- Mùa đông năm 1941 là một trong những mùa đông lạnh khủng khiếp nhất trong lịch sử nước Nga, đặc biệt là trong suốt cao điểm quân Đức tấn công Moscow. Cách đó 1 thế kỷ, quân của Napoleon cũng trong tình thế tương tự và thời tiết cản bước, chuyển thế có lợi cho quân Nga. Hitler đã không hề lên kế hoạch cho trận chiến trong mùa đông, và không có sự chuẩn bị tương xứng cho binh sĩ cũng như vũ trang. Mùa đông khắc nghiệt đó đã giúp cho quân Nga tập hợp và chuẩn bị cho các trận phản công của Chiến tranh thế giới thứ 2, mà mọi người dân Nga đều biết tới với tên gọi “Cuộc chiến Vệ quốc vĩ đại”.


Ba lính Đức bị băng tuyết phủ kín mặt trong suốt mùa đông ở mặt trận phía Đông. Ảnh: Hulton Archive/Getty Images

Mở đầu bản kế hoạch Barbarossa có đoạn: “Các lực lượng vũ trang Đức phải sẵn sàng để chiến thắng nước Liên Xô bằng một kế hoạch quân sự chớp nhoáng ngay cả trước khi kết thúc chiến tranh với nước Anh”. Ngày 22/6/1941, lực lượng vũ trang của Đức (Wehrmacht) mở cuộc tấn công ồ ạt vào Liên Xô.

Trong nhật ký của mình, Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels (Đức) ghi lại rằng, đó cũng chính là ngày mà Napoleon đã chọn để tấn công nước Nga 129 năm về trước. Trước cuộc tấn công, ban Chỉ huy Cao cấp của Đức (OKW) đã phát triển chiến lược để tránh lặp lại các sai lầm của Napoleon. Bản thân Hitler đặc biệt lo ngại về khả năng mùa đông sẽ tới sớm như thời Napoleon. Dựa trên bối cảnh của việc nóng lên toàn cầu tính từ năm 1920, mọi ý kiến đều cho rằng ít có khả năng xảy ra mùa đông quá lạnh.

Thời tiết không có gì bất thường trong suốt mùa hè, thậm chí có phần thuận lợi cho bước tiến của quân Đức cho tới tháng 10. Quân đội Đức không biết một chút gì về mùa sình lầy ở Nga. Hitler và OKW vẫn tin rằng có thể khắc phục vấn đề của bùn lầy bằng sức kéo của động vật, ý tưởng đó đã dẫn tới hậu quả là các phương tiện và trang thiết bị thiệt hại nghiêm trọng. Thiết bị cơ giới bị hư hỏng. Ngựa kiệt sức. Chỉ có vài xe tăng là còn hoạt động. Các cuộc hành quân với quy mô lớn trở nên bất khả thi. Mùa bùn lầy tháng 10 năm 1941 gần như là khắc nghiệt hơn bất kỳ mùa sình lầy khác trong suốt thời kỳ giao tranh Đức-Nga trong chiến tranh thế giới II.

Tháng 11, thời tiết càng lúc càng khắc nghiệt hơn. Do ảnh hưởng dữ dội của giá rét, quân Đức không thể dựng bất kỳ một chòi canh nào, đất không thể đào nổi, và nhà cửa thì bị phá hủy trong các cuộc giao tranh, hoặc là bị quân Nga đốt trong các đợt rút lui. Một lính Đức đã viết: “Một đợt giá lạnh tràn tới vào ngày 7/11 mang đến cả thuận lợi cũng như bất lợi. Chúng tôi có thể tiếp tục di chuyển, nhưng lại chết cóng vì vẫn không có quần áo mùa đông để mặc”. Mùa đông năm 1941-1942 được cho là một trong những mùa đông lạnh khủng khiếp nhất trong lịch sử Nga.

Vào đầu tháng 12, sức kháng cự mãnh liệt của Hồng Quân và  mùa đông khắc nghiệt đã kìm chân kế hoạch Barbarossa lại vùng ven Moscow. Vào ngày 2/12/1941, Sư đoàn Thiết giáp số 5 của Đức đã đâm thủng phòng ngự của quân Nga, dừng ở ngôi làng Dmitrov và Jokroma, áp sát và cách Moscow 14km, cách Kremlin đúng 24km. Lúc đó, quân Đức vẫn không được trang bị cho cuộc chiến trong mùa đông. Cũng giống như chiến dịch của Napoleon, binh lính chết vì tê cóng và bệnh dịch còn nhiều hơn chết trận. Một số sư đoàn Đức rơi rụng chỉ còn 50% thực lực.

General Raus – người nổi danh trong giới quân sự Đức với tư cách là một trong những nhà chiến thuật lỗi lạc trong chiến tranh thiết giáp đã ghi lại nhiệt độ trung bình hàng ngày gần Moscow trong suốt chặng đầu của tháng 12 năm 1941 như sau: ngày 1/12: -7 độ C, 2.12: -6 độ C, 3/12: -9 độ C, 4/12: -36 độ C, 5/12 -37 độ C, 6/12: -37 độ C, 7/12:  -6 độ C, 8/12: -8 độ C. Những ngày sau đó trong tháng, nhiệt độ giảm không dưới – 45 độ C. Sư đoàn Thiết giáp số 6 của tướng Raus báo cáo mỗi ngày có khoảng 800 ca cóng lạnh. Nhiệt độ thấp nhất đo được trong toàn bộ kế hoạch này là -53 độ C (khu vực tây bắc Moscow vào ngày 26/1/1942)

Lực lượng vũ trang của Đức hoàn toàn không được chuẩn bị cho mùa đông ở nước Nga, thậm chí chỉ là mùa đông bình thường. Nhưng, mùa đông năm 1941-1942 thì lại bất thường. Theo dự tính ban đầu, kế hoạch Barbarossa phải thắng nhanh trước khi trời vào đông, do đó, trang thiết bị và các nguồn lực đều có giới hạn. Những người lên kế hoạch cho việc trang bị áo rét mùa đông lại bị chỉ trích nặng nề vì có “suy nghĩ tiêu cực”. Chiến tranh càng kéo dài thì quân Đức càng bất lợi vì bị tiêu hao quá lớn.

Các binh sĩ Đức bắt đầu kế hoạch với quân phục hạng nhẹ, và vẫn phải mặc những bộ đồ đó trong suốt cả mùa thu. Các yêu cầu trang thiết bị cho mùa đông trước thì bị lờ đi, sau thì bị khiển trách nặng nề. Ngay cả khi mùa đông tới, trang thiết bị mùa đông cũng không hề được gửi tới. Điều này tưởng chừng thật khó tin. Vì Đức không phải là quốc gia nam Âu và mùa đông tại Đức cũng không phải là dễ chịu. Và không làm sao để các sĩ quan chỉ huy hiểu được rằng đến tháng 12 là phải cần tới trang phục mùa đông, nếu không phải là sớm hơn. Báo cáo về tình hình tới tay Bộ trường Tuyên truyền Goebbels – người đã thúc đẩy việc thu thập quân phục mùa đông cho binh sĩ. Tuy nhiên, lãnh đạo lực lượng vũ trang Đức lại không thích điều này và bác bỏ kế hoạch.

Trang thiết bị của Đức bắt đầu hỏng hóc khi nhiệt độ xuống -20 độ C. Các loại vũ khí không thể khởi động được, đặc biệt là các vũ khí chống tăng, chất lỏng tạo độ giật lùi cho pháo đều đông cứng, dầu bôi trơn cho các vũ khí thông minh và súng máy cũng vậy. Quân Đức phải lui bước trước các đợt phản công dũng mãnh của quân bộ binh Nga. Chỉ có lựu đạn ném tay là còn sử dụng được. Tháp pháo của xe tăng thì không thể xoay được, và xe tăng thì phải hoạt động liên tục để tránh bị đông cứng. Ngược lại, xe tăng T-34 của Nga với số lượng rất lớn, lại có bộ khởi động khí nén, có thể hoạt động được kể cả trong thời tiết lạnh nhất. Thêm nữa, bánh xích của loại T-34 này rất rộng nên tản đều trọng lượng của nó, nên T-34 có thể lăn xích trên các mương rãnh cũng như các hố tuyết sâu 1.5 m.

Bình luận cả về sình lầy (mùa Thu) và tuyết lạnh (mùa Đông), Tướng Zhukov của Nga nói rất đơn giản rằng: quân Đức đáng ra phải hiểu rõ về thời tiết. Zhukov hiển nhiên đúng. Trong trường hợp này, thời tiết đóng một vai trò quan trọng (nhưng không phải là nhất) giải thích tại sao Hồng quân Liên Xô – với hơn 1 triệu binh sĩ hy sinh trong một giai đoạn của kế hoạch Barbarossa kéo dài 2 tháng – không chỉ có thể giữ vững Moscow, mà còn tiến hành các đợt phản công mạnh mẽ.

Trong các kế hoạch quân sự, có rất nhiều yếu tố khó có thể đánh giá chính xác. Sẽ là không đúng khi nói rằng quân Đức thua chỉ vì lạnh, bởi sai lầm lớn nhất ở đây chính là trong tính toán và không đúng thời điểm. Kế hoạch tấn công diễn ra vào thời điểm cuối năm, khi mà thời tiết không có lợi cho quân Đức. Đức đã đánh giá thấp tác động của thời tiết và địa hình đối với các đơn vị cơ giới, và các nguồn lực thì cạn kiệt. Nhưng ngay đến một đứa trẻ lên 10 cũng hiểu rằng khi mùa đông đến, nước Nga sẽ rất lạnh. Vấn đề tai hại này ở chỗ, Hitler không bao giờ hỏi OKW rằng liệu việc tấn công vào Liên Xô có khả thi không, mà chỉ ra lệnh cho họ lện kế hoạch, và không bao giờ muốn nghe về những chông gai hay khó khăn gì hết. Và những gì OKW có thể làm là trình bày cho Hitler một kế hoạch để có thể đánh bại Hồng quân Liên Xô trong một trận đánh tổng lực.

Kế hoạch "Bão táp" của quân đội Đức nhằm đánh chiếm Moscow bằng một trận hợp vây đã phá sản, kéo theo sự phá sản về mặt chiến lược của kế hoạch Barbarossa, buộc Hitler phải tham gia vào một cuộc chiến tranh tổng lực mà nước Đức Quốc xã và đồng minh phát xít kém thế tương quan về năng lực sản xuất công nghiệp và khả năng tổng động viên so với Liên Xô và phe Đồng minh, dẫn tới sự suy yếu rồi thất bại hoàn toàn trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Thất bại của Barbarossa cũng củng cố niềm tin đối với hai đồng minh lớn của Liên Xô là Anh và Mỹ. Thủ tướng Anh Winston Churchill thừa nhận: "Sự nghiệp của người Nga đang chiến đấu bảo vệ tổ quốc của họ cũng là sự nghiệp của những con người tự do và những dân tộc tự do trên toàn thế giới".

Thu Lượng (lược dịch và tổng hợp)