Mặt khác, y ra sức cướp bóc, lo tích cóp vàng bạc, đôla để chờ dịp chạy sang Thuỵ Sĩ. Ý đồ bí mật của Mussolini không qua được mắt Hitler. Vào một ngày tháng 4 năm 1945, một viên tướng SS đã bí mật bay đến thành phố Salo (Italia), nơi đóng tổng hành dinh của Mussolini, và triệu tập đại uý SD Otto Kisnat đến gặp mình.

Viên tướng SS ngắn gọn truyền đạt mệnh lệnh của Berlin cho Kisnat, là không để Mussolini chạy ra nước ngoài với bất cứ lí do nào, phải ngăn cản ông ta kể cả bằng vũ lực, ghi lại mọi cuộc trao đổi điện thoại của Mussolini và báo cáo về Berlin mọi việc khả nghi.

{keywords}
Trùm phát xít Mussolini (trái) và Hitler. Ảnh: Reuters

Tất nhiên là Mussolini không hay biết gì về cuộc gặp nói trên. Đúng vào hôm đó y triệu tập nội các, trao cho mỗi thành viên “Hội đồng Bộ trưởng” một khoản tiền lớn bằng vàng và ngoại tệ và ra lệnh từng người phải tìm cách đến Milan.

Vào đúng ngày Mussolini lên đường đi Milan thì viên chỉ huy các đơn vị SS tại Berlin chui xuống hầm ngầm của Hitler báo cáo tình hình mặt trận Italia với “Quốc trưởng”, song y lờ đi chuyện đã ra lệnh cho phụ tá của mình là đại tá Ralf bí mật đàm phán riêng rẽ với đại diện Uỷ ban Giải phóng dân tộc về những điều kiện đầu hàng của quân Đức ở Italia.

Ngày 23/4, Mussolini được báo cáo về việc Bộ Tư lệnh Đức bắt đầu đàm phán với liên quân Anh - Mỹ để đầu hàng; Genoa và Parma đã lọt vào tay du kích. Y liền cho gọi một sĩ quan thân tín và giao nhiệm vụ cho người này bí mật đến gặp Thủ tướng Anh Churchill.

Mấy ngày sau, quân Đồng minh tiến đến Milan, Mussolini cùng đám tuỳ tùng vội rời thành phố dưới sự hộ tống của bọn lính SS và SD, tiến về phía hồ Como. Cùng hôm ấy, Đại uý tình báo Mỹ Emilio Dadario vượt biên giới Thuỵ Sĩ với một nhiệm vụ khẩn cấp và tuyệt mật: Bắt sống Mussolini và thu giữ toàn bộ tài liệu.

Đoàn của Mussolini cố tìm cách thoát khỏi Lữ đoàn Du kích Garibandi số 25 đang siết chặt vòng vây xung quanh các toán quân Đức. Sáng 27/4, đoàn xe bị ách lại gần thị trấn Gravedol. Các chiến sĩ du kích tuyên bố sẽ cho binh lính Đức đi qua, nếu chúng chịu giao nộp vũ khí và những người Italia trong đoàn.

Mussolini cùng người tình của y là Petasi chuyển từ chiếc xe hòm sang chiếc xe bọc thép đi đầu, cho gọi Đại uý Kesnat và yêu cầu viên sĩ quan SD kiếm cho hắn bộ quân phục Đức. Chỉ vài phút sau, mệnh lệnh được thi hành. Mussolini mặc bộ quân phục vào rồi chuyển sang cabin một xe tải.

Một chiến sĩ du kích chạy đến báo cáo với viên chỉ huy Ubano Lasaro là anh đã nhận diện được Mussolini cải trang thành lính Đức đang ngồi trong ôtô. Lasaro bước đến mở cửa xe. Quân Đức lặng lẽ quay mặt đi chỗ khác. Mussolini ngồi trong góc cabin, người co rúm, mũ lưỡi trai kéo sụp xuống tận mũi.

Mussolini giật bắn người khi bị gọi tên. Lasaro lột mũ, lột kính và thu khẩu súng tiểu liên nằm trên đùi hắn. Mussolini chui ra khỏi xe, bước đi trước. Đại uý Kisnat và một tốp sĩ quan SS đứng ngay gần đó. Khi đi ngang qua, Mussolini ngước nhìn Kisnat và nói bằng tiếng Đức: “Các người định nộp ta à?”.

Kisnat theo thói quen đặt tay lên bao súng, nhưng rồi buông tay ngay. Những người lính khác cũng không nói gì. Mussolini cùng Petasi bị giam trong ngôi nhà của một nông dân ở làng Jiulio gần thị trấn Metzegra, nằm sát biên giới với Thuỵ Sĩ. Mấy giờ sau, Đại tá lực lượng kháng chiến Valte Audidio cùng một số người nữa đến.

Họ được lệnh của cấp trên là phải tử hình Mussolini ngay lập tức, vì vào thời điểm ấy cả tình báo Anh và tình báo Mỹ đều đang lùng sục tìm kiếm tên này. Mussolini và Petasi bị đẩy vào xe và đưa đến gần bức tường một biệt thự. Chỉ mình Mussolini bị bắt đứng vào chân tường, còn Petasi không có tên trong bản án tử hình.

Sau khi Mussolini chết, người ta treo cổ hắn lên một cây xăng ở quảng trường Loreto. Tại một góc quảng trường có một đài kỉ niệm nhỏ xây bằng đá hoa cương kỉ niệm 15 chiến sĩ du kích bị lính mặc áo đen của Mussolini xử bắn ngày 15/8/1944.

Nguyên Phong