Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko thừa nhận, lực lượng nổi dậy thân Nga ở miền đông nước này đã rút một lượng "đáng kể" các vũ khí hạng nặng.

TIN BÀI KHÁC:

BBC dẫn lời ông Poroshenko tuyên bố trên truyền hình rằng về phần mình, chính quyền Kiev cũng đã rút các hệ thống trọng pháo và tên lửa.

{keywords}
Kiev xác nhận quân nổi dậy đang chuyển vũ khí hạng nặng khỏi tiền tuyến. (Ảnh: AP)

Theo một lệnh ngừng bắn đạt được hồi tháng 2, cả hai bên phải rút mọi vũ khí hạng nặng khỏi tiền tuyến vào đầu tháng 3. Thỏa thuận này dường như đang được tôn trọng mặc dù đụng độ vẫn xảy ra.

Cả hai bên cáo buộc nhau vi phạm ngừng bắn hoặc coi đó là vỏ bọc để củng cố sức mạnh.

Liên Hợp Quốc ước tính, 6.000 người đã bỏ mạng và hơn 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, kể từ khi xung đột nổ ra hồi tháng 4 năm ngoái ở Donetsk và Luhansk thuộc miền đông.

Ba ngày trước, Tổng thống Poroshenko còn cáo buộc quân nổi dậy không muốn rút vũ khí dưới sự giám sát quốc tế theo các điều khoản trong lệnh ngừng bắn đạt được ở Minsk, thủ đô Belarus.

Về lệnh ngừng bắn, người đứng đầu chính quyền Kiev bình luận: "Có hay không có một lệnh ngừng bắn phụ thuộc vào cách thức bạn nhìn nhận nó".

Ông cho biết thêm, kể từ ngày 15/2, khi thỏa thuận ngừng bắn chính thức có hiệu lực, 64 binh sĩ Ukraina đã thiệt mạng, nâng tổng số quân chính phủ tử trận lên 1.549 người kể từ khi xung đột nổ ra.

Hiện các thành viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu đang giám sát lệnh ngừng bắn Minsk. Theo yêu cầu, hai bên phải tạo ra một vùng đệm giữa họ rộng ít nhất 50km.

Một nhà ngoại giao Đức nói với hãng tin AP hôm 9/3 rằng tháng trước, Tổng thống Barack Obama khẳng định sẽ không gửi viện trợ phòng thủ sát thương cho Ukraina. Trong một cuộc gặp với Thủ tướng Angle Merkel, ông chủ Nhà Trắng tán đồng việc "tạo một không gian cho các nỗ lực ngoại giao, chính trị đang diễn ra".

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên thừa nhận kế hoạch sáp nhập bán đảo Crưm hồi tháng 3 năm ngoái đã được sắp đặt nhiều tuần "trước cuộc trưng cầu dân ý tự trị".

Crưm chính thức trở thành một phần của nước Nga ngày 18/3/2014 trước sự lên án của Mỹ và phương Tây, sau khi những tay súng không rõ danh tính tiếp quản bán đảo này.

Phát biểu trên truyền hình, Putin cho biết ông đã ra lệnh việc "giành lại Crưm" phải bắt đầu tại một cuộc họp thâu đêm ngày 22/2. Cuộc gặp này được triệu tập sau khi Tổng thống Ukraina thân Moscow khi đó, Viktor Yanukovych, bị hạ bệ ở Kiev.

Thanh Hảo