Ngay lập tức, Moscow chúc mừng Amin, bày tỏ tin tưởng mối quan hệ anh em giữa Liên Xô và đất nước Afghanistan cách mạng sẽ phát triển tốt đẹp trên cơ sở hiệp ước về hữu nghị, láng giềng thân thiện và hợp tác. Duy chỉ có KGB biết rõ sự chấm hết đã gần đến với Amin.

Cũng như tất cả các chiến dịch quan trọng của KGB, việc loại bỏ Amin được thảo luận và quyết định ở Bộ Chính trị. Sau khi Bộ Chính trị đồng ý, lãnh đạo KGB giao nhiệm vụ cho Phòng 8 thuộc Cục S (Cục Điệp báo bất hợp pháp, Tổng cục Tình báo ngoài nước/PGU).

{keywords}
Lực lượng KGB ở Afghanistan. Ảnh: Wikipedia

Người được Phòng 8 lựa chọn để loại bỏ Amin là Trung tá Mikhail Talebov, người Azerbaijan, từng nhiều năm sống ở Kabul và có ngoại hình giống hệt người Afghanistan.

Cuối mùa thu 1979, Talebov đến Kabul với lọ độc dược trong vali. Dưới bình phong là một đầu bếp có nghề, anh được nhận vào làm trong dinh tổng thống. Tuy nhiên, Amin hết sức thận trọng, thường xuyên thay đổi món ăn và đồ uồng vì sợ bị đầu độc.

Trong khi Talebov không đầu độc được Amin thì tình hình ở Afghanistan tiếp tục xấu đi. Các báo cáo của tổ điệp báo Kabul gửi về trung tâm chỉ rõ: “Nếu không loại bỏ Amin thì một nước cộng hòa Hồi giáo chống Liên Xô sẽ thay thế chế độ cộng sản”. Lời cảnh báo tương tự cũng được đưa ra từ Ban đối ngoại Trung ương.

Cũng như PGU, Chủ tịch KGB Yuri Andropov thoạt đầu không muốn đưa quân đội vào Afghanistan, nhưng trước tình hình này, lập trường của ông đã dần thay đổi. Người ta cho rằng, nhà lãnh đạo Liên Xô tương lai đã buộc phải tìm kiếm sự so sánh với kinh nghiệm của bản thân ông với tư cách là Đại sứ Liên Xô tại Hungary vào năm 1956, khi nhờ có những đơn vị thiện chiến của quân đội Liên Xô mà cuộc bạo loạn phản cách mạng mới bị dập tắt, chính quyền nhân dân mới được khôi phục ở đất nước này.

Vào đêm Giáng sinh năm 1979, cứ 3 phút một lần, các máy bay vận tải quân sự Liên Xô bắt đầu thả các đơn vị và thiết bị kỹ thuật xuống sân bay quốc tế Kabul - theo một “thỏa thuận quân sự” giữa hai nước. Một số đơn vị khác vào bằng đường bộ.

Tối 27/12, đoàn xe bọc thép của Liên Xô cơ động từ sân bay di chuyển theo hướng tới dinh tổng thống, đi đầu là nhóm đặc nhiệm KGB dưới sự chỉ huy của Đại tá Boyarinov – Trưởng Trung tâm huấn luyện đặc biệt thuộc Cục S. Tất cả đều mặc quân phục Afghanistan và đi trên trên những chiếc xe quân sự mang ký hiệu Afghanistan.

Tới cổng dinh tổng thống, đoàn xe bị chặn lại. Ngay lập tức, cửa sập của chiếc xe đi đầu bật mở, các chiến sĩ đặc nhiệm KGB nhảy ra khỏi xe và dùng súng tiểu liên nã đạn vào đội bảo vệ.

Đích thân Đại tá Boyarinov chỉ huy cuộc đột kích vào dinh tổng thống. Các chiến sĩ đặc nhiệm bắn chết Amin và người tình của y trong quầy rượu – Boyarinov ra lệnh không được để lại các nhân chứng. Đáng tiếc là những người lính của vị đại tá đã bắn chết ông do nhầm tưởng là thành viên đội bảo vệ của Amin. Tính chung, 9 cán bộ, chiến sĩ KGB đã hi sinh.

Ngay sau khi Amin bị tiêu diệt, người thay thế là Babrak Karman thông báo trên đài phát thanh về việc chính quyền đã chuyển vào tay ông, và chính thức đề nghị Liên Xô giúp đỡ quân sự.

Mặc dù có trù định rằng bản thông báo phải xuất phát từ Kabul, song trên thực tế nó được phát đi từ Liên Xô. Sáng sớm 28/12, đài phát thanh Kabul bị đánh chiếm, từ đây mới phát đi thông báo về việc Amin đã bị tử hình theo quyết định của tòa án cách mạng.

Giai đoạn sau đó, KGB vẫn bám sát địa bàn Afghanistan. Tổ điệp báo KGB ở Kabul được nhận quy chế “tổ điệp báo chính”. Ngoài ra, còn 8 bộ phận khác bố trí ở những thành phố lớn. Tổng quân số nhân viên KGB ở Afghanistan lên đến 400, trong đó khoảng 300 sĩ quan, 100 nhân viên kỹ thuật.

Suốt gần 10 năm trời, các cán bộ KGB công tác ở Afghanistan phải sinh hoạt như người lính trận – với súng ngắn dưới gối và súng tiểu liên cạnh đầu giường. Tình hình căng thẳng, phức tạp đến mức vào năm 1982, Tổ trưởng điệp báo KGB ở Kabul là Thiếu tướng Ivanov phải chuyển địa bàn do bị rối loạn thần kinh chức năng cấp.

Ngoài công tác tin tức, các cán bộ KGB còn giúp nhà nước Afghanistan xây dựng, huấn luyện cơ quan an ninh mới (HAD). Chỉ huy đầu tiên của HAD chính là Muhammed Najibullah, người sau này thay thế B. Karmal làm Tổng thống Afghanistan (1986 – 1992).

Hàng tháng, các tổ điệp báo KGB ở Afghanistan gửi về Trung tâm hàng chục báo cáo tình báo về tình hình Afghanistan. Những báo cáo này đã giúp lãnh đạo Đảng, Nhà nước Liên Xô đưa ra những quyết sách kịp thời trong việc giúp Nhà nước Cách mạng Afghanistan non trẻ củng cố sức mạnh, đối phó với thù trong, giặc ngoài và phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyên Phong

Sứ mệnh khó khăn của quân đội Liên Xô ở Afghanistan

Sứ mệnh khó khăn của quân đội Liên Xô ở Afghanistan

Tháng 9/1979, nhà lãnh đạo Afghanistan Taraki bị sát hại. Quyền hành lọt vào tay Hafizullah Amin, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao.

Sự lận đận chính trường của nguyên soái nổi tiếng Liên Xô

Sự lận đận chính trường của nguyên soái nổi tiếng Liên Xô

Lắm tài nhiều tật có lẽ là nét chung của nhiều người nổi tiếng. Zhukov cũng không ngoại lệ, thậm chí đến mức những tật đó đã hại chính ông.