Việc người Hy Lạp từ chối gói cứu trợ tiền mặt gắn kèm với các biện pháp khắc khổ của quốc tế đã làm lộ những vết nứt tồn tại từ lâu giữa các đối thủ ở châu Âu.

TIN BÀI KHÁC:

"Bà Merkel đã thất bại. Nước Đức đã thua". Đó không phải là lời bình của một tờ báo cánh tả ở Hy Lạp về kết quả trưng cầu dân ý hôm 5/7, mà là từ Benoit Hamon, cựu Bộ trưởng Giáo dục Pháp và là một đồng minh của Tổng thống Pháp Francois Hollande.

{keywords}

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras sẽ gặp người đồng cấp Đức Angela Merkel và các lãnh đạo khác của Eurozone ngày 7/7. (Ảnh: Getty)

Theo báo Telegraph, đối với ông Hamon, cuộc bỏ phiếu "Không" là "một cơ hội cho ông Hollande phục hồi vị thế lãnh đạo" ở châu Âu. Những chia rẽ đã bén rễ sâu trên khắp lục địa, và cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp đang khiến chúng nổi lên, khi các cường quốc tài chính châu Âu cãi vã không khác gì "những đứa trẻ trong giờ ra chơi".

Cùng với nguy cơ Hy Lạp không giữ được chân trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), thì thực tế ngày càng rõ là sự hiện diện của Hy Lạp sẽ quyết định tương lai của toàn lục địa.

Phần còn lại của châu Âu đón kết quả trưng cầu dân ý ở Hy Lạp trong im lặng. Nhưng ở các nơi khác vẫn có những phản hồi tích cực. Cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro ca ngợi "Hy Lạp nhận được sự ngưỡng mộ khắp Mỹ Latinh", còn Tổng thống Bolivia Evo Morales gọi cuộc bỏ phiếu là một bàn thắng trước "chủ nghĩa đế quốc châu Âu".

Trong khi đó, các dự đoán về một sự sụp đổ giá các loại cổ phiếu trên thị trường chứng khoán châu Âu hóa ra đều sai bét.

Người Hy Lạp đã lên tiếng. Và giờ dư luận đang chăm chú theo dõi phản ứng của người phụ nữ quyền lực nhất thế giới: bà Angela Merkel. Bà cho biết sẽ đợi để xem Chính phủ Hy Lạp đưa ra những đề xuất gì, song khẳng định không thấy có lý do để bước vào đàm phán về một chương trình cứu trợ mới nếu mọi thứ vẫn y nguyên.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel thậm chí còn thẳng thừng hơn. Ông tuyên bố trừ phi Thủ tướng Tsipras thỏa hiệp, Hy Lạp sẽ vẫn chỉ được cung cấp thực phẩm và thuốc men. "Với người Hy Lạp, cuộc sống sẽ còn khó khăn hơn trong những ngày và những tuần tới đây", ông khẳng định.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis gọi cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp là trái pháp luật, đồng thời cảnh báo người dân nước này rằng "không có con đường nào dễ dàng để thoát khỏi khủng hoảng".

Hội đồng châu Âu cảnh báo cuộc trưng cầu dân ý không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế vì nó được thông báo chỉ trong vòng một tuần và câu hỏi dài dằng dặc về đề xuất cứu trợ không được rõ ràng.

Chỉ có Pháp là có vẻ như một đồng minh cuối cùng của Hy Lạp. Bình luận "bà Merkel đã thất bại" của ông Hamon cho thấy khao khát ở một đất nước muốn nhân tiện khủng hoảng ở Hy Lạp để đẩy cán cân quyền lực giữa hai kiến trúc sư chính của Liên minh châu Âu về phía Paris.

Thủ tướng Anh David Cameron - chứng kiến các sự kiện từ bên ngoài khối Eurozone - tỏ lập trường nước đôi. Ông điện đàm với bà Merkel rồi gặp Bộ trưởng Tài chính George Osborne và Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney để bàn về khủng hoảng.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của ông Cameron chỉ nói: "Ông nghĩ rằng rõ ràng Hy Lạp và Eurozone cần ngồi lại và đối thoại về những tác động của kết quả (trưng cầu). Họ cần tìm ra một giải pháp bền vững. Đó là vấn đề của Hy Lạp và các đối tác Eurozone".

Bà Angela Merkel và ông Francois Hollande đã ăn tối cùng nhau tại Điện Elysee ở Paris, ra một thông báo ngắn gọn mà trong đó, bà Merkel nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Hy Lạp có "trách nhiệm" phải cải cách nền kinh tế của mình còn ông Hollande kêu gọi châu Âu hãy thể hiện "tình đoàn kết" với Hy Lạp.

Thông điệp của họ hé lộ những chia rẽ giữa hai nước về cách thức giải quyết vấn đề Hy Lạp, và cho thấy một tinh thần chung của các cuộc đàm phán quan trọng trong hôm nay (7/7). Đầu tiên là cuộc gặp của các bộ trưởng tài chính khối Eurozone, sau đó là một hội nghị thượng đỉnh của 19 nhà lãnh đạo các nước Eurozone.

Nếu các cuộc họp đó không mang lại kết quả, việc Hy lạp không trả được một khoản nợ của ECB vào ngày 20/7 tới rốt cuộc có thể sẽ tước mất của nước này tư cách thành viên Eurozone, và đặt toàn bộ tương lai của đồng tiền chung này vào bất ổn.

Thanh Hảo