Hôm 28/4, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có bài phát biểu đầy xúc động về Chiến tranh Việt Nam với tư cách là người từng trực tiếp tham gia cuộc chiến.

Theo kênh truyền hình Mỹ CNN, tại cuộc hội thảo về Chiến tranh Việt Nam với tên gọi "Vietnam War Summit" diễn ra tại Thư viện Tổng thống Lyndon Baines Johnson ở thành phố Austin (Texas), Ngoại trưởng Kerry đã nghẹn ngào khi nhớ lại những giây phút ông điều trần trước Thượng viện Mỹ vào năm 1971. Vào thời điểm đó, ông mới trở về từ Việt Nam và tham gia lãnh đạo phong trào phản chiến của các cựu chiến binh.

{keywords}
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. (Ảnh: CNN)

"Khi tôi điều trần trước thượng viện chống lại cuộc chiến ở Việt Nam, tôi đã nói về sự quyết tâm của các cựu chiến binh nhằm thực hiện nhiệm vụ cuối cùng, để 30 năm sau, khi anh em chúng tôi xuống đường mà không có tay hoặc chân và mọi người hỏi 'Tại sao?', thì chúng tôi có thể nói 'Việt Nam' mà không hàm ý một ký ức đắng cay, thay vào đó lại là nơi nước Mỹ xoay chiều và là nơi chúng tôi đã giúp nước Mỹ trong bước ngoặt này".

CNN cho biết, Ngoại trưởng John Kerry từng được trao nhiều huân chương trong thời gian ông phục vụ ở lực lượng Hải quân Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi rời quân ngũ, ông đã trở thành một người phản đối mạnh mẽ cuộc chiến này, dẫn đến làn sóng biểu tình phản đối Chiến tranh Việt Nam diễn ra rầm rộ tại Mỹ năm 1971. Khi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông đã lên án cuộc chiến này là "man rợ".

Sau này, với tư cách là Thượng nghị sỹ bang Massachusetts, ông đã dành thời gian suốt 10 năm giúp cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Dự kiến, trong tháng 5 tới, Ngoại trưởng Jonh Kerry sẽ tháp tùng Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam, giữa thời điểm mối quan hệ hai nước đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Phát biểu tại hội thảo, ông Kerry chỉ rõ bài học quan trọng nhất mà nước Mỹ cần rút ra từ Chiến tranh Việt Nam, là khi đánh giá một nước cần nhìn nhận qua lăng kính của người dân chính nước đó. Ông ca ngợi sự cởi mở phi thường của người dân Việt Nam khi vượt qua sự thù hận, cho phép người Mỹ trở lại tìm kiếm binh lính Mỹ bị chết hoặc mất tích trong cuộc chiến, bất kể còn rất nhiều người lính Việt Nam hy sinh chưa tìm được hài cốt.

"Quá trình thu thập hài cốt đã cho thấy rất nhiều điều, không chỉ về người Mỹ hay về sự tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong cuộc chiến, mà còn cho thấy sự cởi mở phi thường của chính người dân Việt Nam, những người đã giúp chúng tôi tìm kiếm hài cốt của các binh sĩ thiệt mạng, thậm chí cả khi một phần lớn binh sĩ của họ đã hy sinh, có thể là cả triệu người, sẽ không bao giờ có thể được tìm thấy", ông nói.

Theo ông, phía Việt Nam muốn làm như vậy, bởi vì chính bản thân người dân Việt Nam cũng muốn gác lại quá khứ chiến tranh để hướng tới tương lai. "Người Việt Nam làm như thế vì họ cũng muốn gác lại chiến tranh. Họ đã đào bới những cánh đồng và cho chúng tôi vào nhà họ, những 'ngôi nhà lịch sử', những nhà tù. Hơn một lần, họ đã hướng dẫn chúng tôi băng qua những bãi mìn thực sự", Ngoại trưởng Mỹ cho biết.

Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh, với ông cũng như nhiều cựu binh Mỹ khác, quá trình hàn gắn và bình thường hóa quan hệ sau chiến tranh không phải là lãng quên, bởi lãng quên có nghĩa là ngừng học hỏi.

Cũng trong bài phát biểu hôm 28/4, ông Kerry đã kể về hai nước hiện hợp tác về các vấn đề an ninh như thế nào, trao đổi thương mại tăng trưởng ra sao và việc ngày càng có nhiều người Mỹ tới thăm Việt Nam. Đó đều là những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Mỹ đang tiến triển ra sao. Tuy nhiên, ông cũng cho biết vẫn còn nhiều điểm khác biệt giữa hai nước.

"Cho dù vẫn còn những lựa chọn khó khăn để mối quan hệ giữa chúng ta có thể đạt được đầy đủ tiềm năng, nhưng bây giờ chúng ta có thể nói chắc chắn rằng, vì rất nhiều người Việt và người Mỹ không cho phép quá khứ định hình tương lai của chúng ta, nên Việt Nam hiện là một đối tác mà chúng tôi đang xây dựng mối quan hệ ngày càng nồng ấm trên cả phương diện cá nhân lẫn phương diện quốc gia", Ngoại trưởng Mỹ nói.

"Đó là di sản chung của chúng ta và là điều mà chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới", ông Kerry nói thêm.

Hội thảo "Vietnam War Summit" diễn ra từ 26 đến 28/4, nhằm trao đổi thẳng thắn về chiến tranh Việt Nam, bài học và di sản của cuộc chiến. Ngoài ông Kerry, hội thảo còn có sự góp mặt của rất nhiều nhân chứng lịch sử như cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, nhà hành động phản chiến Tom Hayden, phóng viên ảnh Nick Út của hãng thông tấn AP - người từng đoạt giải báo chí Pulitzer với bức ảnh "Em bé Napalm"...

Thanh Vân

BTQP Mỹ ủng hộ bỏ hạn chế bán vũ khí cho Việt Nam

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter hôm 28/4 cho biết, ông sẽ ủng hộ việc dỡ bỏ các hạn chế đối với việc bán vũ khí cho Việt Nam.

Tiêm kích Nga chặn đứng máy bay do thám Mỹ

Một máy bay tiêm kích MiG-31 của Nga đã chặn máy bay do thám P8 Poseidon của Mỹ và hộ tống ở khoảng cách 15m trên bầu trời gần bán đảo Kamchatka, thuộc Viễn Đông Nga.

Xem tên lửa Nga 'cất cánh' từ sân bay vũ trụ mới

Sân bay vũ trụ Vostochny Cosmodrome mới của Nga đã thực hiện vụ phóng tên lửa đầu tiên vào hôm 28/4.

Tiết lộ vô cùng đáng sợ của phiến quân IS

Một phiến quân IS vừa hé lộ chi tiết hành trình từ Anh tới Syria và khoe việc tránh nhà chức trách dễ dàng tới mức nào.

Thế giới 24h: Tên lửa Triều Tiên bay được vài giây

Triều Tiên lại thử thất bại tên lửa tầm trung Musudan; Trung Quốc thử thành công tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân... là các tin nóng.