Qua đường dây điệp báo, lãnh đạo KGB nhận được thông tin là một nhân viên CIA có kinh nghiệm sẽ tới Liên Xô (tất nhiên là với tên tuổi, nghề nghiệp khác) để gặp một điệp viên là công dân Xô-viết. Cuộc gặp sẽ diễn ra tại Leningrad, nhưng việc đảm bảo an ninh sẽ do tổ điệp báo nằm tại Đại sứ quán Mỹ ở Moscow đảm nhiệm.

Danh tính “vị khách” đến từ CIA lập tức được xác định ngay khi người này nhập cảnh ở sân bay Sheremechevo. Việc còn lại là phát hiện điệp viên mà y cần gặp. Để phối hợp công tác truy tìm với cơ quan an ninh địa phương, một trong những cán bộ phản gián nổi tiếng nhất của KGB là Ivanov được cử đi Leningrad. Tuy nhiên, Ivanov đã phạm một sai lầm không thể tha thứ là đã nói cho Oleg Kalugin – lúc bấy giờ là Cục phó KGB Leningrad biết mục đích chuyến công tác.

{keywords}
Oleg Kalugin. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, cũng theo thói quen nghề nghiệp, Ivanov không nói cho Kalugin mọi chi tiết của chiến dịch. Ông không nói rằng “vị khách” cũng đồng thời được một nhóm trinh sát ngoại tuyến đến từ Moscow theo dõi. Và chính nhóm trinh sát này đã chớp được thời điểm hành trình của Kalugin và “vị khách” Mỹ cắt nhau trên một cây cầu qua sông Neva. Hôm sau, “vị khách” trở lại Moscow rồi về luôn Washington mà không gặp gỡ điệp viên của mình. Như vậy, y đã được báo động.

Sự việc xảy ra vào ngày thứ Năm, mà theo thông lệ của CIA, vào thứ Năm các tuần tiếp theo, Kalugin cần phải khẳng định “tín hiệu báo động” đã đưa ra cho “vị khách” để từ chối gặp gỡ. Biết rõ thói quen làm việc theo khuôn mẫu của CIA, Ivanov ngay lập tức ra lệnh chuyển nhóm trinh sát ngoại tuyến Moscow sang theo dõi Kalugin.

Và cũng ngay lập tức có kết quả. Vào thứ Năm tuần sau đó, trong một rạp hát đã xác định được “cuộc tiếp xúc từ xa” giữa Kalugin với một điệp viên Mỹ mà KGB biết rõ. Đó là điệp viên của tổ điệp báo CIA hoạt động dưới vỏ bọc nhân viên Tổng lãnh sự Mỹ tại Leningrad.

Kalugin bằng một cử chỉ tay có vẻ vô tình đã một lần nữa ra tín hiệu báo động cho người Mỹ, thông báo rằng (họ) có thể đã rơi vào tầm ngắm của phản gián Liên Xô. Việc tiếp theo là phải đợi xem bằng cách nào tình báo Mỹ thông báo “ngược” cho Kalugin rằng họ đã hiểu tín hiệu của về mối nguy hiểm gặp gỡ trực tiếp trên lãnh thổ Liên Xô.

Vào 2 ngày thứ Năm tiếp theo, một nữ điệp viên trong tổ điệp báo CIA ở Leningrad đỗ xe vào cùng một giờ trong tầm nhìn trước cửa sổ phòng Kalugin. Động thái này cũng không qua được con mắt của nhóm trinh sát ngoại tuyến. Các đầu mối bắt đầu được khớp với nhau.

Vào cuối những năm 1970, Kalugin được cử đi công tác Praha, Tiệp Khắc. Tại đây, anh ta có nhiệm vụ cố vấn cho các đồng nghiệp Tiệp Khắc xử lí tình huống một nhân viên CIA tự nguyện làm việc cho phản gián Tiệp Khắc. Kalugin đã “cố vấn” cho các bạn Tiệp Khắc không tiếp xúc với điệp viên này.

Sau này, anh chàng người Mỹ đó bị bắt và kết án tù tại Mỹ. Kết luận của phản gián Tiệp Khắc là ai đó – rất có thể chính là Kalugin đã “bán” điệp viên đó cho CIA. Mặc dù không tìm ra chứng cứ trực tiếp về sự phản bội của Kalugin, người ta cũng đưa anh ta về làm Phó cục trưởng KGB Leningrad. Và bây giờ sai lầm của Ivanov làm Kalugin hoảng sợ tới mức y cũng bắt đầu phạm các lỗi không thể tha thứ đối với một tình báo viên chuyên nghiệp.

Kalugin đã không tính đến chuyện nhân viên tình báo Mỹ đang bị các trinh sát viên ngoại tuyến đến từ Moscow theo dõi, bám sát, nên đã đánh tín hiệu báo động cho nhân vật này. Do vậy bản thân ông ta cũng lọt vào tầm ngắm của các trinh sát viên. Kết luận quá dễ dàng: Nhân viên người Mỹ tới Leningrad không để gặp ai khác, ngoài Kalugin.

Chẳng bao lâu sau, Kalugin lại phạm sai lầm thứ hai khi tiếp xúc với “cựu đồng môn” ở Đại học Columbia Yacovlev – người cũng như Kalugin đã bị CIA mua chuộc, tuyển mộ từ năm 1959, khi hai vị này được cử sang thực tập tại Đại học Columbia trong chương trình trao đổi sinh viên đầu tiên giữa Liên Xô và Mỹ.

Thực ra, đến thời điểm đó, KGB đã coi Yacovlev là điệp viên ảnh hưởng cỡ bự của CIA, nhưng do ông này đã ngồi ở vị trí quá cao (Uỷ viên Bộ Chính trị) và lại được Gorbachov che chở, nên KGB không thể xử lí được. Tuy nhiên, với việc hai người bạn học “vô tình” gặp nhau sau những gì xảy ra ở Leningrad, đã có đủ cơ sở khẳng định rằng cán bộ cao cấp KGB Kalugin đã bán mình. Kalugin ngay lập tức bị loại khỏi ngành tình báo và chờ ngày truy cứu.

Đáng tiếc, đó chính là thời điểm Liên Xô tan vỡ. Bản thân KGB bị các thế lực “dân chủ”, “cấp tiến” do CIA giật dây khiêu khích, tấn công, và một trong những nhân vật được các thế lực này sử dụng chính là Kalugin. Để được lọt vào hàng ngũ “những người cải cách”, Kalugin đã vu khống cơ quan và các đồng nghiệp cũ của mình.

CIA đã cho phép Kalugin nhập cảnh vào nước Mỹ để y có điều kiện chống phá đất nước mình mạnh mẽ hơn. Tháng 6/2003, Kalugin bị toà hình sự thuộc Toà án tối cao Nga xét xử vắng mặt với tội danh phản bội Tổ quốc và tuyên cáo 15 năm tù giam.

Nguyên Phong