Derek Chauvin, người trực tiếp ghì chết Floyd hôm 25/5, bị nâng mức cáo buộc lên hành vi giết người cấp độ hai và phải đối mặt với án tù lên đến 40 năm. Trước đó, Chauvin đã bị truy tố tội giết người cấp độ ba và tội ngộ sát cấp độ hai.

Theo hãng thông tấn Reuters, ba đồng nghiệp của Chauvin, bao gồm Thomas Lane, J. Alexander Kueng và Tou Thao, bị truy tố tội hỗ trợ và tiếp tay cho hành vi giết người ở cấp độ hai, hỗ trợ và tiếp tay cho hành vi ngộ sát.

{keywords}
 

Hàng loạt cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp nước Mỹ trong hơn một tuần qua, nhằm đòi công lý cho Floyd và phản đối nạn phân biệt chủng tộc. Phần lớn các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa, song một số kẻ quá khích đã lợi dụng để cướp phá.

Trong một diễn biến có liên quan, Thủ tướng Boris Johnson hôm 3/6 đã lên án việc cảnh sát Mỹ giết hại George Floyd, song nhà lãnh đạo Anh từ chối bình luận việc liệu ông có đề cập vấn đề này với đồng minh chủ chốt Donald Trump hay không.

“Tôi nghĩ sự việc đã xảy ra tại Mỹ gây kinh sợ, không thể tha thứ được. Tất cả chúng ta đã chứng kiến trên màn hình của chúng ta và tôi hiểu rõ quyền phản đối của con người về việc đã xảy ra”, ông phát biểu với các nghị sĩ tại quốc hội.

“Rõ ràng, tôi cũng cho rằng những cuộc biểu tình nên diễn ra theo một cách hợp pháp và hợp lý”, Thủ tướng Anh nói thêm.

Trước đó một ngày, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush cho rằng đã đến lúc người Mỹ phải nhận ra “sự vi phạm lặp đi lặp lại” quyền lợi của người Mỹ da màu, những người đã không nhận được “phản ứng khẩn cấp và phù hợp từ các tổ chức ở Mỹ”.

Trong một bài viết, Tổng thống thứ 43 của nước Mỹ lưu ý rằng, “việc nhiều người Mỹ gốc Phi, nhất là nam giới người Mỹ gốc Phi trẻ tuổi, bị quấy rối và đe dọa tại chính đất nước của mình, là một sự thất bại không thể chấp nhận được”.

Cũng trong bài phát biểu của mình, ông Bush nói thêm rằng các cuộc biểu tình ôn hòa, khi được bảo vệ bởi lực lượng thực thi pháp luật có trách nhiệm, “sẽ tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn”.

Dương Lâm