Theo hãng tin RT, thông tin mà ông Yutaka Katada - Chủ tịch hãng vận tải biển Kokuka Sangyo, đơn vị vận hành tàu Kokuka Courageous - vừa đưa ra là trái ngược với kết luận của Mỹ rằng con tàu bị hư hỏng do trúng mìn hải quân.

{keywords}
Ảnh: Reuters 

Yutaka Katada nói với các phóng viên rằng thủy thủ trên boong tàu Kokuka Courageous đã tận mắt thấy "các vật thể bay" trước vụ tấn công khiến tàu bốc cháy và hư hỏng nặng. Con tàu bị tấn công hai lần, lần đầu gần phòng máy và lần hai vào mạn phải.

Ông Katada nhận định các vật thể bay đó có thể là đạn, và cho rằng thông tin về một vụ tấn công bằng mìn là "sai". Cả hai điểm con tàu bị hư hại đều là trên mực nước, nên không thể do trúng mìn ngầm.

Ông Katada cho biết thêm, hãng Kokuka Sangyo sẽ đánh giá toàn bộ thiệt hại đối với Kokuka Courageous nhưng nhiều khả năng tàu sẽ không bị chìm.

Ngày 13/6, Kokuka Courageous bị tấn công khi đang chạy qua Vịnh Oman trong hành trình chở dầu tới Singapore và Thái Lan. Toàn bộ 21 thành viên thủy thủ đoàn đã được một tàu Iran cứu. Sau đó, với sự hỗ trợ của quân đội Mỹ, họ đã trở lại tàu.

Trước đó cùng ngày, tàu chở dầu Front Altair của công ty vận tải Na Uy cũng bốc cháy vì bị tấn công khi đang hành trình từ Qatar đi Đài Loan (Trung Quốc).

{keywords}
Ảnh: Reuters

Trong khi nhiều chi tiết vẫn còn chưa sáng tỏ, Mỹ lên tiếng cho rằng Iran phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công tàu Kokuka Courageous. Quân đội Mỹ tung ra một video đen trắng ghi cảnh mà họ cho là các thủy thủ Iran dỡ mìn khỏi sườn tàu.

Ngay cùng ngày, Tổng thống Iran Hassan Rouhani lên án Mỹ đe dọa nghiêm trọng sự ổn định toàn cầu. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải diễn ra tại thủ đô Bishkek của Kyrgystan, ông Rouhani nói: "Chính phủ Mỹ trong 2 năm qua đang vi phạm toàn bộ các quy định và cơ cấu quốc tế, sử dụng các nguồn lực kinh tế, tài chính và quân sự, theo đuổi cách tiếp cận hiếu chiến và đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho sự ổn định trong khu vực và trên thế giới".

Ông chỉ trích Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 mà nước Cộng hòa Hồi giáo ký với nhóm P5+1 gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức. Ông tố chính quyền Trump đang gây áp lực đối với các bên và nhiều nước khác, vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về bình thường hóa các tiếp xúc thương mại với Tehran.

Trước tình hình căng thẳng tại Vùng Vịnh, Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan giải quyết thích đáng mâu thuẫn thông qua đối thoại và tham vấn. Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) cho rằng 2 vụ tấn công là một diễn biến đáng lo ngại và đánh dấu sự leo thang nghiêm trọng, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động nhằm duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực.

Thanh Hảo