Cả Mỹ và Brazil đều chứng kiến số ca nhiễm mới và tử vong tăng mạnh trong 24 giờ qua. Cụ thể, nước Mỹ đã ghi nhận thêm 19.267 ca nhiễm mới và 1.297 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm bệnh và tử vong do Covid-19 ở nước này lên lần lượt là 1.589.850 và 94.830. Mỹ tiếp tục là vùng dịch lớn nhất trên thế giới.

Trong khi đó, Brazil trong 24 giờ qua đã ghi nhận tới 19.694 ca nhiễm mới và 876 ca tử vong. Hiện Brazil đã vượt qua Tây Ban Nha, trở thành vùng dịch lớn thứ ba trên thế giới, với tổng số người nhiễm dịch Covid-19 là 291.579 trường hợp, trong đó bao gồm 18.859 ca đã tử vong.

{keywords}
Ảnh: Reuters

Mặc dù là vùng dịch lớn thứ hai thế giới, nhưng trong 24 giờ qua, Nga chứng kiến mức tăng thấp hơn nhiều so với hai quốc gia trên cả về số ca nhiễm mới và số ca tử vong. Hiện Nga đang có tổng số người nhiễm bệnh là 308.705, tăng 8.764 ca. Số ca tử vong của nước này hiện đứng ở mức 2.972 người, tăng 135 trường hợp.

Những quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới tăng ở mức 4 con số trong 24 giờ qua, còn có Ấn Độ với 5.553 ca, Peru với 4.537 ca, Chile với 4.038 ca, Ảrập Xê-út với 2.691 ca, Iran với 2.346 ca, Pakistan với 1.932 ca, Qatar 1.491 ca.

Phần lớn các quốc gia châu Âu có số ca nhiễm mới tăng thấp. Tây Ban Nha, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, hiện có tổng số 279.524 ca nhiễm, tăng 721 ca. Pháp hiện có tổng số 181.575 người nhiễm bệnh, tăng 766 ca. Tổng số ca nhiễm tại Italia đang là 227.364 người, tăng thêm 665 trường hợp trong vòng 24 giờ qua.

Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore tiếp tục là vùng dịch lớn nhất trong khu vực, khi chứng kiến số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua tăng thêm 570 người, đưa tổng số người nhiễm dịch Covid-19 ở quốc gia này lên 29.364 trường hợp.

Vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á là Indonesia. Nước này ghi nhận thêm 693 ca nhiễm mới và 21 ca tử vong. Hiện tổng số trường hợp nhiễm bệnh Covid-19 của Indonesia là 19.189 người, trong đó bao gồm 1.242 người đã thiệt mạng.

Hôm 20/5, Indonesia đã ra mắt một thiết bị y tế, hỗ trợ nỗ lực chống dịch. Từng bộ phận của thiết bị, gồm bộ kit xét nghiệm chẩn đoán nhanh, bộ kit phản ứng chuỗi (PCR) và trí tuệ nhân tạo (AI), để phân loại bệnh nhân Covid-19 đều do tập đoàn nghiên cứu Covid-19 của Bộ Nghiên cứu và công nghệ tự chế tạo ra.

Cùng ngày, Campuchia cho biết đã bỏ lệnh cấm nhập cảnh với du khách từ Italia, Iran, Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Mỹ. Tuy nhiên, du khách vẫn phải có chứng nhận không nhiễm virus corona chủng mới trong 72 giờ trước khi nhập cảnh và phải chứng minh có bảo hiểm y tế trị giá 50.000USD trong thời gian lưu trú ở Campuchia.

Họ cũng sẽ phải cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh tại khu vực được chính phủ chỉ định và phải thực hiện việc xét nghiệm virus gây bệnh. Theo thông báo từ Bộ Y tế Campuchia, bệnh nhân Covid-19 cuối cùng ở nước này đã được xuất viện vào ngày 16/5 vừa qua, và kể từ đó nước này không có ca nhiễm nào.

Cũng trong ngày 20/5, Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội vùng Chubu cho hay, dịch Covid-19 có thể khiến Nhật Bản bị mất tới 3,01 triệu việc làm trong năm tài khóa 2020 và tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới còn nghiêm trọng hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008-2009.

Theo viện trên, trong kịch bản xấu nhất với giả định đến cuối 2020 Nhật mới có thể khống chế được dịch bệnh, nước này có thể chứng kiến lực lượng lao động trong nước giảm khoảng 4,5% so với năm 2019. Nếu như cuộc khủng hoảng 2009 chủ yếu tác động tới ngành sản xuất, thì Covid-19 tác động tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế.

Thống kê trên trang Worldometers cho thấy, Nhật Bản hiện có tổng số ca nhiễm Covid-19 là 16.367 trường hợp, trong đó bao gồm 768 ca tử vong.

Dương Lâm