nhà chức trách, những ai thuộc diện được nới lỏng chỉ cần trình chứng nhận điện tử cho thấy họ đã tiêm đủ liều vắc xin. Đối với những người tiêm chế phẩm của Pfizer, AstraZeneca và Sinovac, việc hoàn thành chủng ngừa được xác định sau 14 ngày kể từ mũi tiêm thứ 2. Đối với những người tiêm vắc xin đơn liều của Johnson & Johnson và CanSino, việc hoàn thành tiêm chủng được xác định sau 28 ngày kể từ ngày tiêm.

Pakistan

{keywords}
Người dân làm thủ tục tại một điểm tiêm phòng Covid-19 ở Karachi, Pakistan. Ảnh: Reuters

Tại tỉnh Baloutchistan thuộc Pakistan, từ 1/7, chỉ những người tiêm phòng Covid-19 mới được phép đến các nơi công cộng như công viên, rạp hát, bảo tàng, trung tâm thương mại hay sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Theo một nguồn tin chính thức của địa phương này, đã có 70 người trong lực lượng dân quân bán vũ trang giúp cảnh sát trong công việc giữ gìn trật tự bị cho nghỉ việc vì từ chối không tiêm chủng.

Tại tỉnh Sind, các công chức tỉnh sẽ không được trả lương nếu từ chối tiêm vắc xin ngừa SARS-CoV-2. Tương tự, chính quyền tỉnh Penjab cũng dọa sẽ cắt điện thoại của những người không tiêm phòng.

Ảrập Xêút

Chính phủ Ảrập Xêút ngày 18/5 thông báo, chỉ những người đã tiêm phòng Covid-19 mới được đến công sở, trường học, tụ điểm giải trí hay sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Trong cả khu vực công và tư nhân, chỉ các nhân viên đã tiêm vắc xin mới được đến nơi làm việc.

Ngoài ra, sau khi đóng cửa biên giới suốt 17 tháng nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, nhà chức trách quyết định cho phép các du khách ngoại quốc hoàn thành chủng ngừa nhập cảnh kể từ đầu tháng 8.

Tuấn Anh

 >>> Thông tin về vắc xin Covid-19 mới nhất

Đánh giá mới về hiệu quả vắc xin, Mỹ ra lệnh binh sĩ phải tiêm chủng

Đánh giá mới về hiệu quả vắc xin, Mỹ ra lệnh binh sĩ phải tiêm chủng

Theo các nhà nghiên cứu Anh, hiệu quả của vắc xin ngừa Covid-19 sẽ bắt đầu giảm trong vòng sáu tháng sau khi nhận đủ hai mũi tiêm.

Cách tốt nhất chống lại biến thể Delta

Cách tốt nhất chống lại biến thể Delta

Phần lớn lo lắng của thế giới hiện nay về đại dịch Covid-19 tập trung vào biến thể Delta đang thống trị toàn cầu. Các chuyên gia tin, cách tốt nhất để chống lại biến thể nguy hiểm này là tiêm chủng.