Truyền hình Nga cho hay Hạ viện Nga (Duma Quốc gia) đã bỏ phiếu để bãi bỏ các thỏa thuận giữa Nga và Ukraina về Hạm đội Biển Đen.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Duma Quốc gia loại bỏ tổng cộng bốn thỏa thuận về tình trạng của căn cứ hải quân tại thành phố Sevastopol. Trong đó có bao gồm thỏa thuận năm 1997 và giữa Moscow và Kiev, mà theo đó, Nga chính thức nhận lại một phần hạm đội Biển Đen của Liên Xô và bắt đầu thuê căn cứ hải quân Sevastopol của Ukraina, cũng như thỏa thuận 2010 kéo dài thời gian thuê căn cứ tới năm 2042, với phương án kéo dài thời gian thêm 5 năm nữa.

{keywords}
Hạm đội Biển Đen của Nga tại Sevastopol.

Nay các nghị sĩ Nga quyết định việc Crưm sáp nhập Nga đã kết thúc thỏa thuận trên, nên Nga không phải trả tiền thuê căn cứ.

Có tất cả 443 phiếu thông qua trên tổng số 450 nghị sĩ bỏ phiếu cho động thái này. Trong ngày hôm nay, Hội đồng Liên bang Nga sẽ bỏ phiếu về vấn đề này, sau đó luật sẽ đi vào hiệu lực nếu như được thông qua.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây dương hôm nay đã quyết định về các biện pháp củng cố quan hệ với các quốc gia Đông Âu vốn đang lo ngại về việc  Nga sáp nhập Crưm, và tìm cách tăng cường lực lượng quốc phòng Ukraina.

Hãng tin Reuters cho biết 28 ngoại trưởng NATO sẽ lựa chọn các phương án, từ việc tăng cường tập trận và gửi thêm quân tới các quốc gia thành viên ở Đông Âu, cho tới việc đóng căn cứ thường trực của liên minh này tại đây.

Một quan chức ngoại giao cấp cao của NATO cho hay cuộc khủng hoảng tại Crưm có thể dẫn tới việc thảo luận đóng quân thường trực tại các quốc gia Đông Âu. Trong mắt Nga thì biện pháp này có thể bị coi là gây hấn.

Trước đó, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho biết Mỹ có thể tăng cường triển khai tạm thời các lực lượng bộ binh và hải quân tới các đồng minh NATO tại Đông Âu.

Các lược lượng của Mỹ tại châu Âu đã rút dần từ 300.000 người trong những năm cuối Chiến tranh Lạnh, xuống còn 100.000 người vào năm 2005.

Trong năm 2014, con số này ước tính vào khoảng 80.000 người.

Về khoản viện trợ 1 tỉ USD mà Quốc hội Mỹ thông qua để chuyển cho Ukraina, cựu Nghị sĩ Ron Paul đã có bài viết chỉ trích mạnh mẽ động thái này, coi đây là một việc làm rất dở cho cả người đóng thuế tại Mỹ cũng như công dân Ukraina.

Trong bài viết, cựu ứng viên Tổng thống Mỹ nói rằng khoản viện trợ này sẽ đặt Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chịu trách nhiệm cho nền kinh tế Ukraina, dùng tiền để ‘thúc đẩy dân chủ’ một cách vô ích và cộng thêm là các lệnh trừng phạt với Nga.

Ông cũng cáo buộc chính quyền Mỹ đã cố tình phớt lờ vai trò của mình trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Đông Âu.

Cựu Nghị sĩ Mỹ cũng phân tích rằng kế hoạch kinh tế mà IMF phác thảo nên sẽ làm tăng giá năng lượng và thuế tại Ukraina, cũng như làm giảm lương và khiến cuộc sống người dân bình thường ở Ukraina thêm khó khăn.

“Khoản tiền 1 tỉ USD này dành cho Ukraina không chỉ là một khoản thâm hụt với người đóng thuế tại Mỹ, mà còn rất tệ đối với người Ukraina. Chẳng có bất kỳ người Ukraina nào nhìn thấy một xu từ số tiền này, vì nó sẽ được dùng để cứu trợ tài chính cho các ngân hàng quốc tế hiện đang giữ số nợ của chính phủ Ukraina” – ông Ron Paul phân tích.

Lê Thu