Dagestan, một tỉnh của Nga đồng thời là điểm nóng bạo lực ở Bắc Caucasus, đang cung cấp hàng trăm chiến binh cho nhóm IS tại Syria. Hiện một số đã quay lại quê hương.


{keywords}

Sự ra đi của hàng trăm đối tượng trên giúp khu vực trở nên ít bạo lực hơn trong thời gian gần đây, bớt các vụ đánh bom và bắn giết.

Hiện, dù số các chiến binh quay về quê hương hoặc phải vào tù hoặc bị cảnh sát giám sát chặt chẽ thì vẫn còn mối lo ngại lâu dài rằng, sự hiện diện của các tín đồ Hồi giáo cực đoan được đào tạo trong các cuộc chiến của IS có thể khiến khu vực bất ổn và bạo lực hơn.

"Chúng tôi không thể để các đối tượng này vận dụng kinh nghiệm thu thập được ở Syria đem về áp dụng tại quê hương", Tổng thống Nga Putin gần đây cho biết.

Eduard Urazayev, cựu quan chức chính quyền Dagestan hiện là một nhà phân tích chính trị, cho hay, thất nghiệp và nghèo đói trong vùng khiến việc tuyển quân của IS tại đây dễ dàng hơn nhiều. "Nếu mức độ tham nhũng và tình hình kinh tế xã hội bất lợi vẫn tồn tại nó có thể tiếp sức cho các vụ biểu tình và tăng tính cảm thông với IS".

Phong trào nổi dậy của lực lượng Hồi giáo đã quét qua Bắc Caucasus, Nga sau khi hai cuộc chiến ly khai ở Chechnya nổ ra và dẫn tới sự ra đời của cái gọi là "Tiểu vương quốc Caucasus", một nhóm quân gồm các chiến binh ở vài tỉnh Caucasus. Tổ chức này đã tuyên thệ trung thành với IS.

Alexei Malashenko, chuyên gia về Hồi giáo thuộc nhóm cố vấn chính sách đối ngoại Carnegie Endowment tại Moscow cho hay, các quan chức Caucasus khuyến khích các chiến binh rời khỏi khu vực này.

Giới chức khu vực này cho hay, họ giám sát chặt chẽ những đối tượng quay lại. Giới chức Dagestan đã cố kiểm soát nhóm những người theo Salafism - nhánh cực đoan của Hồi giáo Sunni, bằng cách lấy mẫu ADN và dấu vân tay của nhóm này.

Sharaputdin Arslanbekov, một viên chức cảnh sát ở Makhachkala chuyên trách về đấu tranh chống khủng bố, cho hay những kẻ tuyển quân IS thường hoạt động tích cực tại các trường học, lợi dụng các vấn đề kinh tế và xã hội trong vùng để tuyển quân.

"Những kẻ tuyển quân khá là quỷ quyệt và được chuẩn bị kỹ càng, chúng biết cách truyền bá tư tưởng và là những nhà tâm lý học thực thụ".

Gazimagomed Aligadzhiyev, một cư dân của ngôi làng Gimry, trung tâm của Salafism ở Dagestan, từng tới Syria trước khi quay lại. Về Dagestan, nhân vật này gia nhập một nhóm chiến binh địa phương và đã nộp mình cho giới chức do mệt mỏi với việc phải trốn tránh chui nhủi. "Chúng tôi chỉ ra ngoài vào buổi tối vì họ có thể phát hiện ra chúng tôi vào ban ngày. Từ tháng 12 tới giờ, tôi chưa thấy ánh mặt trời".

Dù giới chức địa phương ở Caucasus có thể thở phào nhẹ nhõm về các chiến binh chạy tới Syria thì Kremlin lại lo ngại về những mối đe dọa có thể phát sinh khi lực lượng này từ Syria về lại Nga.

Putin mô tả mối đe dọa của IS với Nga là nhân tố then chốt đằng sau quyết định không kích lực lượng này tại Syria. Theo Tổng thống Putin, có khoảng 5.000 tới 7.000 người từ Nga và các nước Xô viết khác đang chiến đấu dưới trướng IS.

Theo cơ quan an ninh FSB, IS rất tích cực tìm kiếm tân binh, đặc biệt là thanh niên, trên mạng xã hội ở toàn nước Nga và các nước Xô viết cũ. Cư dân ở Kyrgyzstan và các nước Trung Á, nơi đa phần dân số là người Hồi giáo, hiện là mục tiêu số một của những kẻ tuyển quân IS.

Ngoài ra, bên cạnh tuyển tân binh từ nhóm người nghèo, IS còn tìm kiếm thành viên mới ở tầng lớp trung lưu.

  • Hoài Linh