Đại dịch Covid-19 đã làm nổi bật nhu cầu cần có thêm dữ liệu tốt hơn và nhu cầu về giá trị của các mô hình trong cung cấp thông tin cho các chiến lược ứng phó nhân đạo.

{keywords}
Ảnh minh họa

Thế giới ngày nay cần phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng dữ liệu và năng lực con người nhằm vượt qua các cuộc khủng hoảng, dự đoán nhu cầu trong tương lai và kích hoạt các phản ứng sớm hơn. Đó là kết luận của hai tác giả Mark Lowcock, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo, và Raj Shah thuộc Quỹ Rockefeller, nêu trong bài viết đăng trên Tạp chí Project Syndicate ngày 1/6.

Hiệu quả trong thời đại dịch

Hai ông chỉ ra rằng, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu vào tháng 3/2020, Afghanistan chỉ có 300 máy thở và hai khu chăm sóc đặc biệt. Các mô hình dịch tễ học ban đầu dự đoán đất nước 38 triệu dân này sẽ trải qua đỉnh điểm 520.000 ca nhiễm và 3.900 bệnh nhân Covid-19 tử vong/ngày vào đầu mùa hè. Đối mặt với viễn cảnh 10 triệu người nhiễm virus trong vòng vài tháng, các nhân viên cứu trợ và quan chức Chính phủ Afghanistan đã phải dốc sức chuẩn bị cho một thảm họa về sức khỏe cộng đồng.

Nhờ các dữ liệu được chia sẻ toàn cầu mà tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được biểu đồ hóa rõ ràng và dễ nắm bắt. Biểu đồ minh họa của Statista về các làn sóng virus corona mới càn quét châu Á trong khoảng thời gian tháng 4 đến đầu tháng 6/2021.

Để giúp những người ra quyết định hiểu rõ nơi nào cần tập trung các nguồn lực hạn hẹp, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) và Quỹ Rockefeller đã sử dụng dữ liệu thực tế về Afghanistan để dự đoán số ca nhiễm, số bệnh nhân nhập viện và số người tử vong trong 4 tuần. Dự đoán có tính thực tế này đã giúp cho các quan chức chuẩn bị cho một đợt bùng phát đỉnh điểm với số ca nhiễm và tử vong xảy ra muộn hơn so với dự đoán của các mô hình khác.

Dự đoán chính xác các nhu cầu sẽ giúp hành động phản ứng nhân đạo hiệu quả hơn. Nguyên tắc chỉ đạo đằng sau mô hình dự báo của OCHA và Quỹ Rockefeller (được phát triển cùng với Phòng thí nghiệm vật lý ứng dụng thuộc Đại học Johns Hopkins) là hỗ trợ việc ra quyết định hoạt động ngắn hạn để bảo vệ và cứu sống nhiều người hơn trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo. Ngoài Afghanistan, các tác giả còn sử dụng mô hình ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Iraq, Somalia, Nam Sudan và Sudan.

{keywords}
Khối lượng dữ liệu / thông tin được tạo ra, thu thập, sao chép và sử dụng trên toàn thế giới từ năm 2010 đến năm 2024 (tính bằng zettabyte). Biểu đồ của Statista

Mô hình thu nạp dữ liệu liên quan đến Covid-19 đã được điều chỉnh, cùng dữ liệu về các mô hình dịch chuyển, cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe và các đặc điểm dễ bị tổn thương của người dân do mất an ninh lương thực hoặc bệnh tật đi kèm, chẳng hạn như tiểu đường.

Kinh nghiệm mà hai đơn vị trên có được trong quá trình xây dựng một mô hình dự đoán, và việc sử dụng mô hình của giới chức y tế ở những nước kể trên, cho thấy cách tiếp cận này có thể dẫn đến những kết quả nhân đạo tốt đẹp hơn. Song, nó chỉ hữu hiệu khi chúng dựa trên cơ sở dữ liệu tốt. Do đó, để chuẩn bị cho những cuộc khủng hoảng tiếp theo trong tương lai, thế giới cần đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực Big Data (dữ liệu lớn), bao gồm cả việc thu thập và chia sẻ dữ liệu.

Những khoảng trống cần lấp đầy

Toàn cầu đang thiếu khoảng 50% dữ liệu cần thiết để ứng phó hiệu quả ở các quốc gia đang trải qua các trường hợp khẩn cấp về nhân đạo. OCHA và Quỹ Rockefeller đang hợp tác để cung cấp thông tin chi tiết sớm về các cuộc khủng hoảng, trong và ngoài thời kỳ đại dịch Covid-19. Việc nhận ra toàn bộ tiềm năng của phương pháp tiếp cận của hai đơn vị này phụ thuộc vào sự đóng góp của những người khác.

Vì vậy, khi các chính phủ, ngân hàng phát triển và các cơ quan nhân đạo lớn phản ánh về năm đầu tiên ứng phó với đại dịch, cũng như trong các về các cuộc thảo luận tại Các cuộc họp Mùa xuân mới đây của Ngân hàng Thế giới, họ nhận ra vai trò quan trọng của dữ liệu trong việc phục hồi từ cuộc khủng hoảng hiện nay và ngăn chặn những cuộc khủng hoảng trong tương lai. Việc lấp đầy khoảng trống về dữ liệu quan trọng cần phải là ưu tiên hàng đầu của tất cả các chủ thể nhân đạo và phát triển.

{keywords}
Dự báo doanh thu quy mô thị trường dữ liệu lớn trên toàn thế giới từ năm 2011 đến năm 2027 (tính bằng tỷ USD). Biểu đồ của Statista

Do đó, các chính phủ, tổ chức nhân đạo và ngân hàng phát triển khu vực cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng thu thập dữ liệu, chia sẻ dữ liệu và nhân sự quản lý các quy trình này. Tương tự như vậy, các bên liên quan phải trở nên thành thạo hơn trong chia sẻ dữ liệu một cách có trách nhiệm thông qua các nền tảng dữ liệu mở và duy trì các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về khả năng tương tác. Khi không có sẵn dữ liệu, khu vực tư nhân nên phát triển các nguồn thông tin mới thông qua các phương pháp như sử dụng dữ liệu truyền thông xã hội ẩn danh hoặc hồ sơ cuộc gọi để nắm bắt các mô hình dịch chuyển dân số.

Tất nhiên, chia sẻ dữ liệu phụ thuộc vào sự tin tưởng. Do vậy, thế giới phải chú ý đến lời kêu gọi gần đây của Ngân hàng Thế giới về một hợp đồng xã hội mới về dữ liệu dựa trên giá trị kinh tế và xã hội được chia sẻ, dựa trên lợi ích công bằng và củng cố niềm tin rằng dữ liệu sẽ không bị chính những người thu thập lạm dụng.

Hệ thống nhân đạo toàn cầu hiện tại có hiệu quả cao, nhưng nhu cầu ngày nay đang ở mức chưa từng có tiền lệ. Trong năm 2021, dự kiến 235 triệu người trên toàn thế giới sẽ cần được bảo vệ và hỗ trợ nhân đạo – một con số kỷ lục, tăng gần 40% so với năm 2020. Nạn đói đang gia tăng, sự dịch chuyển nội bộ ở mức cao nhất trong nhiều thập niên, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ngày càng phổ biến, và các đợt bùng phát dịch bệnh ngày một nhiều. Trong khi, khoảng cách giữa các nhu cầu nhân đạo và nguồn tài chính có sẵn để giải quyết chúng ngày càng nới rộng.

Dữ liệu chất lượng cao giúp giới hoạch định chính sách đương đầu với các cuộc khủng hoảng để điều chỉnh các nguồn lực hạn chế sao cho đáp ứng được nhu cầu cao nhất, và đại dịch Covid-19 càng chứng tỏ sự cần thiết phải có thêm nhiều dữ liệu hơn nữa.

Thế giới phải ghi nhớ bài học đó bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng dữ liệu và năng lực con người cần thiết, để có thể vượt qua các cuộc khủng hoảng, dự đoán nhu cầu trong tương lai và kích hoạt các phản ứng sớm hơn. Nhờ đó, rất nhiều người sẽ được cứu sống.

Thị trường dữ liệu lớn toàn cầu được dự đoán tăng trưởng 103 tỷ USD vào năm 2027, hơn gấp đôi so với quy mô thị trường được dự đoán năm 2018.

Thị trường phân tích kinh doanh và dữ liệu lớn toàn cầu được định giá 169 tỷ USD vào năm 2018, và dự kiến sẽ tăng lên 274 tỷ USD vào năm 2022. Tính đến tháng 11/2018, 45% các chuyên gia trong ngành nghiên cứu thị trường đã sử dụng phân tích dữ liệu lớn như một phương pháp nghiên cứu.

Thanh Hảo

WHO khánh thành trung tâm tình báo về dịch bệnh

WHO khánh thành trung tâm tình báo về dịch bệnh

Mục đích thành lập trung tâm là nhằm thúc đẩy việc thu thập thông tin, chia sẻ và phân tích dữ liệu hiệu quả hơn, từ đó đưa ra những quyết sách tốt hơn khi chống lại các đại dịch.