Vấn đề khủng hoảng trong việc giải quyết tranh chấp tại WTO đã kéo dài suốt 2 năm qua. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã tìm cách vô hiệu hóa hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO, khi ông cho rằng cơ quan này thường xuyên vượt quá nhiệm vụ của mình, đưa ra những phán quyết không nhất quán, và giải quyết các vụ việc quá lâu.

Với việc Washington ngăn chặn một cách có hệ thống việc bổ nhiệm các thẩm phán mới, và các thẩm phán cũ hết nhiệm kỳ đã khiến bộ phận này của WTO từ bảy thẩm phán năm 2017 sắp xuống còn một người. Và theo quy định, các vụ việc tranh chấp cần được nghe bởi ít nhất ba thẩm phán.

{keywords}
Trụ sở WTO ở Geneva

Hai chuyên gia Jeff Schott và Euijin Jung thuộc Viện Nghiên cứu Peterson hồi tháng 3/2019 cho biết, có tất cả 23 vụ khiếu nại Mỹ nhằm vào Trung Quốc được trình lên WTO phán xử trong 16 năm qua, trong đó Mỹ thắng 19 vụ. Ngược lại, phía Trung Quốc từng đưa 15 vụ khiếu nại Mỹ lên WTO, và chỉ có bốn trong số đó là thắng.

“Bộ phận Tòa Phúc thẩm của WTO dường như rất quan trọng theo một cách hệ thống với các lợi ích của Mỹ. Vậy tại sao lại loại bỏ bộ phận này, chỉ vì nó ảnh hưởng tới 2-5% lượng hàng hóa xuất khẩu của Washington”, chuyên gia Chad Bown thuộc Viện Nghiên cứu Peterson nói.

Chuyên gia David Dodwell thuộc SCMP nhận định, Mỹ dường như tin rằng nước này vẫn sẽ ổn khi không còn cơ quan giải quyết tranh chấp đa phương của WTO. Một phần bởi vì ngày càng nhiều tranh chấp thương mại được tạo ra xung quanh mục 232 về an ninh quốc gia Mỹ, vốn gây nhiều tranh cãi khi áp các mức thuế vào mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu từ năm 2018.

Một nhóm chuyên gia do ông Lighthizer đứng đầu cho rằng, những tranh chấp như vậy không cần phải trình lên WTO, do những điều này về bản chất là ‘không chính đáng’. Theo ông Lighthizer thì những nước khác không có quyền thách thức Washington khi họ đang bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ.

Ngoài ra, những mức thuế trừng phạt đơn phương của Washington cũng ‘miễn nhiễm’ với những thách thức từ WTO, nhất là những khoản thuế áp lên 250 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.

Và dĩ nhiên khi WTO không còn quyền hạn để ngăn chặn các hành động như vậy của Mỹ, thì các đối tác thương mại của Washington sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đơn phương đáp trả. Sẽ có hai phương pháp đáp trả ở đây, một là đồng ý đàm phán song phương, hai là áp thuế đơn phương đánh vào hàng hóa Mỹ. Tất nhiên, WTO được lập ra để ngăn chặn những hành động ‘luật rừng’ như vậy.

{keywords}
Pháp áp thuế lên nhiều đại gia công nghệ Mỹ

Điển hình như hồi tuần trước ở London, khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định rằng ông sẽ áp các mức thuế dịch vụ kỹ thuật số lên các ông lớn công nghệ Mỹ như Amazon, Apple, Google, Facebook. Và việc này sẽ giúp doanh thu thuế hàng năm của Pháp tăng thêm 560 triệu USD.

Washington lập tức bảo vệ các tập đoàn kỹ thuật số của mình, khi cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ đưa ra bản cáo trạng dài 77 trang nhằm vào thuế dịch vụ kỹ thuật số của Paris. Đồng thời, ông Trump đe dọa áp thuế 100% lên nhiều hàng hóa Pháp.

Trên thực tế, đây là đòn ‘dằn mặt’ khoảng 20 quốc gia và vùng lãnh thổ khác đang có ý định áp các mức thuế tương tự lên các gã khổng lồ công nghệ Mỹ.

Ông Dodwell nhận định, chính quyền Washington sẽ mất bao lâu để nhận ra những tranh chấp về thuế kỹ thuật số cần được giải quyết đa phương, và cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO đóng một vai trò rất quan trọng. Và khi tranh chấp song phương xảy ra, lợi ích từ việc giải quyết tranh chấp theo một cách đa phương sẽ trở nên thiết thực hơn.

Tuấn Trần