Nữ luật sư thương mại 45 tuổi gốc Iran này còn là một nhà kinh tế học. Bà đã chuyển từ lĩnh vực thủy hải sản sang lĩnh vực gai góc hơn là cuộc chiến thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Người phụ nữ được đánh giá là mang quan điểm diều hâu này đang đóng vai trò lớn trong việc triển khai chương trình hành động kinh tế quyết liệt của chính quyền Trump.

Bà Nikakhtar đang là Vụ trưởng tạm quyền của Vụ công nghiệp và an ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ và sắp được bổ nhiệm chính thức, trong bối cảnh Vụ này đang đóng vai trò quan trọng trong các bước đi của ông Trump nhằm tăng cường kiểm soát nhập khẩu.

Vừa qua, ông Trump đưa hãng viễn thông Trung Quốc Huawei vào danh sách kiểm soát xuất khẩu đặc biệt để ngăn các công ty Mỹ bán thiết bị hoặc dịch vụ cho hãng này khi không có giấy phép. Thêm nhiều hãng công nghệ khác của Trung Quốc dự kiến sớm chịu chung số phận.

Dù quyết định đó được quyết định bởi ông Trump, bà Nikakhtar là người giám sát việc thực thi. Những người hiểu quan điểm của người phụ nữ này cho biết bà không ngần ngại cảnh báo các doanh nghiệp Mỹ về mối đe dọa khi mở rộng quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Và họ nói rằng bà Nikakhtar ủng hộ việc tách biệt hai nền kinh tế hơn là thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn.

“Không nghi ngờ gì việc bà ấy là người có quan điểm diều hâu. Bà ấy tin rằng đã có quá nhiều phần của chuỗi cung ứng bị chuyển sang Trung Quốc, và dù có theo đuổi lợi ích riêng hay không thì các công ty Mỹ phải ưu tiên lợi ích quốc gia”, Financial Times dẫn lời một người hiểu bà Nikakhtar.

Đối với một số người, quan điểm này khiến bà Nikakhtar tương đồng với ông Peter Navarro, quan chức phụ trách chính sách công nghiệp của Nhà Trắng và là tác giả cuốn sách Death by China (Tựa tiếng Việt: Chết dưới tay Trung Quốc).

Những người khác cho rằng kinh nghiệm luật sư khiến bà cùng nhóm với ông Robert Lighthizer, đại diện thương mại Mỹ và là trưởng đoàn đàm phán với Bắc Kinh.

Việc bà Nikakhtar nhanh chóng được bổ nhiệm vào vị trí quan trọng trong chính quyền Mỹ gây lo lắng cho một số nhà vận động hành lang và chuyên gia kiểm soát xuất khẩu khi họ muốn một sự linh hoạt và thực dụng để tránh khiến các công ty Mỹ hứng tác động dội lại.

“Tôi nghĩ sẽ có một sự lo ngại ngày càng lớn trong cộng đồng doanh nghiệp về bà ấy”, Financial Times dẫn lời một cựu quan chức cấp cao trong Bộ Thương mại Mỹ.

Các hãng công nghệ Mỹ lo biện pháp kiểm soát nhập khẩu không chỉ khiến họ mất hàng tỷ doanh thu từ thị trường Trung Quốc mà còn cản trở đổi mới sáng tạo của Mỹ về lâu dài khi ngăn doanh nghiệp Mỹ tiếp cận hoạt động nghiên cứu và phát triển ở Trung Quốc.

Một quan chức của Bộ Thương mại Mỹ nói rằng bà Nikakhtar “quan ngại về Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào gây đe dọa đáng kể cho an ninh quốc gia của Mỹ”. Bà cũng “nhiều lần giải thích với giới doanh nghiệp Mỹ rằng sự lãnh đạo về công nghệ đồng nghĩa với an ninh quốc gia”. Mới tuần trước, bà Nikakhtar thảo luận quyết liệt với các doanh nghiệp Mỹ về “các vấn đề liên quan”, trong đó có Huawei, vị quan chức cho biết.

Một trong những khó khăn trong đánh giá quan điểm bà Nikakhtar là bà ít khi phát biểu công khai kể từ khi tham gia chính quyền. Bà Nikakhtar cũng từ chối đề nghị phỏng vấn.

Nhưng có thể phán đoán lối suy nghĩ của quan chức này thông qua một buổi điều trần tại quốc hội vào cuối năm 2017. Khi đó, bà Nikakhtar phàn nàn rằng “sự cam kết về thương mại tự do và công bằng của Mỹ” không phải lúc nào cũng có đi có lại, tương tự như cách nói của ông Trump.

Bà Nikakhtar cũng nói về chuyện bà chuyển từ Iran sang Mỹ vào năm 1979, năm bà 6 tuổi, trong bối cảnh cách mạng Iran. “Khi lớn lên tôi hiểu rằng tôi muốn trở thành một phần của sự phát triển công nghiệp Mỹ”, bà nói.

Ông Alan Price, người phụ trách mảng thương mại quốc tế tại hãng luật Wiley Rein, nhớ rằng bà Nikakhtar từng là thành viên của nhóm luật sư Mỹ và châu Âu trong các năm 2015 và 2016 để nỗ lực thuyết phục EU không công nhận quy chế thị trường cho Trung Quốc.

Bà Nikakhtar cũng đóng vai trò chủ chốt trong việc soạn thảo một báo cáo mật trình lên Tổng thống Trump vào tháng 2 năm nay, trong đó coi các mặt hàng xe hơi nhập khẩu là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Đánh giá này tạo nền tảng pháp lý để Mỹ tăng thuế lên các đồng minh, bao gồm EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Phản ứng trước đánh giá này, Toyoto, doanh nghiệp có nhiều hoạt động sản xuất tại Mỹ, gần đây đáp lại: “Các hoạt động và nhân viên của chúng tôi đóng góp đáng kể cho lối sống và nền kinh tế của Mỹ, và không phải mối đe dọa an ninh quốc gia”.

Trong thời gian còn làm trong doanh nghiệp tư nhân, khách hàng của bà Nikakhtar không chỉ là các nông dân nuôi cá da trơn Mỹ mà còn có nhiều công ty nước ngoài như Samsung và Hyundai. Bà từng là đại diện cho UAE trong vụ Đại diện thương mại Lightizer bảo vệ ngành thép của Mỹ.

Theo Tiền Phong