Các chuyên gia quân sự cho biết, vụ việc chiến đấu cơ Su-24 và tiếp sau đó là máy bay trực thăng cứu nạn của Nga bị bắn hạ đã cho thấy một số lỗ hổng của lực lượng không quân Nga, theo Wall Street Journal.

Cuối tháng 9 năm nay, quân đội Nga đã bắt đầu tham gia tấn công IS tại Syria. Ngày 23/11, lực lượng Nga lần đầu tiên bị tổn thất đáng kể trong trận chiến này sau khi chiếc Su-24 bị phi đội chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ với lý do bị vi phạm không phận.

Theo các nhà phân tích, sự kiện này đã hé lộ một số hạn chế của không quân Nga khi tham chiến tại quốc gia Trung Đông.

Xét về tính năng, chiếc Su-24, di sản thời Chiến Tranh Lạnh chỉ có chức năng chủ yếu là thực hiện nhiệm vụ ném bom. Nó không được thiết kế để đối đầu với một hệ thống phòng thủ như F-16 do Mỹ sản xuất.

Khi bị bắn hạ, chiếc Su-24 bay ở độ cao 6000 mét, cao hơn so với các loại vũ khí đất đối không của IS và quân nổi dậy chống chính phủ. Chiếc chiến đấu cơ hoàn toàn đơn độc, không được hộ tống bởi máy bay chiến đấu. Điều này cho thấy Nga không hề dự tính trước về khả năng xảy ra một cuộc đối đầu.

{keywords}
Chiến đấu cơ Su-24 của Nga lần đầu đi vào hoạt động năm 1970. (Ảnh: EPA)

Qua đó, các chuyên gia nhận xét, hoạt động của Nga tại Syria khác xa so với những gì Mỹ đang thực hiện.

Steve Zaloga, một nhà phân tích cấp cao, cho biết máy bay chiến đấu Mỹ không bao giờ hoạt động một mình, mà luôn được đi kèm bởi các máy bay trinh sát, máy bay chỉ huy cùng với hệ thống kiểm soát từ mặt đất có nhiệm vụ cung cấp thông tin về biên giới cũng như các mối nguy hiểm tiềm tàng cho phi công trong buồng lái.

“Không quân Mỹ có xu hướng hoạt động theo mạng lưới, và thường trao đổi thông tin với các phi công khác bằng dữ liệu được truyền dẫn qua một hệ thống riêng”, ông Zaloga nói.

Ngoài ra, nhà phân tích cho rằng vụ máy bay Su-24 bị bắn rơi có thể do một số yếu tố khác, trong đó bao gồm khả năng bộ phận điều hướng gặp phải sự cố kỹ thuật.

Ngay sau khi chiến đấu cơ bị bắn hạ, Nga lại tiếp tục thiệt hại hơn nữa khi máy bay trực thăng tìm kiếm cứu hộ Mi-8 trúng đạn, buộc phải hạ cánh khẩn cấp tại vùng lãnh thổ trung lập để rồi bị phiến quân tiêu diệt. Động thái này, theo các chuyên gia quân sự, lại một lần nữa cho thấy điểm hạn chế của Nga khi có phần xem nhẹ việc huấn luyện tìm kiếm-cứu hộ.

Tiến sĩ Can Kasapoglu, Trung tâm Nghiên cứu chính sách kinh tế đối ngoại Thổ nhĩ Kỳ, cho hay đoạn băng quay lại cảnh máy bay trực thăng làm nhiệm vụ thể hiện những thiếu sót của phi công khi không xác định được khu vực hạ cánh an toàn, dẫn đến việc máy bay bị phá hủy.

“Đào tạo đội tìm kiếm cứu hộ là rất quan trọng, nhưng việc đào tạo phi công đủ khả năng thực hiện sứ mệnh tìm kiếm cứu hộ cũng quan trọng không kém”, ông Kasapoglu nhận định.

Phản ứng lại việc máy bay Su-24 bị bắn hạ, Nga tuyên bố sẽ đẩy mạnh hoạt động tại Syria. Moscow tiết lộ ý định mang đến đây tàu tuần dương tên lửa và hệ thống phòng không tiên tiến S-400, cảnh báo rằng cả hai đều có khả năng phá hủy bất kỳ mối đe dọa nào đối với Nga trong khu vực. Đồng thời, các cuộc không kích mạnh mẽ gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được chính quyền ông Putin tiếp tục tiến hành.

Hãng tin TASS cho biết, Nga hiện đang có một hạm đội gồm hơn 50 máy bay cánh nâng cố định và trực thăng tại Syria, khá ít ỏi so với 858 máy bay của lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ. Việc mang tàu tuần dương và hệ thống phòng không tiên tiến có khả năng gia tăng xung đột tại Trung Đông, và đưa ra một thách thức lớn đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Lan Phương