Pablo Emilio Escobar Gaviria sinh năm 1949 tại Colombia, trong một gia đình có bố là nông dân và mẹ là giáo viên tiểu họ.

Escobar khởi nghiệp bằng việc ăn cắp và bán lại bia mộ, trước khi trở thành một trong những trùm ma tuý giàu nhất lịch sử thế giới.

Năm 1976, Escobar kết hôn với ‘cô dâu 15 tuổi’ Maria Victoria. Hai người có một con trai tên là Juan Pablo và con gái là Manuela.

Escobar sở hữu một loạt khu căn hộ và xe ô tô hạng sang. Giữa thập kỷ 70, ông bắt đầu kinh doanh cocaine, và tự vận chuyển nhiều cân cocaine trên máy bay cá nhân.

{keywords}

Escobar – ‘vua ma tuý’ giàu nhất lịch sử

Trong thời kỳ đỉnh cao quyền lực, Pablo Escobar thu về 420 triệu USD doanh thu mỗi tuần. Mức thu nhập khủng này đã khiến Escobar trở thành một trong những trùm ma tuý giàu nhất trong lịch sử.

Escobar cung cấp 80% lượng ma tuý cho toàn thế giới và buôn lậu 15 tấn vào Mỹ mỗi ngày.

Escobar còn được biết đến với biệt hiệu ‘vua cocaine’. Trong cuốn sách ‘Câu chuyện của người kế toán: Bên trong thế giới bạo lực của tập đoàn Medellin’ do Roberto Escobar – người kế toán và cũng là anh trai Pablo Escobar – viết lại, ‘vua cocaine’ giàu tới mức chất hàng khối tiền trong các cánh đồng ở Colombia, những ngôi nhà đổ nát, và trong vách tường nhà thành viên tập đoàn.

“Pablo kiếm được nhiều tới mức mỗi năm, chúng tôi phải vứt đi 10% số tiền vì chuột nhấm trong các kho chứa, hoặc tiền bị mục nát do nước hoặc hư hại” – anh trai trùm ma tuý viết.

Dựa trên ước tính số tiền mà Pablo Escobar thu được, số tiền trùm ma tuý này mất đi mỗi năm tương đương với khoảng 2,1 tỉ USD. Escobar có quá nhiều tiền nên mất đi chừng đó với ông cũng chẳng thấm là bao.

Năm 2009, trong bài phỏng vấn trên tạp chí Don Juan, con trai duy nhất của Pablo Escobar là Juan Pablo Escobar (giờ đổi tên là Sebastian Marroquin) kể lại, một lần, cha của ông đa đốt 2 triệu USD tiền mặt để sưởi ấm cho gia đình khi họ trên đường trốn chạy truy đuổi của chính quyền.

Đối với tập đoàn ma tuý này, việc cất giấu số tiền hay tiền hư hại không thành vấn đề, nhưng họ lại đối mặt với một rắc rối khác tưởng chừng đơn giản hơn nhiều – đó là sắp xếp lại các đồng tiền. Theo Roberto Escobar, tập đoàn Medellin phải tốn 2.500 USD mỗi tháng cho việc mua dây chun buộc tiền.

Là một tội phạm ma tuý thành công và giàu có, nhưng Escobar lại bỏ ra rất nhiều tiền cho những người khó khăn. Dân tình ở Mdellin vẫn nghĩ về ông như một người hùng, hay một mạnh thường quân đã chi tiền xây dựng cho họ các sân bóng đá, các dự án nhà ở cho người nghèo.

Năm 1982, Escobar tham gia chính trường, được bầu làm nghị sĩ trong Quốc hội Colombia. Tuy nhiên, hai năm sau đó, bộ trưởng Tư pháp Colombia đã vạch trần tội ác của Escobar và góp phần hất cẳng ông trùm này ra khỏi nghị trường. Để trả đũa, Escobar đã thuê người ám sát đẫm máu vị bộ trưởng này.

Trong một lần đối mặt với các nhà chức trách, Escobar và đồng bọn bị lộ khi chuyển ma tuý từ Ecuador. Ông trùm này đã ra lệnh sát hại toàn bộ sĩ quan cảnh sát bắt ông. Tuy nhiên, vụ này sau đó bị bãi án.

Việc bắt giữ trùm ma tuý và buộc ông chịu án là một trong những thách thức rất lớn đối với chính quyền Colombia đương thời. Vì mỗi lần Colombia nỗ lực bắt giữ Escobar là ông trùm này lại mua chuộc, hoặc thậm chí ám sát các quan chức có thẩm quyền.

Không chỉ có Colombia, chính quyền Mỹ khi đó cũng muốn bắt Escobar quy án để ngăn dòng ma tuý chảy vào đất Mỹ. Mỹ thậm chí đã cử lực lượng biệt kích JSOC tham gia huấn luyện cho đội ‘Search Bloc’ của Colombia chịu trách nhiệm săn lùng Escobar.

Bản thân Escobar cũng biết là mình bị theo dõi, nên ông luôn hạn chế liên lạc, thường chỉ trao đổi rất ngắn qua điện thoại và tìm cách đánh lạc hướng những kẻ ‘bám đuôi’. Đồng thời, ông cũng dùng mọi khả năng và quyền hạn, thậm chí cả khủng bố, để tránh bị trục xuất sang Mỹ.

Năm 1992, luật sư của Escobar đã ra một đề xuất với chính phủ Colombia. Theo đó, Escobar chấp nhận ‘ngồi tù’ 5 năm, nhưng phải trong chính nhà tù do ông thiết kế. Đổi lại, Colombia sẽ không giao nộp Escobar cho Mỹ.

Gọi là giao nộp tự do cho chính quyền, nhưng Escobar đã xây dựng cho mình một nhà tù như khách sạn nghỉ dưỡng. Nhà tù La Catedral mà Escobar ‘bị giam lỏng’ còn có thác nước, quầy rượu, phòng tắm có bồn sục và cả sân đá bóng.

Escobar còn được tự chọn người quản tù. Cũng tại ‘nhà tù’ này, Escobar hoàn toàn kiểm soát công việc kinh doanh qua điện thoại và điều hành mọi việc từ xa.

Mọi việc tạm êm đẹp cho tới khi Escobar đã ra lệnh bắt giữ và ‘thanh trừng’ các thành viên không trung thành khi điều họ tới nhà tù La Catedral. Sự việc này khiến các nhà chức trách Colombia không chấp nhận nổi, họ buộc Escobar phải chuyển đến nhà tù dành cho mọi phạm nhân thông thường.

Sợ bị giao nộp cho Mỹ nên trùm ma tuý này đã tìm cách đào thoát và lẩn trốn.

Các lực lượng truy đuổi – gồm một bên là lực lượng cảnh sát Colombia với sự trợ giúp của biệt kích Mỹ, và bên kia là các kẻ thù của Escobar – không thể lần ra dấu vết của Escobar cho tới ngày 2/12/1993. Khi đó, Escobar đã nói chuyện qua điện thoại với con trai tới 6 phút, thay vì chỉ 20 giây như mọi khi. Bằng thiết bị theo dõi qua điện thoại mà Mỹ cung cấp, cảnh sát Colombia đã phát hiện ra Escobar lẩn trốn ở một ngôi nhà hai tầng ở Medellin.

Một cuộc đấu súng nổ ra giữa hai bên, Escobar và vệ sĩ bị bắn hạ. Escobar trúng ba viên đạn, một vào chân, một vào người và một viên chí mạng bắn vào tai.

Có rất nhiều tin đồn quanh viên đạn vào đầu Escobar. Người nói rằng Escobar đã tự sát, người khác nói viên đạn do cảnh sát Colombia bắn, thậm chí có tin cho rằng đặc nhiệm Mỹ đã bắn phát súng này. Mặc dù vậy, Tư lệnh đội Delta của Mỹ tham gia hỗ trợ cảnh sát Colombia sau này lên tiếng rằng người của ông không hề bóp cò khi Escobar bị trúng đạn.

Tập đoàn Medellin tan rã ngay sau cái chết của ông trùm Escobar.

Lê Thu