Tuyên bố dừng phát hành bản in của tờ báo uy tín The Independent không chỉ nhắc nhở về sự ra đi của báo in, mà còn chỉ ra cơn gian nan khốn khó của chính báo điện tử.

Cái kết không thể tránh

{keywords}

Ngày 26/3 tới sẽ là ngày in số báo giấy cuối cùng của tờ Independent, số cuối cùng ra ngày chủ nhật là 20/3.

Tờ báo được tỷ phú từng là điệp viên KGB của Nga - Alexander Lebedev mua lại vào năm 2010, với giá 1 bảng Anh.

Stepenn Glover, đồng sáng lập tờ Independent, nói rằng báo "đang bán được quá ít nên việc in báo hàng ngày thật vô nghĩa". Theo BBC, ở thời kỳ đỉnh cao, tờ báo bán được 428.000 bản/ngày. Còn hiện tại, con số này chỉ gần 28.000 bản.

Thực ra, tuyên bố này đã được chờ đợi từ lâu. Tờ Guardian nhận định, không phải Rupert Murdoch mà chính Internet đã giết chết Independent.

“Rõ ràng là cuộc cách mạng kỹ thuật số đang gặm nhấm dần công nghiệp báo in, chừng nào nó nuốt chửng cả ngành này thì chỉ là vấn đề thời gian mà thôi” – SMH dẫn lời Roy Greenslade, cựu Biên tập viên tờ Daily Mirror.

Lãnh đạo tờ báo - Evgeny Lebedev (con trai của Alexander Lebedev) nói: “Quyết định này nhằm bảo tồn nhãn hiệu của Independent và cho phép chúng tôi tiếp tục đầu tư vào nội dung bài viết chất lượng cao, thu hút nhiều độc giả tới nền tảng trực tuyến của chúng tôi hơn” .

Thực tế, The Independent đã đến với Internet khá muộn, khi cho ra mắt lại website vào năm 2008, nhưng những người chủ sở hữu cũng không đầu tư đúng mức cho các nội dung trực tuyến.

Hiện, truy cập của tờ báo đạt mức trên 2,8 triệu lượt/ngày (số liệu tháng 12/2015), thấp hơn nhiều so với các đối thủ như The Daily Mail, The Guardian, The Daily Telegraph và The Mirror.

Báo in nào rồi cũng chết?

Glover cũng nói rằng, "đây sẽ là tờ đầu tiên trong số rất nhiều báo in sẽ ngừng in và chỉ còn bản điện tử".

Theo Glover, tờ Thời báo Tài chính và Guardian cũng sẽ phải dừng bản in ‘chỉ trong vài năm tới’, và trong 10-15 năm nữa, sẽ có ‘rất nhiều’ tờ báo khác nối bước.

Giáo sư báo chí Brian Gathcart dự đoán tất cả báo in ở Anh rốt cuộc sẽ chết hết: “Không ai có thể nói trước điều này xảy ra theo trình tự nào, nhưng nó sẽ xảy ra với tất cả các tờ báo danh tiếng nhất, thậm chí với cả những tờ bán chạy nhất như Sun và Mail”.

Tháng trước, tờ Guardian dự tính cắt giảm chi phí vận hành xuống 20%, sau khi kế hoạch xây dựng một trong những website thông tin đại chúng nhất thế giới không cứu vãn nổi thiệt hại trong việc bán báo in.

Cách duy nhất để duy trì tờ báo tồn tại là chuyển sang định dạng điện tử.

{keywords}
Số báo đầu tiên của tờ Independent năm 1986. 

Tại Mỹ, tờ báo đình đám New York Times phải cố gắng cắt giảm chi tiêu và tìm cách tăng lượng người đọc trả tiền cho bản kỹ thuật số.

Ba năm trước, tạp chí tin tức hàng tuần lớn thứ hai của Mỹ - Newsweek - phải tuyên bố đóng cửa báo in, để tập trung phát triển bản điện tử, kết thúc lịch sử gần 80 năm tồn tại. Cùng với đó là tờ US News & World Report, tạp chí đứng thứ ba của Mỹ, rồi sau đó là tạp chí SmartMoney.

Tina Brown, Tổng biên tập Newsweek/Daily Beast giải thích quyết định từ bỏ định báo in liên quan tới "những thách thức kinh tế trong hoạt động in ấn và phát hành báo in". Theo bà, "không một ai có thể đảo ngược lại xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên công nghệ số như hiện nay".

Nguy cơ bị thôn tính

BBC cho rằng, vấn đề của việc chuyển sang phiên bản kỹ thuật số là các tờ báo in lớn ở Anh mang lại hàng triệu bảng lợi nhuận, trong khi các sản phẩm kỹ thuật số xuất sắc nhất cũng chỉ đem về hàng chục triệu bảng.

Nhiều hãng truyền thông chứng kiến cảnh những website có lượng truy cập khổng lồ như Buzzfeed đã chuyển sang dạng bản tin ‘nhấp chuột’, thường nhá các tiêu đề bài viết để thu hút càng nhiều độc giả càng tốt, nhằm tăng doanh thu quảng cáo.

Rất ít hãng truyền thông có thể giữ được cân bằng chi tiêu khi mà các thương hiệu lớn trả tiền quảng cáo trên mạng ít hơn là trên báo in, và thậm chí còn trả ít hơn nữa cho bản trên mobile.

Trong khi đó, ngày càng nhiều người đọc truy cập tin tức trên bản mobile, thay vì trên màn hình máy tính.

Nhưng đó chưa phải tin buồn nhất. Nguy cơ lớn nhất họ phải đối mặt hiện nay là bị các ‘ông lớn’ công nghệ như Apple, Google, hoặc Facebook, thôn tính.

Apple có ứng dụng News – một thứ công cụ nền tảng dành cho báo chí “ký sinh” trên đó. Còn Facebook âm mưu độc chiếm thị trường cung cấp tin tức cho khoảng 1,4 tỷ người sử dụng của họ bằng công cụ Instant Articles.

Với các kiểu báo ‘mỳ ăn liền’, Facebook hay Apple không cần sản xuất nội dung nào, nhưng vẫn thu hút hết lượng độc giả.

Độc giả sẽ quên hẳn các địa chỉ trang báo trên mạng, chỉ cần nhấp chuột vào Facebook, hay Twitter, Google+…. Còn doanh thu quảng cáo sẽ chảy vào túi của Apple hoặc Facebook.

Với New York Times, cơn ác mộng đã hiển hiện. Theo BuzzFeed, tờ New York Times đã mất đến 80 triệu người truy cập vào trang chủ (homepage) của trang nytimes.com trong 2 năm qua.

Chavarong Limpattampanee, Chủ tịch Hiệp hội Cung cấp thông tin trực tuyến (SONP) của Thái Lan, chia sẻ, các mạng xã hội đã tiếp cận với trang Thairath do ông làm chủ để cung cấp nội dung cho họ, với cam kết có chia sẻ lợi nhuận quảng cáo cũng như lượng truy cập sẽ tăng cao. Nhưng câu trả lời của ông vẫn bỏ ngỏ bởi nguy cơ bị thôn tính là tất yếu.

Lê Thu

‘Siêu quan tham’ vơ vét trăm nghìn tỷ, 300 nhà, 60 ôtô

Với 90 tỷ Nhân dân tệ (hơn 300 nghìn tỷ đồng), Lưu Chí Canh đã vượt mặt mọi quan tham ngã ngựa trước đó về số tài sản vơ vét được.

Điểm mặt dàn vũ khí Mỹ bủa vây Triều Tiên

Hầu hết các vũ khí chiến lược khủng nhất của Mỹ đều quy tụ sát Triều Tiên, nhằm gửi 'thông điệp mạnh mẽ' tới Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân và tên lửa.

Con gái lớn của Putin chính thức lộ diện?

Blonde Maria là sinh viên y khoa. Lần đầu tiên báo chí chụp ảnh của cô kể từ khi ông Putin lên cầm quyền hơn 1 thập kỷ qua.