Thổ Nhĩ Kỳ giải thích việc bắn hạ chiến cơ Nga ngày 24/11/2015 là do máy bay Nga đã đi vào không phận của Ankara, bất chấp lời cảnh báo.

Theo Daily Beast, sự việc tạo đà cho khả năng đối đầu kiểu chiến tranh Lạnh giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) – thành viên của Khối hiệp ước Bắc Đại tây Dương (NATO).

Ngay sau vụ rơi máy bay, NATO đã triệu tập họp khẩn cấp tại trụ sở chính ở Brussels. Thủ tướng TNK Ahmet Davutoglu biện minh cho vụ bắn hạ này bằng lý do phòng thủ trước sự xâm phạm không phận của máy bay Nga.

Còn Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc TNK ‘đánh lén sau lưng’ và cảnh báo có hậu quả nghiêm trọng đối với quan hệ song phương.

Trong vụ việc này, một vấn đề có thể nhìn thấy rõ là sự không nhất quán trong lý do bắn hạ máy bay Su-24 của Nga vào sáng 24/11 ở tỉnh biên giới Hatay.

{keywords}

Máy bay Su-24 của Nga bị trúng tên lửa hôm 24/11. Ảnh: Anadolu Agency.

TNK nói chiếc Su-24 này xâm phạm không phận và không trả lời 10 cảnh báo đưa ra trong vòng 5 phút, nên TNK điều hai máy bay F-16 và bắn Su-24 bằng tên lửa không đối không.

Phía Nga phản bác lại rằng Su-24 bay ở độ cao 6000m và bị bắn hạ bằng tên lửa đất đối không, và Ankara chỉ cảnh báo trong 17 giây. Thực tế sau đó, chỉ huy phiến quân người Thổ ở Syria nói rằng nhóm của ông đã bắn hạ Su-24 bằng tên lửa đất đối không.

Trước đó vài ngày, các chỉ huy người Thổ ở Syria đã yêu cầu TNK vận chuyển các vũ khí phòng không, có thể chống cự trước các đợt không kích của Nga.

Dù lý do TNK bắn rơi Su-24 của Nga là gì, thì dường như đây chỉ là việc sớm hay muộn sẽ xảy ra bất chấp các nỗ lực của hai bên nhằm cố gắng tránh kể từ khi Nga không kích Syria từ tháng 9.

Nga hậu thuẫn cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và tiến hành không kích giúp củng cố quyền lực của ông này. Nhưng TNK lại phản đối Assad và muốn ông ra đi. TNK đã thể hiện phản đối nhiều lần trong những tháng gần đây, sau khi máy bay Nga băng qua không phận TNK trong các đợt không kích ở bắc Syria, dọc biên giới 900km với TNK.

Daily Beast dẫn lời Ibrahim Karagul - nhà báo TNK thân với chính phủ cho hay, Ankara không sẵn sàng chấp nhận ‘sự có mặt của Nga và Iran’ ở Syria. Iran là đồng minh của Assad.

Nga lấy danh nghĩa không kích phiến quân ‘Nhà nước Hồi giáo’ tự xưng (IS) ở Syria, kết hợp với không quân Syria tăng cường tấn công ở các ngôi làng người Thổ và phiến quân trong khu vực Hatay, khiến người tị nạn đổ sang biên giới TNK.

Thủ tướng TNK lên tiếng phản ứng rằng tại khu vực người Thổ trên không có IS. Báo chí trong nước nói rằng các đợt tấn công này của Nga –Syria có thể nhằm tạo thế mạnh trước các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Syria và phe đối lập trong vài tuần tới. Theo cuộc họp giữa các lãnh đạo thế giới tại Vienna tháng này, một cuộc bầu cử mới sẽ diễn ra tại Syria trong vòng 18 tháng kế tiếp.

Phía TNK cho rằng các cuộc tấn công ở biên giới của họ cho thấy Nga – Syria có thể đang muốn giành lại tỉnh Idlib vốn rơi vào tay phe nổi dậy trong năm nay, và giờ chủ yếu đang do liên minh quân nổi dậy chiếm giữ (trong đó có cả Mặt trận al Nusra – một nhánh của Al Qaeda).

Lựa chọn đối đầu trực tiếp với Nga là một quyết định đầy rủi ro cho TNK khi mà Ankara phụ thuộc nặng nề vào khí đốt của Nga. Nếu Moscow trả đũa vụ này, nhà khoa học chính trị Sedat Laciner nhận định rằng ‘mọi chuyện sẽ rất tệ’ cho TNK.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hủy chuyến công du tới TNK đáng ra vào hôm 25/11 và kêu gọi các du khách Nga tránh xa TNK – một động thái được cho là sẽ gây thiệt hại nặng cho ngành công nghiệp du lịch TNK.

RT đưa tin, ngay sau vụ bắn hạ máy bay Nga, điện Kremlin đã triển khai tên lửa hành trình dọc bờ biển Syria và lệnh phá hủy mọi mục tiêu gây nguy hiểm. Đồng thời, mọi liên lạc về quân sự Nga – TNK đều bị ngừng lại.

Tuy vậy, các chuyên gia phân tích nhận định rằng dù sẽ có các động thái trả đũa qua lại, nhưng Nga và TNK đều tính đến quan hệ lâu dài.

Howard Eissenstat, phó giáo sư tại Đại học St. Lawrence ở Canton, New York, phỏng đoán rằng dù có va chạm nhưng ‘khó có khả năng Nga hay TNK đang tìm cách leo thang căng thẳng’.

Chuyên gia địa chính trị Ian Bremmer kiến giải: ngoài du lịch, thương mại và quan trọng nhất là năng lượng, ông Putin cũng phải cân nhắc nhiều về vấn đề địa chính trị trong mối quan hệ với TNK.

“Ông Putin không hề muốn tạo thêm đối kháng với NATO vì ông ấy hiện đang có nhiều tiến triển với phía châu Âu – đặc biệt là với Pháp – nhằm quay lưng lại với việc phương Tây do Mỹ dẫn đầu ‘cô lập’ Nga’ – Business Insider dẫn lời ông Bremmer.

 

Lê Thu