Theo tờ Guardian, viễn cảnh một cuộc chiến khí đốt mới giữa Nga và Ukraina trở nên gần hơn vào cuối tuần qua, khi Kiev nói sẽ không trả tiền khí đốt với mức giá mới cao hơn mà hãng Gazprom của Nga đề ra.


{keywords}

Nga từng ngừng cấp khí đốt cho Ukraina hai lần vào năm 2006 và 2009.

Tại Kiev, Thủ tướng tạm quyền Arseniy Yatsenyuk nói với nội các rằng, mức giá này quá bất công và Ukraina sẽ không trả tiền.  

"Nga không thể chiếm Ukraina bằng hành động quân sự, nên giờ đây họ đang theo đuổi một kế hoạch để gây sức ép và chiếm Ukraina thông qua vấn đề kinh tế và khí đốt" - ông Yatsenyuk cáo buộc.

Ông này nói rằng, Ukraina có thể tiếp tục mua khí đốt với 'mức giá thị trường có thể chấp nhận được", tức là 268USD cho mỗi 1.000m3 khí đốt. Nếu không được ưu đãi, Kiev sẽ phải mua khí đốt của Nga với mức giá vào khoảng 400USD/1.000m3.

Tuần trước, Nga đưa ra mức giá khí đốt mới cho Ukraina, cụ thể là 485,5USD cho mỗi 1.000m3 khí đốt.

Hiện vẫn chưa rõ Moscow sẽ phản ứng thế nào khi Ukraina từ chối trả tiền cho giá khí đốt mà Nga mới ấn định.

Giám đốc điều hành của Gazprom, ông Alexei Miller cho biết, hãng này ‘chưa nhận được một đồng nào’ từ Ukraina cho lượng khí đốt bán từ hồi tháng 3. Do đó mức giá ưu đãi đã tự động bị hủy.

Kiev sẽ phải trả Moscow tiền mua khí đốt với mức giá không được ưu đãi từ quý hai của năm 2014.

Ông Miller cũng nói thêm rằng, Ukraina đã tiết kiệm được rất nhiều tiền mua khí đốt của Nga nhờ kéo dài thỏa thuận Kharkov mà đổi lại, Nga kéo dài thời hạn đồn trú Hạm đội Biển Đen tại Crưm.

Thỏa thuận này ký năm 2010, kéo dài thời hạn thuê căn cứ hải quân từ năm 2017 tới năm 2042, nhưng nay do Crưm sáp nhập vào Nga nên Tổng thống Putin đã hủy bỏ các thỏa thuận trên.

Ông Miller nói rằng, vì mức giá khí đốt rẻ là một ‘khoản giảm giá trước’ để thuê căn cứ trong tương lai, mà điều khoản này không còn tồn tại nữa, nên Ukraina phải trả một khoản nợ dồn là 11 tỉ USD cho Nga.

Còn Ukraina nói rằng, họ chỉ nợ Nga có 2,2 tỉ USD, và đang lên kế hoạch trả tiền.

Giá khí đốt từ lâu vẫn là vấn đề gai góc giữa Nga và Ukraina. Châu Âu cáo buộc Nga đã sử dụng lợi thế là nguồn cung năng lượng làm vũ khí chính trị.

Trước đó, Nga từng ngừng cấp khí đốt cho Ukraina hai lần vào năm 2006 và 2009.

Lần đối đầu năm 2006, Gazprom đã buộc tội Ukraina rút khí đốt trong đường ống dẫn của Nga sang châu Âu để phục vụ nhu cầu trong nước.

Còn năm 2009, Nga đã cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt đi qua Ukraina khiến các thị trường châu Âu thiếu khí đốt trong giữa mùa đông.

Viễn cảnh về một lần cắt khí đốt tương tự như vậy đã khiến các thị trường chao đảo, dù rằng các hệ quả có thể xảy ra cho phần còn lại của châu Âu không nghiêm trọng như những lần trước.

“Kể từ năm 2009, các đường ống dẫn khí từ Nga sang châu Âu đã được xây mới mà không cần đi qua đất Ukraina, và giờ cung cấp 50% lượng khí đốt từ Nga, so với mức 85% vào năm 2000 và 95% vào giữa những năm 1990” – nhận định của ông Lilit Gevorgyan, nhà kinh tế học tại hãng IHS Global Insight.

“Hơn nữa, do mùa đông vừa qua không quá lạnh nên Liên minh châu Âu đã trữ đủ số khí đốt để ứng phó với mọi việc cắt nguồn cung” – ông Gevorgyan nói thêm.

Bên cạnh đó, mùa sử dụng khí đốt cao điểm đã qua, điều này cũng có nghĩa là châu Âu không đối mặt với nguy cơ chịu lạnh mà không đủ nguồn cung năng lượng.

Bản thân hãng Gazprom cũng không muốn làm tổn hại hình ảnh của mình với tư cách là một nguồn cung uy tín, cho dù bất kể mục tiêu của Kremlin là gì.

“Tuy vậy, nếu như Ukraina bị cắt nguồn cung khí đốt, thị trường hàng hóa sẽ phản ứng rất tiêu cực” – ông Gevorgyan nhận định.

Lê Thu