Ngày 29/11 hàng năm được LHQ tuyên bố là Ngày Quốc tế đoàn kết với nhân dân Palestine theo nghị quyết 32/40B vào năm 1977. Nghị quyết này là kết quả của một sự kiện cách đó ba năm. Đó là khi nhà lãnh đạo của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Yasser Arafat lần đầu tiên phát biểu trước Hội đồng Bảo an. Ông Arafat kêu gọi Liên Hợp Quốc cho phép người Palestine thiết lập chủ quyền độc lập quốc gia trên đất của mình. 

{keywords}
Ông Yasser Arafat phát biểu trước Đại hội đồng LHQ 

Dưới đây là trích đoạn bài phát biểu của ông Yasser Arafat được đăng tải trên trang web của LHQ:

“Thưa ông Chủ tịch, tôi cảm ơn ông vì đã mời PLO tham gia phiên họp toàn thể của Đại hội đồng LHQ. Tôi biết ơn tất cả những đại diện của các quốc gia thành viên LHQ, những người đã đóng góp vào quyết định đưa vấn đề của Palestine thành một mục riêng trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng. Quyết định đó cho phép Đại hội đồng LHQ ra nghị quyết mời chúng tôi tới phát biểu về vấn đề Palestine.

Đây là một dịp vô cùng quan trọng. Vấn đề Palestine đang được LHQ xem xét lại và chúng tôi coi động thái này là một thắng lợi đối với LHQ cũng như một chiến thắng cho chính nghĩa của nhân dân chúng tôi.

Nó một lần nữa lại chỉ ra rằng LHQ của ngày hôm nay không phải là LHQ của quá khứ, cũng như thế giới hôm nay không phải là thế giới của ngày hôm qua. LHQ ngày nay đại diện cho 138 quốc gia, một con số phản ánh rõ ràng hơn ý chí của cộng đồng quốc tế. Do đó, LHQ ngày nay có nhiều khả năng hơn trong việc thực hiện các nguyên tắc được ghi trong Hiến chương và trong Tuyên ngôn toàn cầu về nhân quyền, cũng như thực sự được trao quyền nhiều hơn để hỗ trợ các mục tiêu hoà bình và công lý…

Khi thảo luận về vấn đề Palestine, chúng ta tập trung vào nguồn gốc lịch sử. Chúng tôi tin rằng, bất cứ vấn đề nào đang được thế giới quan tâm cần phải được nhìn nhận triệt để.

Nguồn gốc vấn đề Palestine bắt nguồn từ những năm cuối của thế kỷ 19, nói một cách khác, tới thời điểm mà chúng ta gọi là kỷ nguyên của chủ nghĩa thực dân và vấn đề định cư. Đây chính xác là thời kỳ mà chủ nghĩa Zion (chủ nghĩa phục quốc Do Thái) ra đời…

Chúng tôi nhận biết được sự khác nhau giữa đạo Do Thái và chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Trong khi chúng tôi tiếp tục phản đối phong trào Zion thực dân, chúng tôi vẫn tôn trọng đức tin của người Do Thái.

Hôm nay, gần một thế kỷ sau sự trỗi dậy của phong trào Zion, chúng tôi muốn cảnh báo về mối nguy hại ngày càng tăng của nó đối với người Do Thái trên thế giới, với người Ảrập và với hoà bình, an ninh của thế giới. Vì những người theo chủ nghĩa Zion khuyến khích người Do Thái di cư khỏi quê hương và cấp cho họ quốc tịch nhân tạo.

Những người theo chủ nghĩa Zion vẫn tiếp tục các hành động khủng bố dù nó đã được chứng minh là không có hiệu quả. Hiện tượng di cư liên tục khỏi Israel là một ví dụ cho thấy sự thất bại không thể tránh khỏi của những hành động như vậy. Chúng tôi kêu gọi mọi người và các chính phủ trên thế giới hãy chống lại mưu đồ của những kẻ theo chủ nghĩa Zion nhằm khuyến khích người Do Thái di cư khỏi đất nước của họ và chiếm đoạt đất của chúng tôi. Chúng tôi phản đối bất cứ sự phân biệt đối xử nào về màu da, tôn giáo hay chủng tộc.

Tại sao người Palestine phải trả giá cho sự phân biệt đối xử như vậy trên thế giới? Tại sao người dân của chúng tôi phải chịu trách nhiệm cho các vấn đề nhập cư của người Do Thái, nếu những vấn đề đó tồn tại trong tâm trí một số người? Tại sao những người ủng hộ các vấn đề này không mở cửa chính đất nước của họ, nơi có thể tiếp nhận và giúp đỡ những người nhập cư đó.

Những người gọi chúng tôi là khủng bố muốn ngăn cản dư luận thế giới biết được sự thật về chúng tôi, cũng như ngăn chúng tôi có được công lý. Họ muốn che giấu những hành động khủng bố, bạo ngược của họ và lập trường tự vệ của chúng tôi.

Sự khác biệt giữa một nhà cách mạng và một kẻ khủng bố nằm ở lý lẽ mà họ chiến đấu vì nó. Ai đứng về chính nghĩa và chiến đấu cho tự do để giải phóng quê hương khỏi quân xâm lược và thực dân thì không thể bị gọi là khủng bố. Còn những kẻ chống lại chính nghĩa, gây chiến để chiếm đóng, lập thuộc địa và đàn áp những người khác mới được gọi là khủng bố. Đó là những người mà hành động của họ đáng bị lên án, những người đó nên được gọi là tội phạm chiến tranh.

Chủ nghĩa khủng bố Zion được khởi xướng để chống lại nhân dân Palestine nhằm trục xuất người Palestine khỏi đất nước và chiếm đoạt đất đai của họ. Hàng nghìn người của chúng tôi đã bị sát hại ở ngay các làng mạc và thị trấn mà họ sinh sống; hàng chục nghìn người khác bị chĩa súng vào người và buộc phải rời bỏ nhà cửa, đất đai của cha ông. Hết lần này tới lần khác, trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi của chúng tôi bị đuổi ra khỏi nhà và phải lang thang trong sa mạc, phải trèo lên các ngọn núi mà không có thực phẩm hay nước uống.

Năm 1948, thảm hoạ đã đổ xuống đầu các cư dân sống ở hàng trăm ngôi làng và thị trấn tại Jerusalem, Jaffa, Lydda, Ramle và Galilee. Những người đã chứng kiến thảm hoạ đó sẽ không bao giờ quên những gì đã xảy ra dù lịch sử đã bị bôi đen để che giấu những sự việc kinh hoàng này, giống như việc 385 ngôi làng, thị trấn của Palestine bị phá huỷ vào thời điểm đó và bị xoá khỏi bản đồ…

Chủ nghĩa khủng bố Zion được nuôi dưỡng dựa trên lòng hận thù và sự thù hận này thậm chí còn nhằm vào những cây ô liu của đất nước tôi - một biểu tượng của sự tự hào. Những cây ô liu này nhắc nhở họ về các cư dân bản địa của vùng đất này, một lời nhắc nhở sống động rằng mảnh đất này là của người Palestine. Vì vậy, họ đã tìm cách phá huỷ nó.

Họ nhìn thấy bên trong những đứa trẻ Palestine, trong cây cối Palestine một kẻ thù cần phải tiêu diệt. Trong hàng chục năm, những kẻ theo chủ nghĩa phục quốc Do thái đã quấy rối các nhà lãnh đạo chính trị, xã hội, văn hoá và nghệ thuật của chúng tôi, khủng bố và ám sát họ. Chúng đã đánh cắp di sản văn hoá của chúng tôi, coi văn hoá dân gian phổ biến của chúng tôi là của chúng.

Các cuộc khủng bố của chúng thậm chí còn tiến gần những nơi linh thiêng ở Jerusalem thân yêu và bình yên của chúng tôi. Chúng còn cố xoá bỏ ảnh hưởng Ảrập và làm cho nó mất đi đặc điểm Hồi giáo và Thiên chúa giáo bằng cách trục xuất các cư dân ở đó và thôn tính vùng đất đó….

Nhân dân Palestine phải chọn cách đấu tranh vũ trang khi họ mất niềm tin vào cộng đồng quốc tế, vốn bỏ qua quyền của họ và khi nó trở nên rõ ràng rằng, người Palestine không thể lấy lại dù chỉ một inch thông qua các biện pháp chính trị độc quyền.

…PLO đại diện cho người dân Palestine, một cách hợp pháp và duy nhất. Vì điều đó, PLO bày tỏ mong muốn và hy vọng của người dân. Cũng bởi vì điều đó, PLO mang tới những mong muốn và hy vọng đó tới trước các bạn, kêu gọi các bạn không lẩn tránh trách nhiệm lịch sử quan trọng đối với mục đích chính nghĩa của chúng tôi…

PLO ước mơ và hy vọng về một nhà nước dân chủ, nơi người Cơ đốc giáo, Do Thái và người Hồi giáo sống trong công bằng, bình đẳng và tiến bộ… Với tư cách chính thức là Chủ tịch PLO và lãnh đạo cuộc cách mạng Palestine, tôi kêu gọi các bạn đồng hành cùng nhân dân của chúng tôi trong cuộc đấu tranh giành quyền tự quyết. Quyền này đã được ghi trong Hiến chương LHQ và đã được nhiều lần xác nhận trong các nghị quyết được LHQ thông qua kể từ khi soạn thảo Hiến chương.

Tôi kêu gọi các bạn hãy hỗ trợ để nhân dân của chúng tôi được trở về quê hương từ nơi bị lưu đày, để chúng tôi có thể giành lại tài sản, đất đai của mình và sau đó, được sống trên mảnh đất tổ quốc của chúng tôi – một nơi tự do và có chủ quyền, được hưởng mọi đặc quyền của dân tộc.

Chỉ khi đó, chúng tôi mới có thể dồn mọi nguồn lực vào dòng chảy chính của nền văn minh nhân loại. Chỉ khi đó, sự sáng tạo của người Palestine mới có thể tập trung vào việc phục vụ nhân loại. Chỉ khi đó, Jerusalem của chúng tôi mới có thể tiếp tục vai trò lịch sử của nó như một điểm đến hoà bình cho mọi tôn giáo.

Tôi kêu gọi các bạn hãy tạo điều kiện cho nhân dân Palestine xác lập chủ quyền độc lập dân tộc trên mảnh đất của chính mình.

Hôm nay tôi tới đây với một cành ô liu và một khẩu súng của người chiến sĩ chiến đấu vì tự do. Đừng để cành ô liu rơi khỏi tay tôi. Tôi xin nhắc lại: Đừng để cành ô liu rơi khỏi tay tôi”.

Vài ngày sau bài phát biểu trên, Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết 3237 trao vị thế quan sát viên cho PLO và quyền tự quyết của tổ chức này cũng được công nhận.

Hoài Linh 

'Chúng ta sẽ chiến đấu trên bờ biển', diễn văn oai hùng bậc nhất lịch sử

'Chúng ta sẽ chiến đấu trên bờ biển', diễn văn oai hùng bậc nhất lịch sử

"Chúng ta sẽ chiến đấu trên bờ biển" là bài phát biểu nổi tiếng của Thủ tướng Anh Winston Churchill thời Thế chiến 2, đi vào lịch sử như một trong những bài diễn văn vĩ đại của thế kỷ 20.

'Tôi sẵn sàng chết đi', bài phát biểu để đời của Nelson Mandela

'Tôi sẵn sàng chết đi', bài phát biểu để đời của Nelson Mandela

"Tôi sẵn sàng chết đi" là tựa đề bài phát biểu dài 3 tiếng đồng hồ của Nelson Mandela ngày 20/4/1964, được xếp vào danh sách những diễn văn làm thay đổi thế giới.