Theo The Guardian, vụ ám sát xảy ra khi Mahatma Gandhi đang trên đường tới buổi cầu nguyện thường nhật ở New Delhi. Ông qua đời lúc 5h45 chiều ở tuổi 78.

{keywords}
 

Với nhiều người Ấn Độ, Mahatma Gandhi là một tâm hồn vĩ đại. Ông nổi tiếng khắp thế giới vì dẫn dắt phong trào độc lập của Ấn Độ chống lại đế quốc Anh. Cái chết của ông diễn ra chưa đầy một năm sau khi Ấn Độ giành độc lập.

Thông tin về vụ ám sát đã gây tác động sâu sắc khắp thế giới. Tổng thống và thủ tướng nhiều nước đã gửi điện chia buồn đến Ấn Độ. Chủ đề của mọi lời chia buồn, dù là chính trị gia hay dân thường đều cùng chung một ý nghĩa “một con người vĩ đại giữa bao người”, “một vị thánh” hay “không thể thay thế”.

Kẻ ám sát ông Mahatma Gandhi là Nathuram Godse, 36 tuổi, một kẻ cực đoan theo đạo Hindu. Tên này căm thù ông Mahatma Gandhi vì ông ủng hộ đoàn kết giữa những người Ấn Độ theo đạo Hindu và đạo Hồi, trang Biography đưa tin.

Khoảng 10 ngày trước khi bị ám sát, Madanlal Pahwa - một tín đồ Hindu, là người tị nạn tới từ Pakistan, đã đánh bom tại một trong các buổi cầu nguyện của lãnh tụ tinh thần này.  

“Đừng làm như vậy”, Mahatma Gandhi khẩn cầu sau khi vụ đánh bom diễn ra. “Đạo Hindu không thể được cứu rỗi bằng những hành động như vậy. Tôi khẳng định rằng nếu đạo Hindu được cứu vớt, thì nó chỉ có thể thông qua những việc như tôi đang làm”.

{keywords}
 

Tuy nhiên, gần hai tuần sau đó, Godse đã tiến gần Mahatma Gandhi và bắn vào ông trước khoảng 1.000 người. Vào thời điểm đó, ông Gandhi đã rất yếu do nhiều năm tuyệt thực. Ông đi tới buổi cầu nguyện với sự trợ giúp của hai cháu gái.

Sau khi những người gần đó chứng kiến những gì Godse đã làm, họ dùng gậy đánh tên này cho tới khi cảnh sát đưa hắn đi.

Khi thông tin về vụ ám sát được truyền tới Bombay (nay là Mumbai), các vụ bạo loạn ngay lập tức bùng nổ. Năm 1949, Ấn Độ tử hình Godse và các đồng phạm bằng cách treo cổ.

Hoài Linh