Bernie Cho làm việc cho MTV đầu thập niên 1990. Ông cho biết, những người Hàn Quốc trẻ tuổi gần như chỉ nghe nhạc Tây, và âm nhạc trong nước chỉ dành cho cha mẹ họ.

Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu thay đổi từ năm 1992. "Đó không phải là quá trình biến đổi, mà là một cuộc cách mạng", BBC dẫn lời ông Cho.

Seo Taiji & Boys đã khiến mọi người kinh ngạc với màn trình diễn trên chương trình tài năng truyền hình, phát sóng trực tiếp tới hàng triệu hộ gia đình Hàn Quốc. Ban nhạc đã mở cánh cửa cho các thế hệ các nghệ sĩ trẻ Hàn Quốc. 

{keywords}
Sự phát triển của nhạc pop Hàn Quốc mang tính hiện tượng trên toàn cầu. Ảnh: BBC

Doanh thu khủng

Sự phát triển của nhạc pop Hàn Quốc mang tính hiện tượng toàn cầu.K-pop chính thức lên bản đồ âm nhạc thế giới là nhờ video Gangnam Style của rapper Park Jae Sung, được biết đến nhiều hơn là Psy. Không nhiều người hiểu hết ý nghĩa của ca từ, nhưng họ thấy thích thú với âm nhạc hấp dẫn và "điệu nhảy cưỡi ngựa" đầy ấn tượng.

Chỉ sau 51 ngày đưa lên YouTube hồi tháng 7/ 2012, video đạt 100 triệu lượt xem và đến nay Gangnam Style vẫn nằm trong danh sách được xem nhiều nhất, với 3,6 tỉ lượt xem.

{keywords}
Twitter công bố biểu đồ top 20 thị trường K-pop 2020 về số người dùng và số lượng Tweet.

Từ đó đến nay, nhạc Hàn liên tục đạt đến những đỉnh cao đáng kinh ngạc, đóng góp to lớn cho thành công này phải kể đến ban nhạc BTS. Năm 2018, New York Post dẫn số liệu của Viện Nghiên cứu Hyundai (HRI) ước tính 7 thành viên BTS đã mang về cho kinh tế Hàn Quốc 3,6 tỷ USD mỗi năm. Con số này tương đương với đóng góp của 26 công ty có quy mô trung bình khi đó. Tính riêng năm 2017, cứ 13 khách du lịch nước ngoài đến Hàn Quốc thì có 1 người hâm mộ BTS.

"Độ phủ sóng của BTS giúp thúc đẩy phát triển xuất khẩu hàng tiêu dùng, mỹ phẩm và quần áo của Hàn Quốc sang nước ngoài. Hơn 1 tỷ USD đến từ giá trị xuất khẩu quần áo, mỹ phẩm nhờ đóng góp của 7 thần tượng", HRI mô tả.

Theo báo cáo của IFPI, ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu đã phục hồi đáng kể sau một năm đình trệ. Các con số thu về cho thấy doanh thu âm nhạc toàn cầu tăng 7,4% trong năm 2020 lên 21,6 tỷ USD, thấp hơn một chút so với mức tăng 8,2% của năm 2019.

{keywords}
Psy

Hiệu ứng lan tỏa

Làn sóng Hàn Quốc, hay hallyu - bao gồm phim kịch Hàn Quốc và K-pop - đã lan tới mọi ngõ ngách của thế giới, nâng cao hình ảnh và khuếch trương kinh tế của quốc gia này, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Kinh tế Hàn Quốc đã trở nên giàu có hơn trong 2 thập niên qua. Báo Economic Times trích báo cáo của Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA) năm 2017 chỉ ra rằng, xuất khẩu K-pop đã đưa âm nhạc nước này thành một ngành trị giá khoảng 5 tỷ USD.

Lee Choon-geun, một thành viên KOCCA, nói: "Theo nghiên cứu, cứ mỗi 100USD nhạc Hàn được tiêu thụ ở nước ngoài, thì có thêm 395USD hàng điện tử như điện thoại di động hay TV được xuất khẩu. K-pop đang trở thành một biểu tượng của Hàn Quốc, bên cạnh điện thoại di động hay công nghệ Internet".

Hannah Waitt, đồng sáng lập và CEO của moon-ROK, một nguồn tiếng Anh hàng đầu cung cấp cho những người hâm mộ thông tin tin cậy và cập nhật về các nghệ sĩ K-pop thần tượng của họ, nói: "Tôi tin K-pop chắc chắn đã kích thích nền kinh tế Hàn Quốc bằng cách khuyến khích du lịch - mọi người từ khắp thế giới yêu K-pop đến Hàn Quốc để tham gia các buổi hòa nhạc và trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc".

Cùng với du lịch còn có sự gia tăng nhu cầu học tiếng Hàn Quốc. Một bài viết mới đây trên BBC cho biết, để hiểu được các ca khúc K-pop đình đám, xu hướng học tiếng Hàn tăng cao ở những nước như Việt Nam, Mỹ, Canada, Thái Lan, Malaysia và cả Algeria... Seoul cũng ra sức đóng góp vai trò của mình, thành lập 130 viện ngôn ngữ tại 50 quốc gia.

Kinh tế văn hóa phát triển mạnh cũng thúc đẩy xuất khẩu nhiều hàng hóa quan trọng. Các ngôi sao Hàn Quốc trở thành đòn bẩy xu hướng tiêu dùng mạnh mẽ, kéo người hâm mộ cuồng nhiệt vào mua sắm thời trang, thực phẩm và thậm chí phẫu thuật thẩm mỹ. Ngành công nghiệp làm đẹp chứng kiến sự tăng trưởng lớn nhất.

HRI đã tiến hành đánh giá những hiệu quả kinh tế của hallyu và kết luận rằng, hình ảnh quốc gia đã được cải thiện nhờ âm nhạc, kéo theo xuất khẩu tăng cao, và từ đó giúp ngành sản xuất mở rộng và lớn mạnh.

Công thức thành công

K-pop được mô tả như một gói hàng được đầu tư kỹ lưỡng, chứa đựng mọi khía cạnh của giải trí âm nhạc - nhạc, nhảy, hát, câu chuyện, thời trang... Ngành này "bán" không chỉ âm nhạc mà cả các thần tượng. "Nói chung, đó là một hệ thống vô cùng vui vẻ", Economic Times dẫn bình luận của Aja Romano, một phóng viên văn hóa người Mỹ chuyên đưa tin về K-pop.

Người hâm mộ yêu quý các nghệ sĩ Hàn Quốc còn bởi sự khác biệt của họ với các đồng nghiệp trên thế giới. Đó là họ không ngừng nỗ lực tập luyện cho công việc và cả đội luôn có những điệu nhảy "sắc như dao", nhanh, nét và đồng đều như một.

{keywords}
BTS được thành lập năm 2010. (Ảnh: Alamy)

Mooweon Rhee, giáo sư về quản lý tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Yonsei ở Seoul, và Won-Yong Oh thuộc trường Kinh doanh Haskayne, Đại học Calgary ở Canada, viết trong Đánh giá Kinh doanh Harvard rằng thành công của K-pop không hề tình cờ hoặc chỉ đơn giản là một hiện tượng văn hóa thú vị.

Các công ty giải trí K-pop đã đổi mới mô hình kinh doanh bằng cách thay đổi các giả định cơ bản của những gì hiện có. Thay vì tìm kiếm tài năng sẵn có, họ tìm cách tự "sản xuất". Thay vì tiếp thị một chiều thì họ nuôi dưỡng quan hệ với khách hàng thông qua mạng xã hội. Và thay vì đối xử với thế giới như một thị trường đơn lẻ, họ bản địa hóa các ca khúc và cả những nhóm nhạc để có thể tạo cộng hưởng cao độ.

{keywords}
Các nghệ sĩ Hàn Quốc gây ấn tượng với trang phục ấn tượng và các điệu nhảy đồng đều sắc nét. (Ảnh: BBC)

Một trong những yếu tố quan trọng nữa là các công ty thu âm ở Hàn Quốc đã nhận thấy tiềm năng trên YouTube và tận dụng điều này sớm. Sự phát triển và phổ biến của YouTube như một nền tảng video toàn cầu cho phép các nghệ sĩ Hàn Quốc trở thành siêu sao khắp hành tinh.

Góp phần không nhỏ tạo nên hiện tượng K-pop là việc các nghệ sĩ Hàn Quốc cho phép người hâm mộ tiếp cận thoải mái đời sống cá nhân của họ, thông qua các chương trình thực tế cùng đủ loại show khác nhau. Kết quả là lòng trung thành của các fan với thần tượng càng lớn và bền bỉ.

Một yếu tố không thể thiếu nữa có lẽ là tiếp thị. Các studio tự xây dựng mục tiêu xuất khẩu các nhóm nhạc và dành nhiều năm trời cho những quyết định giúp họ đạt được mục tiêu này. "Các công ty giải trí không sợ phạm sai lầm, vì điều đó giúp họ có thể thử nghiệm nhiều loại sản phẩm khác nhau, các nhóm nhạc thần tượng khác nhau và tiếp tục sáng tạo nghệ thuật", giáo sư Rhee bình luận.

Thanh Hảo

Kỳ tích ‘tay không làm cao tốc’ của Hàn Quốc

Kỳ tích ‘tay không làm cao tốc’ của Hàn Quốc

Hệ thống giao thông công cộng của Hàn Quốc được đánh giá thuộc diện tốt nhất thế giới về "tính hiệu quả, giá thành, độ tin cậy và đổi mới".