Sau 5 năm từ Thái Lan trở về Việt Nam và tịnh dưỡng tại chùa Từ Hiếu (Thành phố Huế), Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch lúc 0 giờ ngày 22/1/2022 (ngày 20 tháng Chạp năm Tân Sửu), trụ thế 96 năm.

Với tâm niệm "hãy đi như thể dùng đôi chân hôn lên Trái Đất", Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dành phần lớn cuộc đời mình để tới khắp nơi trên thế giới, tuyên truyền Phật pháp cũng như tư tưởng yêu chuộng hòa bình.

{keywords}
Thiền sư Thích Nhất Hạnh và mục sư Martin Luther King Jr. năm 1966. Ảnh: Sweeping Zen

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nhiều lần đến Mỹ để nghiên cứu và diễn thuyết tại nhiều trường đại học nổi tiếng, với mục đích “dấn thân" vận động cho hòa bình. Tháng 6/1965, Thiền sư đã viết thư cho mục sư Martin Luther King Jr., nhà hoạt động dân quyền nổi tiếng của Mỹ, để kêu gọi chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.

Một năm sau, hai người đã có lần đầu tiên gặp nhau tại Chicago (Mỹ), và cùng thảo luận về hòa bình, tự do và cộng đồng. Mục sư Martin Luther King Jr đã gọi Thiền sư Thích Nhất Hạnh là “tông đồ của hòa bình và bất bạo động", đồng thời đề cử Thiền sư cho Giải Nobel Hòa bình năm 1967.

Sau này, Thiền sư Thích Nhất Hạnh kể rằng khi hay tin mục sư Martin Luther King Jr bị ám sát vào ngày 4/4/1968, ông đã suy sụp đến mất ăn, mất ngủ. “Tôi thề sẽ tiếp tục xây dựng cái mà ông ấy gọi là cộng đồng yêu thương, không chỉ vì tôi mà còn vì ông ấy. Tôi đã làm những gì tôi đã hứa với Martin Luther King Jr. Và tôi nghĩ rằng tôi luôn cảm thấy sự phù hộ của ông ấy”, Thiền sư chia sẻ.

{keywords}
Thiền sư Thích Nhất Hạnh và mục sư Martin Luther King Jr. trong một cuộc họp báo ở Chicago (Mỹ) tháng 5/1966. Ảnh: AP

Những lời dạy và phương pháp của Thiền sư thu hút sự quan tâm của nhiều người với những quan điểm tôn giáo, tâm linh và chính trị khác nhau. Báo New York Daily News mô tả Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người "đã thay đổi cách thế giới thực hành Phật giáo", đồng thời xem Thiền sư là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn.

Sau khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch, tài khoản Facebook chính thức của Thiền sư đã đăng tải bức thư chia buồn của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Bức thư viết: “Tôi vô cùng đau buồn khi biết rằng người bạn, người anh em tôn giáo quý mến Thích Nhất Hạnh đã viên tịch. Tôi xin gửi lời chia buồn đến quý đệ tử của ngài ở Việt Nam và trên toàn thế giới.

Việc ngài phản đối Chiến tranh Việt Nam trong ôn hòa, sự ủng hộ đối với ông Martin Luther King, nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi, và hầu hết mọi sự cống hiến của ngài trong việc chia sẻ với những người khác, cho thấy sự sống trong chánh niệm và với lòng từ bi không những góp phần vào sự an trú trong nội tại, mà còn phản ánh cách thức các cá nhân có thể dùng chánh niệm xây dựng hòa bình cho thế giới, Thiền sư đã sống một cuộc đời đầy trọn vẹn và tràn đầy ý nghĩa.

Tôi chắc chắn rằng cách tưởng niệm tốt nhất đối với Thiền sư là tiếp nối nỗ lực của ngài trong việc mang lại hòa bình cho thế giới".

{keywords}
Thiền sư Thích Nhất Hạnh và người dẫn chương trình nổi tiếng Oprah Winfrey. Ảnh: Lang Mai

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã phối hợp kiến thức của nhiều trường phái thiền khác nhau cùng với các phương pháp từ truyền thống Phật giáo Thượng tọa bộ, những nhận thức sâu sắc từ truyền thống Phật Giáo Đại thừa, và một số phát kiến của ngành tâm lý học đương đại phương Tây để tạo thành cách tiếp cận mới đối với thiền. Ông cũng là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân".

Bên cạnh đó, Thiền sư Thích Nhất Hạnh là tác giả của hơn 100 cuốn sách, trong đó hướng dẫn mọi người cách tìm thấy bình yên mà theo Thiền sư là "luôn hiện hữu trong mọi khoảnh khắc của cuộc sống".

Nhiều người nổi tiếng trên toàn cầu, không phân biệt tôn giáo, quan điểm chính trị, đã chịu ảnh hưởng bởi những quan điểm sống, thế giới quan của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. “Nữ hoàng truyền thông Mỹ” Oprah Winfrey từng có cơ hội phỏng vấn Thiền sư và nói rằng Thiền sư đã tác động sâu sắc đến suy nghĩ của bà.

Christiana Figueres, cựu Thư ký điều hành Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu, hồi năm 2016 chia sẻ rằng bà khó lòng thúc đẩy thông qua Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu thành công "nếu không có những lời dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đồng hành".

{keywords}
Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại một buổi tọa đàm của Ngân hàng Thế giới năm 2013. Ảnh: HM

Năm 2015, Thiền sư Thích Nhất Hạnh được trao giải Hòa bình trên Trái Ðất, giải thưởng thường niên được Giáo hoàng John XXIII đề xướng từ năm 1963 nhằm vinh danh những người tạo dựng thành tựu về hòa bình và công lý, không chỉ riêng cho đất nước họ mà cho toàn thế giới. "Ông là người dành cả cuộc đời cho sự nghiệp hòa bình và công lý", chứng thư mà Giám mục Martin Amos trao cho Thiền sư có đoạn viết. 

Năm 2019, Thiền sư được quỹ Hòa bình Schengen và Diễn đàn Hòa bình Thế giới trao giải Hòa bình nội tâm, một hạng mục trong giải thưởng Hòa bình Luxembourg, vì những bài pháp thoại đầy thuyết phục và những cuốn sách bán chạy nhất về chánh niệm và hòa bình.

{keywords}
Thiền sư Thích Nhất Hạnh (phải) nói chuyện cùng Thượng tọa Haemin tại Seoul ngày 14/5/2013. Ảnh: Yonhap

Theo Thượng tọa Haemin, một trong những vị thiền sư nổi tiếng của Hàn Quốc và từng làm phiên dịch viên cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Hàn Quốc vào năm 2013, Thiền sư là người điềm tĩnh, chu đáo và yêu đời.

"Thiền sư giống như một cây thông lớn, để cho nhiều người ngồi dưới tán cây của ông và nghe ông giảng những lời dạy tuyệt vời về chánh niệm và lòng từ bi", Thượng tọa Haemin chia sẻ.

>>> Đọc tin thế giới trên VietNamNet

Việt Anh

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, một đời cho Phật pháp và hòa bình

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, một đời cho Phật pháp và hòa bình

96 năm trụ thế, Thiền sư Thích Nhất Hạnh được biết đến là một nhà hoạt động tôn giáo, nhà thơ, nhà hoạt động vì hoà bình được thế giới kính nể với những lời dạy thông qua chánh niệm về hoà bình, xây dựng cộng đồng…  

Bậc chân tu đã về với mây trắng

Bậc chân tu đã về với mây trắng

Một bậc chân tu hiếm có đã an nhiên về cõi Phật. Sáng nay, trên trang web của Đạo Tràng Mai Thôn (Làng Mai) thông báo di huấn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.