Hôm 25/8, các cổ phiếu ở Trung Quốc tiếp tục rớt giá, một ngày sau cú lao dốc tồi tệ nhất kể từ năm 2007.

TIN BÀI KHÁC:


BBC cho biết, tình trạng lao dốc của các cổ phiếu Trung Quốc đã kéo theo sự tụt giảm của nhiều thị trường chứng khoán khắp châu Á, châu Âu và Mỹ. 

{keywords}
Những người mượn tiền để mua cổ phiếu ở Trung Quốc trong thời gian gần đây đang chịu thiệt hại nặng nề. (Ảnh: TIME)

Đi tìm một nguyên nhân?

Câu chuyện lớn hơn là nền kinh tế của Trung Quốc đang phát triển chậm dần. Hiện nhiều người còn quan ngại rằng, sự dịch chuyển theo hướng tỷ lệ tăng trưởng chậm hơn và bền vững hơn có thể sẽ bị phá vỡ. 

Nhiều người cũng lo ngại về sự bùng nổ về thị trường chứng khoán ở Trung Quốc thời gian qua khiến tình trạng mua cổ phiếu bằng tiền đi vay tăng mạnh. Chỉ số chứng khoán Thượng Hải đã tăng hơn hai lần trong 12 tháng cho đến giữa tháng 6 vừa qua. Do đó, khi thị trường suy giảm, nhiều nhà đầu tư vội vã bán cổ phiếu đi để trả nợ, khiến cho tình hình càng trở nên tồi tệ.

Thông thường có một yếu tố cụ thể lái giá cổ phiếu xuống mức thấp hơn trong một khoảng thời gian nhất định. Lần này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không đưa ra biện pháp nào để khuyến khích vay mượn thêm, gây thất vọng cho nhiều nhà đầu tư đang mong ngóng. Không hề có kích thích và các cổ phiếu sụt giá, với tốc độ nhanh chóng. 

Ảnh hưởng tới thế giới?

Theo BBC, tác động tài chính trực tiếp của việc chứng khoán Trung Quốc tụt giảm là khá ít. Không có đủ lượng đầu tư nước ngoài ở thị trường Trung Quốc để nó có thể biến thành một vấn đề lớn. Hãng tư vấn Capital Economics (trụ sở ở London) cho biết, người nước ngoài sở hữu chỉ khoảng 2% số lượng các cổ phiếu ở Trung Quốc.

Điều đang được quan tâm là liệu thực trạng hiện nay có phơi bày các vấn đề nghiêm trọng hơn về sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc. Câu hỏi về "cú hạ cánh đau đớn" của nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng trở nên rõ nét, khi thị trường tài chính Trung Quốc hỗn loạn.

Trung Quốc giờ đã là một lực lượng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, nên ảnh hưởng với thế giới là điều không thể tránh khỏi. Trung Quốc không chỉ là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, mà còn là nhà xuất khẩu lớn thứ nhì toàn cầu về cả hàng hóa và dịch vụ thương mại.

Không chỉ chứng khoán

Giá cả nhiều loại hàng hóa đã bị ảnh hưởng, điển hình là dầu thô.

Các vấn đề của Trung Quốc đã đẩy giá dầu xuống thấp hơn sau những lần giảm mạnh trong nửa cuối năm ngoái. Giá dầu Brent giảm khoảng 1/3 từ giữa tháng 6, khi thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu trượt dốc.

Trung Quốc là nước mua hàng hóa công nghiệp lớn, nên khả năng các hợp đồng bán với giá thấp hơn trông đợi cho nước này cũng làm giảm giá đồng và nhôm.

Vàng đã tăng giá trong vài tuần qua (mặc dù vẫn thấp hơn lúc chứng khoán Trung Quốc bắt đầu giảm hồi tháng 6). Nhiều người coi vàng là kênh đầu tư an toàn, tránh được cả lạm phát lẫn bất ổn tài chính tổng thể.

Tình trạng các cổ phiếu ở Trung Quốc mất giá còn làm tăng giá trị của một số đồng tiền vốn vẫn được coi là kênh đầu tư an toàn như Yên Nhật và Franc Thụy Sĩ. Đồng đôla Mỹ chắc chắn cũng có tiềm năng bị tác động theo cùng hướng. Nhưng ảnh hưởng trực tiếp là làm cho các nhà đầu tư nghĩ rằng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ có thể sẽ trì hoãn tăng lãi suất vì bất ổn.

Người dân Trung Quốc có bị ảnh hưởng?

Những người mượn tiền để mua cổ phiếu trong những tháng gần đây đang chịu thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, phần lớn người dân Trung Quốc không sở hữu cổ phiếu - tỷ lệ này chỉ ở mức 1/30, theo Capital Economics.

Vì vậy, đối với đa số dân Trung Quốc, vấn đề lớn hơn là về "sức khỏe" của nền kinh tế.

Nếu nước này dịch chuyển êm thấm tới một tốc độ tăng trưởng chậm hơn và bền vững hơn, thì nhiều khả năng tốc độ đó vẫn đủ nhanh để tạo ra các tiêu chuẩn sống tăng cao dành cho hầu hết mọi người. Còn một cú trượt thẳng đứng sẽ đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp thất bại và mất công ăn việc làm.

Biện pháp nào tiếp theo?

Các nhà chức trách Trung Quốc có nhiều lựa chọn để kích thích nền kinh tế, từ đó tác động đến thị trường chứng khoán. Họ có thể sẽ cắt giảm lãi suất, nới lỏng các quy định cho vay của ngân hàng hoặc tăng cường chi tiêu. Họ cũng có thể khuyến khích đồng Nhân dân tệ giảm giá hơn nữa để tăng xuất khẩu.

Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về "sức khỏe" của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, khủng hoảng ở cường quốc kinh tế số 2 thế giới nếu xảy ra chắc chắn sẽ tác động nghiêm trọng đến phần còn lại của thế giới, đặc biệt là các nước và các tập đoàn bán hàng cho Trung Quốc, bởi nước này là một nguồn thu mua lớn các mặt hàng công nghiệp như dầu lửa, đồng và quặng sắt.

Thanh Hảo